Hội thảo vinh dự nhận được bài viết định hướng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm với chủ đề: “Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.
Tư duy, tầm nhìn, quyết sách, quyết tâm và hành động mới
Tham dự và đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương; Thượng tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Cùng dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Hội thảo nhằm nghiên cứu, thảo luận làm rõ hơn về nội hàm kỷ nguyên mới, thời đại mới, về “thế” và “lực” từ giá trị địa chiến lược đặc thù, cũng như vận hội lớn trong kỷ nguyên số; phát huy ý chí tự lực, tự cường để vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện 4 nghị quyết đột phá - “Bộ tứ trụ cột”, trên cơ sở sắp xếp lại đơn vị hành chính và vận hành chính quyền địa phương hai cấp, tạo ra bước chuyển chiến lược, nhằm hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” theo định hướng tư tưởng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm. Đồng thời, nghiên cứu, thảo luận làm rõ những vấn đề mới đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bộ trưởng Lương Tam Quang và các đồng chí lãnh đạo đồng chủ trì hội thảo.
Sau phát biểu khai mạc của Thượng tướng Lê Huy Vịnh, báo cáo đề dẫn hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Bối cảnh mới đặt ra nhiệm vụ mới, yêu cầu cao, nhiều việc chưa từng có tiền lệ đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, quyết sách mới, quyết tâm và hành động mới.
“Đảng ta đã xác định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả của sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới trong nhiều năm vừa qua. Đây là nhiệm vụ chiến lược, hệ trọng, thường xuyên và lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của nhà nước” - đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn hội thảo.
Nêu rõ vị trí, ý nghĩa, vai trò của “Bộ tứ trụ cột” với 4 nghị quyết quan trọng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Tăng cường tiềm lực quốc gia cả về kinh tế, quốc phòng, an ninh, cả về tiềm lực chính trị, tinh thần, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội và vị thế quốc tế có ý nghĩa then chốt và là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bảo đảm huy động tổng hòa các nguồn lực vật chất và tinh thần, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh nội sinh của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa đất nước vượt qua các thách thức, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng cơ hội và phát huy mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đã có sức lan tỏa, gần hoàn thiện cơ chế để giải quyết có hiệu quả sự kết hợp giữa phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh trong không gian phát triển mới. Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, nhất là thể chế phát triển của từng tư duy quản lý, kiểm soát, phân bổ và sử dụng các nguồn lực theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.
Khơi thông các nguồn lực, phân bổ hiệu quả và sử dụng hợp lý để tạo động lực cho phát triển, đó chính là tư duy đổi mới, sáng tạo, đồng hành, phá bỏ mọi rào cản, nút thắt, giải phóng mọi nguồn lực, huy động tối đa sức mạnh của nhân dân và doanh nghiệp Việt Nam, kể cả doanh nghiệp FDI trong việc thực hiện xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tổng kết hội thảo.
Phát triển các ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng, hiện đại là định hướng chiến lược mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Lấy khu vực kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp công nghệ cao trong nước làm lực lượng nòng cốt, bảo đảm sự lãnh đạo và định hướng chiến lược của Đảng, sự hỗ trợ và quản lý của Nhà nước. Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, sản xuất giữa các tập đoàn tư nhân lớn với các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, giữa các viện nghiên cứu dân sự và các trung tâm nghiên cứu quân sự, tiến tới hình thành các tổ hợp và công nghiệp quốc phòng, an ninh. Tạo đòn bẩy cho sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao, mang thương hiệu Việt Nam...
Củng cố, xây dựng Đảng, phát triển kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình
Bám sát những nội dung được GS.TS Nguyễn Xuân Thắng gợi mở trong đề dẫn hội thảo, tham luận với chủ đề “Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới: Tầm nhìn, mục tiêu và một số chiến lược cấp bách”, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã nêu rõ những cơ sở, tiền đề quý báu từ kỷ nguyên độc lập, tự do đến kỷ nguyên đổi mới và phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
PGS.TS Nguyễn Viết Thảo nhấn mạnh: “Tầm nhìn và mục tiêu vươn mình của dân tộc đã sáng tỏ, vấn đề đặt ra là phải kịp thời có các chiến lược cấp bách, mở đường và phải được thực hiện kịp thời, hiệu quả”. PGS.TS Nguyễn Viết Thảo đề xuất 5 chiến lược gồm: Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chiến lược phát triển nhanh và bền vững; chiến lược phòng, chống lãng phí; chiến lược xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc hội thảo.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã nêu 6 vấn đề trọng tâm về xây dựng Đảng trong tham luận “Một số vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc”, đó là: Nâng cao nhận thức về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đổi mới và tăng cường công tác tư tưởng, lý luận của Đảng; xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, phát triển đảng viên mới, tăng cường lực lượng và đội ngũ của Đảng; đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn khẳng định: Toàn bộ đổi mới công tác xây dựng Đảng, từ lý luận đến thực tiễn, không có mục đích gì khác ngoài mục đích giữ vững vai trò, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Chỉ một khi Đảng vững mạnh, trong sạch mới đủ sức lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới, bởi sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thành công của cách mạng.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn trình bày tham luận tại hội thảo.
Tham gia hội thảo với chủ đề “40 năm đổi mới kinh tế ở Việt Nam: Thành tựu, vấn đề và triển vọng”, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng “Bước vào kỷ nguyên mới” nghĩa là “vượt qua chính mình”. Đánh giá những thời cơ, thuận lợi và cả thách thức, khó khăn trong kỷ nguyên mới về kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định, kỷ nguyên vươn mình là cơ hội ngàn năm có một. Việc bước vào kỷ nguyên mới đòi hỏi nền kinh tế phải nỗ lực “thoát cũ” và “xây mới”.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Bộ trưởng Lương Tam Quang trân trọng cảm ơn đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi tham luận rất quan trọng với chủ đề: “Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”; trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, đại biểu đã đồng chủ trì hội thảo, tham dự, đóng góp những ý kiến, tham luận tâm huyết, sâu sắc.
Tổng hợp các ý kiến và tham luận tại hội thảo, Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh, tựu trung có ba vấn đề. Cụ thể, về nội hàm kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển vươn mình, hội thảo tiếp tục phân tích làm rõ thêm những vấn đề đã được đồng chí Tổng Bí thư khái quát, trong đó kỷ nguyên mới với các định hướng chiến lược lớn của Đảng tạo sự phát triển vượt bậc, bứt phá, tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực với nền kinh tế độc lập, tự chủ trình độ cao, chất lượng cao, có sức cạnh tranh và tham gia hiệu quả vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Với nền quốc phòng, an ninh toàn dân, toàn diện, hiện đại, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới. Kỷ nguyên vươn mình với đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Với chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Các vấn đề lý luận và thực tiễn về thế và lực tích lũy được sau 40 năm đổi mới, về thời cơ vận hội mới, nhất là thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ giá trị địa chiến lược đặc thù, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc đều cho thấy, chúng ta có cơ sở vững chắc và dưới sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng, Việt Nam nhất định vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển vững mạnh, tiến cùng, đuổi kịp, sánh vai các cường quốc năm châu.
Để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới phải kiến tạo sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, phát triển nhanh, mạnh bền vững. Tập trung phát triển chất lượng cao, tự chủ, tự cường trong phát triển, xác lập mô hình tăng trưởng mới. Lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia làm động lực chủ yếu. Kinh tế tư nhân là lực lượng quan trọng nhất để tăng năng suất lao động, tạo công ăn việc làm. Tháo gỡ nút thắt điểm nghẽn về thể chế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, khuyến khích tự lực tự cường, chủ động sáng tạo của các địa phương.
Đồng chí Phạm Đại Dương, Phó Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương trình bày tham luận tại hội thảo.
“Tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, thực hiện thành công cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao, thực sự gương mẫu, liêm chính, tận tụy phục vụ nhân dân, không vụ lợi cá nhân, không tham nhũng tiêu cực, có tư duy đổi mới sáng tạo, biết nắm bắt cơ hội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không né tránh trì trệ, thụ động trước vấn đề mới phát sinh”- Bộ trưởng Lương Tam Quang tổng kết.
Về những vấn đề đặt ra đối với bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, Bộ trưởng Lương Tam Quang tổng kết có hai vấn đề. Cụ thể, bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới không chỉ là bảo vệ cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ nền văn hóa và uy tín vị thế quốc tế của đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, triệt tiêu các nhân tố gây mất ổn định chính trị từ bên trong, kiên quyết không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập ở trong nước, dập tắt nguy cơ xung đột quân sự, chiến tranh, giữ vững củng cố môi trường hòa bình để xây dựng phát triển đất nước, đóng góp tích cực vào gìn giữ hòa bình khu vực thế giới.
Cao hơn tư duy bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới phải nhằm tạo ra, thúc đẩy, nắm bắt, tranh thủ tối đa thời cơ, biến thách thức thành cơ hội cho phát triển đất nước. Củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, gia tăng đóng góp của Việt Nam cho hòa bình ổn định ở khu vực và trên thế giới. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới phải tạo ra động lực mới góp phần không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, Bộ trưởng Lương Tam Quang tổng kết, cần phải tập trung giữ vững sự tăng cường, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với QĐND, CAND và sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức Đảng trong QĐND, CAND thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì và đại biểu dự hội thảo.
Nghiên cứu hoàn thiện lý luận về bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành xuất sắc yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; tập trung xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy tinh nhuệ hiện đại, bảo đảm chiến đấu và chiến thắng trong mọi hình thái chiến tranh, đặc biệt chiến tranh công nghệ cao; tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, tập trung xây dựng nền công nghiệp quốc phòng an ninh, chủ động tự lực tự cường, lưỡng dụng hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi, công nghệ chiến lược, đặc biệt là công nghệ viễn thông, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu, công nghệ sinh học.
Bộ trưởng Lương Tam Quang đề nghị, sau hội thảo các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, làm phong phú thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, góp phần phục vụ có hiệu quả quá trình hoàn thiện văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Hoàng Phong