Kiến tạo 'siêu đô thị' sau sáp nhập TP.Hồ Chí Minh với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu

Kiến tạo 'siêu đô thị' sau sáp nhập TP.Hồ Chí Minh với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu
5 giờ trướcBài gốc
Theo Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 9/5/2025, Chính phủ đã thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 do Bộ Nội vụ trình. TP. Hồ Chí Minh mới trên cơ sở sáp nhập TP. Hồ Chí Minh với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu hứa hẹn kiến tạo một siêu đô thị mới tại vùng Đông Nam Bộ khi phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, địa lý và cơ sở hạ tầng của ba địa phương.
* Trung tâm liên kết
Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Savills TP. Hồ Chí Minh Giang Huỳnh cho rằng, với vị trí liền kề và hệ thống giao thông kết nối đồng bộ giữa ba địa phương giúp việc quy hoạch không gian kinh tế, đô thị thuận lợi và hiệu quả hơn. Quỹ đất mở rộng, tạo điều kiện cho các chiến lược giãn dân, phát triển đô thị vệ tinh và xây dựng các khu đô thị mới hiện đại. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông dự kiến được đồng bộ hóa, đặc biệt là hệ thống đường bộ, đường thủy và cảng biển, sẽ tăng cường khả năng liên kết vùng và nâng cao năng lực logistics.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
TP. Hồ Chí Minh hiện là trung tâm kinh tế tài chính, dịch vụ lưu trú và nhà ở với dân số lớn nhất. Bên cạnh đó, Bình Dương được xem là thủ phủ công nghiệp, đồng thời tốc độ đô thị hóa cao. Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế về cả du lịch và công nghiệp. Vì thế, việc sáp nhập ba khu vực này sẽ tạo ra một vùng kinh tế lớn mạnh, đa dạng các lĩnh vực như công nghiệp, nhà ở, thương mại dịch vụ và du lịch.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định, TP. Hồ Chí Minh mở rộng sẽ không chỉ là chuyện của ba địa phương mà còn gắn bó sâu sắc hơn với Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang,... để "tái thiết kế chiến lược phát triển vùng". Quy mô TP. Hồ Chí Minh mới sẽ lớn như Thượng Hải của Trung Quốc. Tổng Bí thư đặt vấn đề phải phấn đấu làm sao để phát triển TP. Hồ Chí Minh như Thượng Hải.
Theo đó, TP. Hồ Chí Minh mở rộng sẽ đóng vai trò hạt nhân, động lực lan tỏa cho sự phát triển toàn diện của vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, và rộng hơn nữa là Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Sự phát triển của thành phố gắn liền, tương hỗ với sự phát triển của các tỉnh thành trong vùng; TP. Hồ Chí Minh không chỉ "dẫn dắt" mà còn liên kết chặt chẽ, khai thác tối đa lợi thế bổ sung lẫn nhau, xây dựng một không gian kinh tế - văn hóa liên vùng, tạo thành một cực tăng trưởng mới mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Các chuyên gia cho rằng, sau khi sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh mới nếu khai thác được tiềm năng sẽ trở thành một siêu đô thị mà không có đô thị nào tại Đông Nam Á sánh bằng. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ có hàng hải, trung tâm công nghiệp, trung tâm tài chính thương mại, du lịch biển đảo rất lớn. Lợi thế của các đô thị riêng lẻ sẽ được hội tụ vào TP. Hồ Chí Minh mới.
Tại tỉnh Bình Dương, trong bối cảnh mới, các quy hoạch, dự án ở cấp nhỏ hơn cũng đang được hoàn thiện. Tiêu biểu như mới đây thành phố Dĩ An, đô thị cửa ngõ của Bình Dương giáp với TP. Hồ Chí Minh đã công bố đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Dĩ An đến năm 2045. Theo đó, đô thị Dĩ An sẽ được phân vùng phát triển, gắn với đầu mối giao thông TOD, trung tâm đô thị Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh,...
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Bình Dương cũng đã có các nghị quyết về chủ trương làm tuyến metro kết nối TP. Hồ Chí Minh - thành phố mới Bình Dương để trình cơ quan Trung ương xem xét, về dự án đường ven sông Sài Gòn qua địa bàn tỉnh Bình Dương để kết nối đồng bộ với đường ven sông của TP. Hồ Chí Minh…
* Nhiều giải pháp chiến lược
Theo các chuyên gia, kết nối hạ tầng giữa TP. Hồ Chí Minh với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu hiện còn nhiều hạn chế. Mặc dù có các tuyến quốc lộ chính và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành (sắp tới là Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một; Biên Hòa - Vũng Tàu), nhưng tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra, đặc biệt tại các nút giao quan trọng như vòng xoay An Phú, và có nguy cơ lan rộng ra các khu vực lân cận như Long Thành. Việc hoàn thiện đúng tiến độ các tuyến hạ tầng trọng điểm như Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một, Biên Hòa - Vũng Tàu là rất quan trọng để giảm tải hạ tầng hiện hữu và khai thông các khu vực vùng ven đang chờ đợi hạ tầng để bức phá.
Trong tương lai, cần có những quy hoạch hạ tầng mới, đặc biệt là các giải pháp kết nối hiệu quả hơn giữa TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng như các khu vực lân cận khác của Đồng Nai.
Bên cạnh đó, cần đánh giá kế hoạch phát triển ngành giao thông, trong đó có sự phù hợp của hệ thống đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh hiện nay khi sáp nhập với hai địa phương còn lại. Rà soát lại kết cấu hạ tầng cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải; kết cấu hạ tầng xã hội như chuyển đổi các trụ sở dôi dư, đảm bảo sự kết nối giữa người dân và chính quyền.
Đồng thời, tổ chức lại các khu vực chức năng và kết nối các khu với nhau trong thành phố mới, các chương trình phát triển đô thị sẽ được tiếp tục như thế nào và tác động của việc sắp xếp đơn vị hành chính, bỏ quận huyện, sáp nhập các phường xã đến quy hoạch chung và quy hoạch phân khu ra sao.
Các chuyên gia cho rằng, trong việc xác lập lại thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công thì trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật với mục tiêu nâng cao năng lực kết nối vùng, tối ưu hóa không gian phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ chuyển đổi mô hình tăng trưởng của thành phố. Ưu tiên phát triển đường vành đai, các tuyến metro, đường sắt liên vùng, các cảng cạn và logistics thông minh.
Hồng Đạt/Vnanet.vn
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/kien-tao-sieu-do-thi-sau-sap-nhap-tp-ho-chi-minh-voi-binh-duong-ba-ria-vung-tau/373869.html