Kiểm soát, giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đúng quy định

Kiểm soát, giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đúng quy định
4 giờ trướcBài gốc
Việc triển khai thực hiện các chương trình đã tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh tư liệu
Kiểm soát nguồn chi hợp pháp, hợp lệ
Các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG): Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững luôn được Đảng và Nhà nước xác định là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Những năm qua, cấp ủy chính quyền các cấp đã luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân để thực hiện tốt các CTMTQG.
Phấn đấu giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch
Để thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó có vốn CTMTQG, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc triển khai thực hiện các chương trình đã đóng góp và tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt là với kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế đã được quan tâm đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quá trình phát triển và hiện đại hóa nông thôn. Theo đó, đời sống của người dân được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Những thành quả đạt được này có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) để đưa nhanh, kịp thời nguồn vốn đến với từng chương trình, từng dự án.
Theo KBNN, hồ sơ của các nhiệm vụ, dự án thuộc CTMTQG chủ yếu là các dự án nhỏ cấp xã, phường, thị trấn với số vốn không lớn, thường là các kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng là người dân, hoặc các công trình dự án điện, đường, trường, trạm, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó là các đối tượng phục vụ đa dạng, các khoản chi cũng như các nội dung chi phong phú. Do đó, để kiểm soát tốt các nguồn chi này, KBNN đã nghiên cứu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán để hướng dẫn các đơn vị KBNN về cách thức hạch toán, phương thức thanh toán và các quy định về kiểm soát thanh toán vốn.
Đồng thời, KBNN đã ban hành công văn hướng dẫn các đơn vị KBNN thực hiện kiểm soát thanh toán và hướng dẫn công tác báo cáo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Với các giải pháp đã thực thực hiện, việc kiểm soát, thanh toán cho các nhiệm vụ, dự án thuộc CTMTQG thời gian qua đã đảm bảo được tính chặt chẽ, hợp pháp, hợp lệ về hồ sơ, chứng từ bên cạnh quy trình kiểm soát đang được hiện đại hóa thông qua hình thức giao dịch điện tử giữa các đơn vị sử dụng ngân sách và KBNN, đảm bảo đúng thời gian quy định với từng loại hồ sơ thanh toán.
Vẫn còn khó khăn cần tháo gỡ để nguồn vốn giải ngân nhanh
Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự nỗ lực trong kiểm soát, thanh toán vốn của hệ thống KBNN, công tác giải ngân nguồn vốn CTMTQG đã có nhiều sự cải thiện. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn này cũng còn chậm so với mục tiêu đặt ra.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 9 vừa qua, mặc dù đã có nhiều địa phương bứt phá, vươn lên trong giải ngân nhưng cũng mới chỉ có hơn 55% số vốn được giải ngân. Trong khi 45% kế hoạch vốn còn lại dồn vào 3 tháng cuối năm đã tạo nên áp lực rất lớn cho công tác giải ngân vốn đầu tư công chúng của cả nước.
Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG từ trung ướng đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ đã ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn.
Đáng lưu ý, tại nhiều địa phương còn chậm triển khai thực hiện (chậm phân bổ kế hoạch vốn, giao dự toán; chậm lập phê duyệt dự án đầu tư, đối tượng hỗ trợ). Bên cạnh đó là một số cơ chế chưa ban hành, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện như: Quy định về đối tượng người có lao động thấp thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề tại CTMTQG giảm nghèo bền vững; đối tượng, nội dung thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Tuy nhiên, cũng theo ông Dương Bá Đức, trong phạm vi và quyền hạn của mình, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân các CTMTG và có văn bản kịp thời trả lời, hướng dẫn các vướng mắc của địa phương theo thẩm quyền.
Là cơ quan thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn, các đơn vị KBNN đóng trên địa bàn các tỉnh được giao vốn thực hiện các CTMTQG này cũng đang tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để điều hành và đảm bảo các giao dịch thông suốt, liên tục, không bị ách tắc; thực hiện thanh toán ngay cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân.
Đồng thời, các đơn vị KBNN cũng kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ, xử lý. Ngoài ra, các đơn vị KBNN sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến những quy định mới về kiểm soát chi các CTMTQG đến các đơn vị sử dụng ngân sách để các đơn vị nắm bắt những nội dung cần thiết phải làm trong quá trình hoàn tất hồ sơ, chứng từ, đáp ứng các yêu cầu về thủ tục hành chính và giao dịch với KBNN./.
Vân Hà
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kiem-soat-giai-ngan-von-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-dung-quy-dinh-161822.html