Đặt niềm tin vào giới kiến trúc sư
Anh Nguyễn Ánh Dương, một kiến trúc sư (KTS) trẻ chia sẻ, ngày Kiến trúc Việt Nam năm nay háo hức hơn mọi năm. Vì trước đó vài ngày, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã gửi thư chúc mừng tới toàn thể Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các KTS trên cả nước.
Các KTS Việt Nam nỗ lực sáng tạo, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.
Bộ trưởng ghi nhận: "Kiến trúc luôn là lĩnh vực gắn liền với tiến trình kiến thiết và hiện đại hóa. Các KTS Việt Nam đã không ngừng nỗ lực sáng tạo, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại, mang bản sắc dân tộc; đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Đặc biệt, những thành tựu gần đây, như các giải thưởng quốc tế lớn về kiến trúc mà KTS Việt Nam đạt được là niềm tự hào, minh chứng cho tầm vóc và vị thế ngày càng nâng cao của kiến trúc nước nhà trên trường quốc tế".
Bộ trưởng Bộ Xây dựng tin tưởng: "Giới KTS Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân sáng tạo trong tiến trình kiến tạo không gian sống, không gian văn hóa và không gian phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi đồ án, mỗi công trình kiến trúc sẽ là dấu ấn đóng góp vào sự phồn vinh của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra".
Theo anh Nguyễn Ánh Dương, việc Bộ trưởng gửi thư cho thấy sự quan tâm của "Tư lệnh ngành" đến giới kiến trúc.
"Một số KTS đã chia sẻ thư của Bộ trưởng trên trang cá nhân, các nền tảng mạng xã hội, như một cách đặt niềm tin vào cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực kiến trúc, như đặt kỳ vọng vào môi trường hành nghề tốt hơn trong tương lai", KTS trẻ bày tỏ.
Đôi điều trăn trở về tương lai
KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ, mỗi tháng 4 về, giới KTS lại khắc khoải nhiều hơn khi nhìn lại chặng đường đã qua, từ đó tiếp thêm động lực cất cánh, thăng hoa.
KTS Phan Đăng Sơn đặt câu hỏi "Tương lai nào cho kiến trúc Việt Nam?". Phân tích cơ hội và thách thức, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, KTS trong tương lai sẽ giải quyết hàng loạt vấn đề. KTS chỉ là một mắt xích trong hệ thống chuyển động.
Những vấn đề cần giải quyết là: Kiến trúc với các yếu tố văn hóa bản địa và toàn cầu; Ứng dụng công nghệ trong thiết kế kiến trúc; Kiến trúc thích ứng biến đổi khí hậu và điều kiện tự nhiên; Kiến trúc hướng tới nhân sinh và xã hội, góp phần cân bằng phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả; Vai trò và trách nhiệm của KTS với cộng đồng và xã hội…
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam mong mỏi: "Kiến trúc Việt Nam ngày càng xanh, hiện đại mà bản sắc trong nền kiến trúc toàn cầu, hướng đến những giá trị nhân sinh và phát triển bền vững".
Kiến trúc Việt Nam ngày càng xanh, hiện đại mà bản sắc.
Trong khi đó, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, bên cạnh thành tựu, kiến trúc cũng bộc lộ vấn đề về quản lý, năng lực hành nghề, sự lúng túng, thậm chí mất phương hướng trong sáng tác của một bộ phận KTS.
Nếu như các phong cách kiến trúc hiện đại, hậu hiện đại, kiến trúc xanh, sử dụng vật liệu mới, công nghệ mới thân thiện với môi trường đã và đang là xu thế của thời đại, thì sự quay trở lại "sao chép một cách đại khái và lười biếng" hình thức kiến trúc tân cổ điển châu Âu với những hàng cột to cao, phi tỷ lệ và bất quy tắc, những họa tiết đắp điểm cầu kỳ, rối rắm... đã thể hiện sự bế tắc trong sáng tạo.
"Yếu tố văn hóa bản địa và địa khí hậu bị lãng quên. Kiến trúc đô thị của chúng ta phát triển manh mún, thiếu đồng bộ, thiếu kiểm soát và phi bản sắc đã phần nào phản ánh sự yếu kém và bế tắc này", KTS Trần Ngọc Chính phân tích.
KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, chúng ta đang tìm hướng phát triển đô thị thông minh để phù hợp thời đại của công nghệ số, kỹ thuật số và Internet, trí tuệ nhân tạo Al, nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thuận tiện, tiết kiệm trong sử dụng dịch vụ công và quản trị đô thị, để đô thị là nơi đáng sống, chốn bình yên và hạnh phúc của con người. Chúng ta đang xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại hóa, nhưng lại phá vỡ không gian làng truyền thống, làm mất đi nhiều di tích kiến trúc văn hóa lịch sử.
KTS Trần Ngọc Chính trăn trở: "Xu hướng đô thị hóa cưỡng bức, đã và đang biến làng quê truyền thống thành ‘sân sau chứa rác thải kiến trúc của đô thị’. Chúng ta xây dựng nhiều, nhưng lại thiếu công trình kiến trúc mang tầm thời đại". Hầu hết kiến trúc lớn, công trình tiêu biểu do tư vấn nước ngoài chủ trì thiết kế, không phải KTS Việt Nam.
"Khi nào KTS Việt Nam có đủ khả năng sáng tạo để thực hiện những công trình xứng tầm đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới?", KTS Trần Ngọc Chính đặt câu hỏi.
AI sẽ thay thế kiến trúc sư?
Là người tâm huyết và giàu kinh nghiệm làm nghề, KTS Nguyễn Huy Khanh chia sẻ câu chuyện thực tế, những người từng xem các "tác phẩm" kiến trúc do AI thực hiện từ những câu lệnh, từ bàn phím lạnh lùng sẽ tin ngay rằng AI sẽ thay thế KTS, thậm chí AI làm tốt hơn KTS.
Những KTS trẻ âm thầm kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam bằng cách… hối hả "chạy deadline".
Trả lời câu hỏi "Tương lai của ngành Kiến trúc trong kỷ nguyên số sẽ ra sao?", KTS Khanh dẫn: "Tại chương I, ngay câu mở đầu của Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói ‘Đạo khả đạo phi thường đạo. Danh khả danh phi thường danh’. Hiểu trong nghĩa hẹp với phạm vi (nhỏ) của lĩnh kiến trúc thì ‘kiến trúc mà có thể diễn đạt được bằng lời thì chưa phải kiến trúc’. Các KTS được trao giải Pritzker là những người dùng kiến trúc như một công cụ truyền đạt những giá trị vốn vẫn nằm sẵn trong thực tại thường thấy mà chưa ai trước đó thấy. Họ khám phá đạo của kiến trúc!".
KTS Khanh đúc rút, cảm xúc vẫn là bí ẩn của thế giới này. Dù các nhà thần kinh học, tâm lý học, phân tâm học... đã nỗ lực khám phá trong nhiều thế kỷ, nhưng đến nay, lĩnh vực này vẫn là ‘vùng tối’ chưa có lời giải. Thật may mắn, đây chính là rào cản để ‘kìm hãm’ AI thay thế con người trong mọi công việc, trong đó có thiết kế kiến trúc.
"Nhưng không hoàn toàn như vậy, chắc chắn đối với những KTS vẫn còn theo đuổi hình thức và công năng thì AI sẽ là the ternminator (tạm dịch kẻ hủy diệt – PV) bởi không một bộ não người nào có thể thắng được AI trong việc đưa ra hàng loạt lựa chọn cho chủ đầu tư với tốc độ tính bằng giây, chỉ từ những yêu cầu bằng khẩu lệnh", ông Khanh nói.
KTS Nguyễn Huy Khanh đặt câu hỏi với chính mình, với đồng nghiệp: Cảm xúc liệu có là "vũ khí" của KTS trong vòng vây ngày càng bị siết chặt của khoa học công nghệ? Để tồn tại, đồ án của họ cần phải thoát khỏi cái vỏ hình thức, đem đến trải nghiệm mới, mang lại cho người sử dụng những tri nhận mới, chưa hiển lộ. Và theo cách đó, nghề kiến trúc sẽ vẫn có thể trường tồn?
Minh Hằng