Kiểm tra công tác dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số tại Kiên Giang

Kiểm tra công tác dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số tại Kiên Giang
2 giờ trướcBài gốc
Học sinh dân tộc thiểu số trong giờ học.
Ngày 25/11, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc tại tỉnh Kiên Giang, kiểm tra kết quả thực hiện Quyết định số 142 ngày 27/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao chất lượng giáo dục các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình Giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030”.
Đoàn công tác có đại diện Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý; Vụ Giáo dục Đại học; Vụ Kế hoạch tài chính; Vụ Giáo dục dân tộc; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Bộ...
Phía Sở GD&ĐT Kiên Giang có ông Huỳnh Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; đại diện các Sở, Ngành tỉnh; lãnh đạo Phòng Giáo dục Dân tộc và các phòng chuyên môn; lãnh đạo UBND huyện, Phòng GD&ĐT huyện An Biên…
Đoàn công tác thăm lớp học tiếng Khmer Trường Phổ thông DTNT THCS An Biên (huyện An Biên).
Bảo tồn tiếng nói, chữ viết đồng bào dân tộc
Sáng cùng ngày, đoàn công tác đến kiểm tra, làm việc tại Trường Phổ thông DTNT THCS An Biên (huyện An Biên); thăm lớp học đang dạy học tiếng Khmer; thăm khu nội trú học sinh; thăm bếp ăn và thăm hỏi giáo viên, học sinh nhà trường.
Báo cáo tình hình dạy học tiếng dân tộc tại nhà trường, cô Thị Hơn, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS An Biên cho biết: Năm học 2024 - 2025 trường có 9 lớp (Khối 6 có 3 lớp; Khối 7 có 2 lớp; Khối 8 có 2 lớp; Khối 9 có 2 lớp) với quy mô là 275 học sinh. Trong đó dân tộc Khmer là 265, dân tộc Nùng 2 và dân tộc Hoa 1.
Quy mô trường DTNT đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của địa phương; sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo quản lý thống nhất từ tỉnh đến cơ sở đã góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục của địa phương, công tác quy hoạch phát triển nhà trường được ưu tiên quan tâm thực hiện làm cơ sở cho sự ổn định phát triển bền vững của nhà trường…
Ông Danh Thảo, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Biên cho biết thêm: Năm học 2024 - 2025, toàn ngành GD&ĐT huyện có 41 cơ sở giáo dục trực thuộc. Số học sinh dân tộc (Khmer) bậc Mầm non 211; Tiểu học 1.426 và THCS 670. Về nhân sự, bậc học Mầm non có 19 giáo viên dân tộc Khmer và 6 nhân viên; Tiểu học có 73 giáo viên dân tộc Khmer và 42 nhân viên; THCS có 22 giáo viên dân tộc Khmer và 19 nhân viên.
Theo ông Danh Thảo, những hạn chế vướng mắc trong quá trình thực hiện như: Một số cơ sở giáo dục có đông học sinh là người dân tộc khmer thuộc vùng dân tộc thiểu số chưa có giáo viên dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số.
Huyện gặp khó do chưa có biên chế giáo viên dạy tiếng Khmer đạt trình độ chuẩn về đào tạo trong các cơ sở giáo dục; chủ yếu phân công giáo viên tiểu học dạy kiêm nhiệm qua bồi dưỡng. Chưa có sách giáo khoa, sách tham khảo, nguồn tài liệu học tập về tiếng Khmer theo quy định là môn tự chọn của Chương trình GDPT 2018…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Xinh, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên cho biết: Thời gian qua, huyện luôn quan tâm công tác bảo tồn chữ viết, văn hóa dân tộc; chú trọng công tác tuyên truyền trong cộng đồng, phụ huynh, học sinh về ý nghĩa việc học tập.
Thông qua kiểm tra, huyện có định hướng tốt hơn trong thời gian tới. Đồng thời, đề nghị ngành GD&ĐT huyện phối hợp các sở, ngành, địa phương khắc phục khó khăn, triển khai hiệu quả dạy học các môn học tiếng DTTS...
Học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS An Biên (huyện An Biên) trong giờ học tiếng Khmer.
Đảm bảo điều kiện dạy, học tiếng dân tộc
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, dân số của tỉnh trên 1,7 triệu người; trong đó có 12,7% đồng bào Khmer và 2,7% đồng bào dân tộc Hoa. 6 trường DTNT bố trí tại các huyện có đông đồng bào DTTS và thành phố giáp biên giới, có nhiều đồng bào DTTS (Khmer, Hoa).
Nhìn chung, quy hoạch mạng lưới và quy mô các trường Phổ thông DTNT của tỉnh Kiên Giang hợp lý, phù hợp với đặc điểm tự nhiên và điều kiện kinh tế, chính trị của địa phương.
Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 6 trường Phổ thông DTNT; trong đó 1 trường PT DTNT THPT có 12 lớp, với tổng số 419 học sinh; 5 trường PT DTNT THCS có 40 lớp (8 lớp/1 trường), với tổng số 1.360 học sinh. Công chức, viên chức DTTS hiện tại 287 người, chiếm 8,84%, tăng 4,74% so với giai đoạn trước ngày 31/12/2020.
Thành viên đoàn kiểm tra trao đổi tại buổi làm việc.
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông - GDTX (Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang), tình hình chung về công tác quản lí việc dạy và học chữ Khmer còn gặp khó khăn đối với các Phòng GD&ĐT và các trường do không có cán bộ là người dân tộc, biết tiếng nói và chữ viết dân tộc.
Đa số giáo viên dạy tiếng dân tộc chưa có bằng tốt nghiệp chuyên môn về tiếng dân tộc, chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm. Môn tiếng Khmer là môn tự chọn không đánh giá nên không thu hút được học sinh tham gia học...
Tỉnh Kiên Giang kiến nghị, đề xuất Chính phủ tiếp tục quan tâm, tăng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG cho các trường PT DTNT và PT DTBT nói chung, so với giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường quy mô và mở rộng vùng tuyển sinh cho trường PT DTNT để đáp ứng nhu cầu về số lượng học sinh đồng thời vẫn duy trì chất lượng đầu vào.
Bộ GD&ĐT sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để địa phương có cơ sở pháp lý thực hiện đặt hàng các trường đại học mở lớp đào tạo giáo viên dạy tiếng Khmer theo quy định...
Quan tâm đầu tư trường lớp, nhân lực
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết: Công tác dạy, học tiếng DTTS được tỉnh hết sức quan tâm, hiện phát triển mạnh các trường DTNT trong tỉnh. Cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đầu tư (hiện có 5/6 trường DTNT đạt chuẩn quốc gia).
Đặc biệt, bồi dưỡng đội ngũ thường xuyên, đặt hàng đào tạo theo yêu cầu, đảm bảo giáo viên dạy tiếng DTTS tại các trường. Thời gian tới ngành Giáo dục tỉnh tập trung đón giáo viên có trình độ tiếng Khmer để bố trí thi tuyển viên chức; cố gắng bổ sung đủ biên chế, ưu tiên trước tiên cho các trường DTNT của tỉnh...
Ông Huỳnh Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang phát biểu tại buổi làm việc.
Chia sẻ thêm với tỉnh tại buổi làm việc, đại diện Đoàn công tác cho rằng tỉnh Kiên Giang cần xem xét các chỉ tiêu xác thực, phù hợp với địa phương trong việc thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình GDPT giai đoạn 2021 - 2030.
Thời gian tới, tỉnh cũng cần tập trung các giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền để đến từng gia đình đồng bào DTTS, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng việc bảo tồn tiếng nói chữ viết, tiến tới bảo tồn văn hóa dân tộc. Quan tâm công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên, bồi dưỡng thường xuyên.
Đặc biệt, các huyện cần đảm bảo các chế độ chi trả cho giáo viên dạy tiếng Khmer. Huy động nguồn lực thực hiện dạy học tiếng DTTS, như nguồn lực cho đào tạo giáo viên; bồi dưỡng giáo viên; mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Thời gian tới tỉnh quan tâm đến biên chế giáo viên dạy tiếng DTTS, cần bố trí đủ giáo viên cho các trường...
Quốc Ngữ
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/kiem-tra-cong-tac-day-hoc-cac-mon-tieng-dan-toc-thieu-so-tai-kien-giang-post709942.html