Kiến nghị bổ sung nhiều nội dung vào các dự án luật

Kiến nghị bổ sung nhiều nội dung vào các dự án luật
10 giờ trướcBài gốc
Ngày 26/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo các dự án luật này.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu kết luận hội nghị
Phù hợp với sự phát triển của thực tiễn
Tại phiên góp ý vào buổi sáng, đối với dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị và nông thôn, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung còn có nhiều luồng ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về việc bảo đảm sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn; về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn…
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng nêu quan điểm cần làm rõ các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn; bổ sung khái niệm khu dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, làm cơ sở để xác định đối tượng tổ chức lập quy hoạch chi tiết (tại khu vực nông thôn), thuận tiện triển khai áp dụng; cụ thể hóa việc tổ chức lập quy hoạch chi tiết để triển khai dự án đầu tư xây dựng trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt; bổ sung quy định cho phép nghiên cứu quy hoạch ở tỷ lệ 1/2000 cho khu vực nội thị của Quy hoạch chung các đô thị loại III, IV, V (được miễn lập quy hoạch phân khu) nhằm đồng bộ với các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, cần làm rõ căn cứ quy hoạch cấp trên để làm cơ sở lập các quy hoạch cấp dưới như, quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã và đô thị mới dự kiến trở thành thành phố, thị xã; quy hoạch chung huyện;...
Liên quan đến dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, các đại biểu tập trung góp ý về thẩm quyền quy hoạch khoáng sản; trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản; quy định về việc bảo đảm sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã rõ ràng, dễ hiểu và mang tính khả thi cao… Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản cần có quy định hành lang an toàn mỏ để tổ chức/cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản có trách nhiệm thuê đất đến phạm vi hành lang an toàn mỏ nhằm đảm bảo tác động liên quan hoạt động khai thác khoáng sản. Do vậy, đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ và giao Chính phủ ban hành quy định về hành lang an toàn mỏ. Tại khoản 15, Điều 2, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị bổ sung loại khoáng sản đất sét làm gạch ngói thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh vào khoáng sản nhóm III hoặc nhóm IV để thuận lợi cho công tác quản lý khoáng sản sau này…
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường góp ý các dự án luật
Quy định thêm một số nội dung
Chiều cùng ngày, các đại biểu tập trung góp ý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Đối với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Nguyễn Văn Phước nêu thực tế: Khi xảy ra tình huống cháy nổ hoặc cứu nạn, cứu hộ thì công an cấp xã thường là lực lượng được tiếp nhận thông tin trước tiên và có khả năng tiếp cận hiện trường cháy nổ hoặc cứu nạn, cứu hộ sớm. Cần thiết quy định thêm lực lượng công an cấp xã là lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào Điều 37 để đảm bảo hiệu quả cao trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Việc quy định chặt chẽ, chi tiết về điều kiện phòng cháy đối với loại hình này là hết sức cấp thiết; cần thiết bổ sung trách nhiệm của công ty điện lực trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy; đặc biệt là về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về điện và về phòng cháy, chữa cháy vào Điều 8.
Nhiều đại biểu cũng quan tâm đến các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy; các quy định phòng cháy ở các Điều 18, 19, 20, 21; trách nhiệm chữa cháy ở Điều 24 và Điều 28; quyền, trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy; xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, các đại biểu đã có góp ý về những nguyên tắc cơ bảnquy định ở Chương II; các biện pháp xử lý chuyển hướng tại Chương IV; thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ở Chương VI. TS. Nguyễn Thị Bình, Trưởng Bộ môn Luật hình sự – Trường đại học Luật, Đại học Huế góp ý, cần thiết phải bổ sung thêm nguyên tắc ưu tiên giáo dục đối với người chưa thành niên; sửa đổi nội dung của nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên và điều luật có liên quan…
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu ghi nhận, đánh giá cao góp ý của các đại biểu. Các nội dung góp ý đúng trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, bám sát vào quá trình phát triển của tỉnh trong thời gian qua và định hướng sắp tới. Bà Sửu cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến và góp ý tại các phiên thảo luận ở kỳ họp Quốc hội sắp tới.
LÊ THỌ
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/phap-luat-cuoc-song/kien-nghi-bo-sung-nhieu-noi-dung-vao-cac-du-an-luat-146376.html