Nữ tiến sĩ tâm huyết với giáo dục mầm non

Nữ tiến sĩ tâm huyết với giáo dục mầm non
2 giờ trướcBài gốc
Với nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Giáo dục mầm non Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Cô cũng là 1 trong 60 nhà giáo được tham dự buổi gặp mặt Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và phát biểu cảm nghĩ trong dịp này.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn trao danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu năm 2024 cho cô Nguyễn Thị Bích Thủy.
Vinh dự, tự hào và xúc động là những cảm xúc vẫn còn vẹn nguyên đối với cô Thủy khi được đại diện cho các nhà giáo phát biểu trong buổi gặp mặt Thủ tướng Chính phủ vừa qua. Trong chuyến đi này, cô đã có dịp gặp gỡ các nhà giáo tiêu biểu trên khắp mọi miền của Tổ quốc, từ đó thêm yêu, trân trọng và mong muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”.
Nhiều thành tích và đóng góp
Thời còn đi học, cô Thủy đã gặt hái những thành tích đáng nể như: Đạt giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử năm 1998; tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2002 chuyên ngành Giáo dục mầm non. Ra trường, cô Thủy được tuyển thẳng vào công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang và được trường cử đi học thạc sĩ tại Đại học Keimyung (Hàn Quốc). Tốt nghiệp thạc sĩ với kết quả xuất sắc, cô được cấp học bổng tiến sĩ để tiếp tục theo học tại xứ sở kim chi. Là một trong số ít tiến sĩ chuyên ngành giáo dục mầm non của Việt Nam, cô Thủy được coi là người có uy tín về chuyên môn, ảnh hưởng rộng rãi trong ngành, trong lĩnh vực giáo dục mầm non của tỉnh cũng như cả nước.
Ngoài công tác giảng dạy cho sinh viên của trường, cô Thủy còn là thành viên ban biên soạn 1 giáo trình về trò chơi cho trẻ mầm non với các chuyên gia Nga đã được xuất bản tại Liên bang Nga; chủ biên 2 cuốn sách xuất bản tại Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; chủ biên 7 tài liệu học tập dùng cho sinh viên và người học ngành giáo dục mầm non các hệ đào tạo trong nhà trường, giáo viên các trường mầm non. Cô cũng tham gia phản biện hoặc là thành viên các hội đồng nghiệm thu sản phẩm thuộc Đề án 33 về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025 do Bộ GD-ĐT thực hiện; là báo cáo viên tập huấn một số nội dung trong Đề án 33 cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non cốt cán khu vực miền Trung và miền Nam. Bên cạnh đó, cô còn tham gia góp ý nhiều văn bản liên quan đến giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT; tác giả biên soạn tài liệu và tham gia các chương trình tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán của các địa phương trong tỉnh do nhà trường phối hợp với Sở GD-ĐT, các phòng GD-ĐT tổ chức. Ở các lớp học này, cô Thủy luôn tạo điều kiện cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non được thực hành, thoải mái trao đổi, chia sẻ ý tưởng, đóng góp ý kiến, tạo sự hứng khởi cho học viên và nhận về những phản hồi tích cực.
Sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu
Trong 5 năm qua, cô Thủy đã có nhiều đóng góp nổi bật trong công tác giáo dục như: Là trưởng ban nghiên cứu dự án hợp tác quốc tế với các chuyên gia đến từ Đại học quốc gia Tâm lý và Giáo dục Matxcơva; chủ trì 3 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp bộ (2 đề tài đã được nghiệm thu, 1 đề tài đang chuẩn bị nghiệm thu); tác giả của gần 100 bài báo đăng trên các ấn phẩm khoa học từ tạp chí quốc tế có chỉ số đến các tạp chí chuyên ngành trong nước (tạp chí giáo dục, tạp chí giáo dục mầm non, kỷ yếu các hội thảo khoa học quốc tế và trong nước). Cô đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen cấp trường, cấp bộ.
Cô Thủy cho biết, thời gian tới, cô sẽ nghiên cứu đề xuất điều chỉnh, bổ sung phương thức tuyển sinh của trường để tuyển chọn được những sinh viên thực sự yêu và tâm huyết với nghề. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về giáo dục mầm non để thực hiện đổi mới chương trình, đào tạo sinh viên theo hướng tiếp cận năng lực người học, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng người học tự học, tự nghiên cứu. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho giảng viên của khoa tham gia các chuyên đề bồi dưỡng của Bộ GD-ĐT; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế giữa nhà trường với các nước; tìm kiếm học bổng cho giảng viên của trường có cơ hội học tập ở nước ngoài nhằm tiếp cận nền giáo dục tiên tiến trên thế giới...
H.NGÂN
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202411/nu-tien-si-tam-huyet-voi-giao-duc-mam-non-9a42e8e/