Kiến tạo không gian phát triển cho 5G, AI

Kiến tạo không gian phát triển cho 5G, AI
13 giờ trướcBài gốc
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) trao đổi về tác động của 5G, AI đến thị trường Việt Nam và cơ hội tương lai.
Việt Nam dự kiến thương mại 5G vào cuối năm nay, hoặc đầu năm 2025. Ông cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã sẵn sàng để thương mại hóa 5G chưa? Các nhà mạng đang thực hiện thương mại hóa 5G đến đâu?
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đấu giá băng tần 2,6 GHz, 3,5 GHz và cấp phép cho 3 doanh nghiệp là Viettel, VNPT và MobiFone.
Các doanh nghiệp đã bỏ ra 12.600 tỷ đồng để giành quyền khai thác mạng lưới. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của họ trong việc đầu tư vào mạng 5G. Ngoài các số tiền đầu tư về quyền sử dụng bằng tần số, doanh nghiệp còn phải cam kết triển khai mạng lưới với tối thiểu 3.000 trạm phát sóng sau năm 2026; tốc độ dịch vụ truy cập Internet phải đạt trung bình 100 Mb/s.
Hiện nay, các nhà mạng đang khẩn trương lắp đặt thiết bị và triển khai tại một số tỉnh, thành phố, nếu khách hàng tinh ý sẽ thấy ở một số nơi mạng 5G đã cung cấp ở khu vực nhỏ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phải ưu tiên phát triển mạng 5G tại các khu công nghiệp; khu công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu ứng dụng các đặc tính rất nổi trội của 5G, đó là tốc độ cao và độ trễ thấp.
Việt Nam có chiến lược triển khai 5G theo hướng phát triển ứng dụng cho các ngành công nghiệp. Chiến lược này đang thực hiện thế nào, cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia là gì, thưa ông?
Quy chuẩn về chất lượng dịch vụ đã được ban hành, các doanh nghiệp đang xây dựng và triển khai mạng theo quy định của quy chuẩn về chất lượng dịch vụ với tốc độ tối thiểu phải đạt 100 Mb/s.
Với 5G, các nhà máy có thể thay thế hệ thống cáp rườm rà, là nguyên nhân gây ra chi phí đầu tư lớn do cần phải lắp đặt thêm cáp khi mở rộng khu vực sản xuất hoặc khi triển khai thiết bị mới, cộng chi phí vận hành liên tục để bảo trì.
Các yếu tố chính của 5G là độ trễ thấp, độ tin cậy cao và tốc độ tăng là cần thiết để hỗ trợ các công nghệ mới nổi và các ứng dụng mới của chúng trong không gian sản xuất thông minh, như tự động hóa quy trình, giám sát từ xa, bảo trì và quản lý vòng đời thiết bị…
Hiện tại, hầu hết các nhà sản xuất đều triển khai mạng 5G dùng riêng (thay vì sử dụng mạng 5G công cộng) với chức năng mặt phẳng người dùng (UPF) được triển khai tại chỗ do yêu cầu nghiêm ngặt về bảo mật dữ liệu. Hiện nay, các đơn vị của Bộ TT&TT đang nghiên cứu để quy hoạch băng tần cho mạng dùng riêng 5G.
Chuyển đổi AI đang trở thành xu hướng trong khu vực và thế giới. Thưa ông, xu hướng đó sẽ tác động đến Việt Nam ra sao và mở ra những khả năng kinh doanh nào trong tương lai?
AI sẽ tác động đến mọi hoạt động của doanh nghiệp, từ vận hành mạng lưới, tiếp thị, bán hàng, đến quản trị doanh nghiệp, đo lường trải nghiệm của khách hàng.
Đối với GenAI, hầu hết các usecases sẽ giúp các nhà mạng giảm chi phí và nâng cao hiệu quả của nhân viên. Các usecases phổ biến nhất hiện nay bao gồm chatbot/trợ lý ảo, tự động usecase cho call center và phát hiện sự bất thường.
Chatbots/trợ lý ảo được đánh giá là usecase GenAI trưởng thành nhất và có tác động mạnh nhất, theo sát là usecase cho call center.
Hướng tới AI tương tác, sức mạnh chatbot AI của Generative AI rất đáng chú ý nhờ khả năng thu thập và ngữ cảnh hóa dữ liệu để có thể thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến dịch vụ khách hàng. Tương lai của trợ lý AI sẽ nằm ở khả năng tương tác với con người được hoàn thiện như tương tác thông thường của con người.
Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã và đang đầu tư hạ tầng trung tâm dữ liệu. Hiện nay, tổng số trung tâm dữ liệu các doanh nghiệp đã đầu tư là 44 trung tâm, tổng công suất thiết kế là 181 MW, trong đó 31 trung tâm đã cung cấp dịch vụ với tổng công suất là 81 MW.
Rõ ràng, các trung tâm dữ liệu lớn được đầu tư sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh; các dịch vụ liên quan đến dữ liệu sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp viễn thông.
Thưa ông, các nhà mạng cần làm gì để triển khai sớm và hiệu quả AI?
Để AI triển khai sớm và hiệu quả, cần có sự sẵn sàng về dữ liệu cho ứng dụng AI. Kiến trúc dựa trên dữ liệu là chìa khóa để duy trì độ chính xác và nhất quán giữa các mảng trong nhà mạng. Việc sử dụng mô hình dữ liệu chung để đảm bảo dữ liệu chảy trơn tru qua tất cả các hệ thống và được cung cấp chính xác trong tất cả quy trình làm việc tự động.
AI cần dữ liệu và phân tích dữ liệu cần AI. Hiện nay, nhiều nhà mạng đang gặp thách thức đáng kể trong việc đưa ra các chiến lược dữ liệu mạch lạc để khai thác triệt để công nghệ AI. Nhiều nhà mạng thiếu chiến lược gắn kết cho phép dữ liệu chảy theo chiều ngang (horizontal) trong toàn tổ chức theo một mô hình dữ liệu duy nhất.
Ngoài ra, còn có một số thách thức cụ thể như thiếu dữ liệu sạch, dữ liệu rõ ràng, nhất quán và có thể sử dụng được để có thể áp dụng cho các bộ phận khác nhau của hoạt động kinh doanh từ mạng lưới đến cung cấp dịch vụ và trải nghiệm khách hàng...
Thủy Anh thực hiện
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/kien-tao-khong-gian-phat-trien-cho-5g-ai-d226510.html