Thanh tra tỉnh Kiên Giang kết luận Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 08/2021/QĐ-UBND, ngày 27-7/2021 về quy định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản của UBND tỉnh, trong đó khoanh định 29 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tuy nhiên, qua kiểm tra phát hiện có 2 điểm mỏ tiêu chí khoanh định không đúng quy định là mỏ Đá Vôi, núi Lò Vôi Nhỏ, xã Bình An (Kiên Lương) và vật liệu san lấp Núi Nhọn, xã Thuận Yên (TP. Hà Tiên). Có 1 điểm mỏ “bổ sung diện tích 4,9ha liền kề với khu vực 7,99ha, UBND tỉnh đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư” không phù hợp tiêu chí khoanh định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, 8 điểm mỏ doanh nghiệp đã nộp hồ sơ trả lại giấy phép khai thác thác khoáng sản, đóng cửa mỏ; 1 điểm mỏ cấp giấy phép thăm dò khoáng sản diện tích 185ha và UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản với diện tích 85ha, phần diện tích còn lại 100ha chưa cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Việc ban hành tiêu chí đánh giá, chấm điểm chưa đầy đủ, chưa ban hành quy định về các tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ tham gia đấu giá, chưa tham mưu văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, chưa nộp ngân sách nhà nước tiền đặt trước tham gia đấu giá đối với mỏ Cà Na trên 921 triệu đồng, mỏ Nhà Vô trên 791 triệu đồng, tiền bán hồ sơ đấu giá mời thầu 18 triệu đồng, phí tham gia đấu giá 36 triệu đồng là không đúng quy định.
Một mỏ khai thác khoáng sản tại xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Ảnh minh họa
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang chưa rà soát hết việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, sử dụng đất trong hoạt động khoáng sản đối với 2 doanh nghiệp nhưng đã tham mưu UBND tỉnh cấp giấy phép gia hạn khai thác khoáng sản là không đúng quy định; chuyển nhượng 2 giấy phép khai thác còn chậm.
Việc phối hợp giữa các cơ quan, địa phương trong việc quản lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản thực hiện chưa nghiêm trong việc tổ chức thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản còn để xảy ra tình trạng giao khoán hoạt động khai thác khoáng sản, nợ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất, khai thác vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác.
Đối với việc thực hiện khai thác các doanh nghiệp, có 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng giao khoán việc khai thác, sản xuất, kinh doanh khoáng sản cho công ty khác, dẫn đến việc công ty nhận giao khoán nợ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền gần 5,8 tỷ đồng. Việc thực hiện như trên là vi phạm nguyên tắc hoạt động khoáng sản, nghĩa vụ tài chính tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thuộc hành vi cấm trong hoạt động khoáng sản.
18 doanh nghiệp được cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính đến ngày 31-10-2024 như thuế tài nguyên trên 418,5 triệu đồng, phí bảo vệ môi trường trên 195,6 triệu đồng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 11,7 tỷ đồng, tiền thuê đất hơn 10 tỷ đồng. 4 doanh nghiệp khai thác đá xây dựng khai thác vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác theo độ cao, khai thác phần khoáng sản thuộc các trụ bảo vệ bờ moong không đúng theo thiết kế mỏ được phê duyệt. 2 doanh nghiệp khai thác sét gạch ngói khai thác vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác theo bề mặt.
Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản: Chưa tổ chức cưỡng chế thi hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 110 triệu đồng. Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành 8 kết luận thanh tra còn chậm so thời gian quy định.
Với những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh kiểm điểm và rút kinh nghiệm đối với tập thể lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các phòng ban có liên quan, đặc biệt là trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2024. Các cá nhân có liên quan cũng phải chịu trách nhiệm, bao gồm một Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn này, cùng với một số cá nhân khác đã nghỉ hưu.
Đặc biệt, Thanh tra tỉnh Kiên Giang đề nghị xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, trong đó có các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vượt quá phạm vi khai thác, không tuân thủ thiết kế mỏ được phê duyệt, và yêu cầu chuyển các vụ vi phạm nghiêm trọng sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.
TÂY HỒ