Xúc động, hồ hởi trước thời khắc chuyển giao lịch sử

Xúc động, hồ hởi trước thời khắc chuyển giao lịch sử
10 giờ trướcBài gốc
Ngày 1/7 được xem là thời khắc lịch sử đối với nhiều cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trên cả nước trong tiến trình tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính và sắp xếp tổ chức. Đây là mốc thời gian mà nhiều chính sách, quyết định tổ chức lại bộ máy như sáp nhập, giải thể, hoặc đổi mới cơ cấu hoạt động chính thức có hiệu lực. Cũng trong thời khắc ấy, các VKSND cấp huyện chính thức kết thúc hoạt động, thành lập VKSND khu vực.
VKSND Khu vực 4 được hợp nhất bởi VKSND huyện Hoằng Hóa và TP Sầm Sơn
Có mặt tại trụ sở VKSND khu vực 4 (đóng tại phường Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) trong ngày đầu hoạt động, phóng viên cảm nhận rõ nét sự ngậm ngùi, lưu luyến là tâm trạng không thể tránh khỏi của cán bộ, kiểm sát viên. Nhưngkhông khí bao trùm, lan tỏa vẫn là sự hồ khởi, phấn khởi từ những ánh mắt đầy quyết tâm, từ những cái bắt tay chân thành giữa các đơn vị vừa hợp nhất.
Đồng chí Lê Xuân Huy, Viện trưởng VKSND Khu vực 4 cho biết: "VKSND khu vực 4 bao gồm 29 Kiểm sát viên, cán bộ; trong đó, 18 đồng chí thuộc VKSND huyện Hoằng Hóa (cũ) và VKSND TP Sầm Sơn (cũ) là 11 người. Công sở này ban đầu xây dựng mục đích sử dụng cho VKSND TP Sầm Sơn. Sau khi hợp nhất, VKSND khu vực 4 sắp xếp cho cán bộ, Kiểm sát viên làm việc nên hơi bé, thiếu phòng làm việc. Hiện chúng tôi đang phải chuyển đồ đạc từ nhà kho sang Hội trường để tận dụng thành phòng làm việc cho cán bộ. Từ trụ sở đi một số xã với khoảng cách trên 50 km cũng sẽ có những khó khăn trong quá trình kiểm sát. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ khắc phục những trở ngại đó.
Điều đáng mừng là, ngay từ ngày đầu làm việc với mô hình mới, tôi nhận thấy hầu hết anh em đều rất hồ hởi, phấn khởi trong thời khắc chuyển giao lịch sử; thể hiện tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hội nhập, chia sẻ; đơn vị sẽ cố gắng dần dần đi vào nền nếp, quy củ. Sự hợp nhất này mở ra cơ hội để các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, phát huy thế mạnh lẫn nhau, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát trong toàn khu vực. Mỗi cán bộ đều ý thức rõ vai trò của mình trong giai đoạn chuyển mình quan trọng này để vững vàng, chủ động thích ứng với yêu cầu đổi mới, sẵn sàng đảm đương tốt mọi nhiệm vụ trong thời gian tới.
Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo quy định của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa các văn bản của ngành, thời gian qua, cùng với công tác chuyên môn, VKSND huyện Hoằng Hóa, thị xã Sầm Sơn (cũ) đã nỗ lực, tập trung “cao độ” cho nhiệm vụ chính trị quan trọng này; đặc biệt không để gián đoạn, bỏ sót công việc. Mục tiêu của đơn vị là vừa phải làm tốt công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, vừa phải làm tốt công tác chuyên môn. Dẫu có chút bồi hồi, tiếc nuối với những tên gọi đã gắn bó suốt bao năm, nhưng niềm tin vào một mô hình tổ chức tinh gọn, hiệu quả hơn sẽ tiếp thêm động lực để toàn ngành tiếp tục vững bước, phát triển và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” - đồng chí Lê Xuân Huy chia sẻ thêm.
Tại khu vực xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa là nơi đóng chân của VKSND Khu vực 13, hợp nhất giữa VKSND huyện biên giới Mường Lát và Quan Hóa. Đây là 2 trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa và cả nước, điều kiện về cơ sở vật chất, đường xá còn nhiều khó khăn. Song các Kiểm sát viên, cán bộ 2 đơn vị luôn thể hiện tinh thần sẵn sàng làm việc gì, đi bất cứ nơi đâu.
VKSND Khu vực 13 trong ngày làm việc đầu tiên.
Đồng chí, Vi Thị Hồng, Phó Viện trưởng VKSND Khu vực 13 (nguyên Phó Viện trưởng VKSND huyện Quan Hóa cũ), người đã từng gắn bó với ngành Kiểm sát 25 năm, cũng là từng ấy thời gian đồng chí Hồng công tác tại VKSND huyện Quan Hóa. Đồng chí Hồng chia sẻ: “Gia đình tôi ở xã Hồi Xuân, cách nơi làm việc mới hơn 100 km. Hoàn cảnh của gia đình tôi hơi đặc biệt vì chồng mất sớm. Tôi có 2 người con, một bạn lớn thì đi làm xa còn 1 bé gái nay mới 13 tuổi. Cái tuổi dở dở ương ương nên không thể xa mẹ, vì vậy tôi quyết định thời gian tới, sẽ cho con lên Mường Lát để ở cùng mẹ.”
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND Khu vực 13 tâm sự: “Cảm giác xa nhà, xa bố mẹ già và nơi từng gắn bó, công tác hơn hai thập kỷ nếu nói không có tâm trạng, tâm tư thì không phải. Tuy nhiên, thời gian qua, bản thân tôi và 8 đồng chí thuộc VKSND huyện Quan Hóa cũng đã chuẩn bị cho mình tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Chúng tôi luôn xác định rõ rằng việc điều động, sắp xếp lại vị trí công tác là cần thiết để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời cũng là cơ hội để bản thân tiếp tục rèn luyện và cống hiến; Cuộc cách mạng này không chỉ là sự thay đổi về mặt hành chính, mà còn là dịp để toàn thể cán bộ, công chức, Kiểm sát viên phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương; cùngnhau xây dựng một tập thể vững mạnh hơn.
Trong khoảnh khắc này, chúng ta không thể không nhìn lại chặng đường đã qua, nơi mỗi cán bộ, Kiểm sát viên đã miệt mài cống hiến, gìn giữ và vun đắp giá trị của ngành Kiểm sát tại từng địa phương. Mỗi hồ sơ đã giải quyết, mỗi vụ án được xử lý đúng pháp luật, mỗi lần bảo vệ công lý là một minh chứng cho tâm huyết và trách nhiệm của những người làm kiểm sát.”
Tập thể đơn vị VKSND huyện Hà Trung chụp ảnh lưu niệm trước khi chuyển sang trụ sở VKSND khu vực.
Theo đồng chí Trần Thế Kính, Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa, để thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nói chung và bộ máy, biên chế VKSND nói riêng, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo VKSND tối cao đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận, quyết định, quy định, các kế hoạch để tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo VKSND tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp, ra Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo và cho tới nay, ngành Kiểm sát Thanh Hóa đã hoàn thành các nhiệm vụ theo yêu cầu đặt ra.
Do đó, để bộ máy VKSND vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh yêu cầu các đồng chí Viện trưởng khu vực, Trưởng các phòng thuộc VKSND tỉnh cần tổ chức ngay hội nghị để phân công nhiệm vụ cho các đồng chí lãnh đạo Viện theo dõi, phụ trách. Trong đó, cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt như: Cần ổn định về tổ chức bộ máy, biên chế để các bộ phận bắt tay vào làm việc ngay, không để gián đoạn hoặc bỏ sót nhiệm vụ, tiến hành việc giao nộp con dấu cũ, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc bàn giao hồ sơ, tài liệu vụ việc, vụ án giữa các đơn vị cũ và mới, đặc biệt là các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Đồng thời, trên cơ sở biên chế được giao, Viện trưởng khu vực, Trưởng các phòng thuộc VKSND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Kiểm sát viên, công chức phụ trách lĩnh vực, địa bàn, khâu công tác; phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng, hoàn tất các thủ tục để đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của đơn vị như: Trụ sở làm việc, nhà công vụ cho cán bộ, nhà kho...; phối hợp với Bảo hiểm xã hội, Kho bạc Nhà nước để mở tài khoản, đăng ký giao dịch... nhằm đảm bảo ổn định đời sống công chức, người lao động. Tiến hành rà soát, xây dựng các Quy chế của VKSND khu vực như: Quy chế hoạt động, Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công, Quy chế tiền thưởng... phù hợp với quy định của Luật Tổ chức VKSND và các quy định có liên quan.
Trên cơ sở bộ máy Chi ủy mới, phân công rõ nhiệm vụ của Bí thư, Phó Bí thư và Chi ủy viên, xây dựng Quy chế hoạt động của Chi bộ (tạm thời), bàn giao dấu Chi bộ cho cấp có thẩm quyền để quản lý; chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội chi bộ VKS khu vực nhiệm kỳ 2025-2027 theo đúng kế hoạch, hướng dẫn của Đảng ủy VKSND tỉnh và các văn bản có liên quan. Rà soát các chỉ tiêu nghiệp vụ cơ bản, chỉ tiêu xây dựng ngành để đẩy tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra, sớm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu cơ bản vào cuối tháng 7 năm 2025 để tạo tiền đề vượt các chỉ tiêu trước khi tiến hành tổng kết công tác năm 2025.
Đồng chí Trần Thế Kính nhấn mạnh: “Khối lượng công việc ngay sau khi kết thúc hoạt động của VKSND cấp huyện, thành lập VKSND khu vực là rất lớn. Do đó, để đảm bảo hoàn thành tất cả các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, đòi hỏi các đồng chí lãnh đạo trong bộ máy mới VKSND khu vực và các phòng thuộc VKSND tỉnh, mà trước hết là vai trò của người đứng đầu đơn vị là hết sức quan trọng. Vì vậy, yêu cầu tất cả các đồng chí lãnh đạo VKSND hai cấp tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ luật công vụ, nội vụ, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của người lãnh đạo, nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy truyền thống đoàn kết trong tập thể lãnh đạo, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.”
Đinh Huê
Nguồn BVPL : https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/xuc-dong-ho-hoi-truoc-thoi-khac-chuyen-giao-lich-su-180269.html