UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành công văn chỉ đạo chấn chỉnh toàn diện việc mua bán, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên toàn địa bàn tỉnh.
Công văn nêu rõ: sau quá trình kiểm tra thực tế, nhiều sai phạm đã được phát hiện như sử dụng sai mục đích, không đúng đối tượng, có dấu hiệu chuyển nhượng trái quy định, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính công bằng và minh bạch của chính sách an sinh.
Một góc dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tất cả các cấp chính quyền cơ sở, đặc biệt là UBND các xã, phường, nơi trực tiếp quản lý địa bàn, phải công khai toàn diện, đầy đủ, chính xác và kịp thời toàn bộ thông tin về các dự án nhà ở xã hội: từ quy mô, tiến độ, danh sách đối tượng thụ hưởng đến quy trình tiếp nhận hồ sơ, điều kiện thuê, mua, thuê mua. Không để xảy ra tình trạng mập mờ thông tin, mảnh đất dễ phát sinh tiêu cực, khiếu nại kéo dài và trục lợi chính sách.
Song song với việc công khai, các đơn vị địa phương phải chủ động tổ chức theo dõi sát tình hình sử dụng căn hộ, giám sát đối tượng cư trú thực tế tại từng dự án, phát hiện sớm các trường hợp mua suất, cho thuê lại, sang nhượng trái phép, hoặc sử dụng sai mục đích.
Những trường hợp vi phạm phải được xử lý nghiêm minh đúng thẩm quyền và báo cáo kịp thời về tỉnh đối với các nội dung vượt thẩm quyền, tránh để các hành vi trục lợi tiếp diễn, lan rộng.
Đây không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà là mệnh lệnh chính trị mang tính cấp bách, trong bối cảnh tỉnh Thanh Hóa đang tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Quyết định 444/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hàng loạt dự án đã được triển khai và đưa vào sử dụng, góp phần cải thiện đời sống cho hàng nghìn hộ dân, đặc biệt là công nhân, người thu nhập thấp, lao động trong khu công nghiệp.
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, quá trình quản lý nhà ở xã hội hiện vẫn còn nhiều "lỗ hổng": việc tiếp nhận hồ sơ chưa khoa học, thông tin dự án không minh bạch, công tác hậu kiểm còn lỏng lẻo. Một số đơn vị vận hành chưa đủ điều kiện, chưa thực hiện đúng trách nhiệm bàn giao hồ sơ, quản lý quỹ bảo trì, dẫn tới bất ổn và tranh chấp kéo dài trong cư dân.
Để khắc phục, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm trình tự thủ tục bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP, công khai toàn bộ quá trình, từ tiếp nhận hồ sơ đến ký hợp đồng.
Mọi hoạt động phải minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định. Không để xảy ra tình trạng "suất ngoại giao", "giữ chỗ hộ", "bán lại lách luật".
Việc phối hợp giữa chủ đầu tư, chính quyền cơ sở và công an khu vực được nhấn mạnh như một trong những giải pháp trọng tâm nhằm kiểm soát người sử dụng sau bàn giao – bước mà lâu nay bị coi nhẹ, dễ bị bỏ trống, dẫn đến nhà ở xã hội bị sử dụng sai lệch khỏi mục tiêu ban đầu.
Ngoài ra, Ban quản trị nhà chung cư và đơn vị vận hành được yêu cầu tiếp nhận đầy đủ hồ sơ pháp lý, tổ chức hội nghị cư dân đúng quy định, phổ biến các điều khoản pháp luật, đặc biệt là quy định cấm chuyển nhượng trong vòng 5 năm (theo Điều 39 Nghị định 100/2024/NĐ-CP). Cư dân cũng cần được tuyên truyền để nhận thức đúng, rằng đây là chính sách hỗ trợ an sinh, không phải cơ hội đầu tư, sang nhượng.
Sở Xây dựng được giao chủ trì toàn bộ quá trình kiểm tra, hướng dẫn và giám sát thực hiện. Các đợt thanh kiểm tra sẽ được tiến hành thường xuyên, công khai kết quả, kiên quyết xử lý sai phạm, kể cả tổ chức và cá nhân vi phạm, không để tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" tồn tại trong hệ thống.
Với cách làm đồng bộ, từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến hậu kiểm sử dụng – Thanh Hóa đang từng bước thiết lập kỷ cương, minh bạch và công bằng trong phát triển nhà ở xã hội, giữ đúng bản chất nhân văn của chính sách vì người yếu thế.
Hành trình ấy cần sự vào cuộc quyết liệt từ tất cả các cấp chính quyền, sự trung thực từ các chủ đầu tư, và sự tỉnh táo, hợp tác từ chính người thụ hưởng. Bởi, nếu buông lỏng, nhà ở xã hội rất dễ trở thành "cuộc chơi lợi ích", thay vì là mái ấm cho những người cần được bảo vệ.
NGUYỄN LINH