Trong bối cảnh Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng, việc quy hoạch vùng và đô thị trở thành nhiệm vụquan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước.
Quy hoạch vùng và đô thị là ngành học chuyên đào tạo về quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm định hướng, bố trí không gian vùng, đô thị và điểm dân cư, các hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, tạo môi trường sống tiện lợi cho người dân. Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể trở thành kiến trúc sư, nhà tư vấn, thiết kế trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị, nông thôn.
Những kỹ năng sinh viên cần có để đáp ứng yêu cầu của ngành học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Xuân Hùng - Phó Trưởng khoa, Khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, lĩnh vực quy hoạch có sự giao thoa và giao lưu rộng rãi trên thế giới. Trong đó, ngành Quy hoạch vùng và đô thị có nhu cầu xã hội lớn, giúp sinh viên có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
“Quy hoạch vùng và đô thị gắn liền với những yếu tố cần thiết đối với mọi quốc gia như: tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc và hệ thống hạ tầng. Dù là ngành khá “trẻ” ở Việt Nam, nhưng Quy hoạch vùng và đô thị ngày càng được nhìn nhận rõ ràng hơn, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và nhu cầu phát triển các khu vực ngày càng cấp thiết.
Chính vì vậy, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của ngành cũng ngày càng cao. Nếu trước đây, công tác quy hoạch chủ yếu dựa vào nguyên tắc và tiêu chuẩn theo quy định, thì hiện nay, việc kết nối với các nhà đầu tư bất động sản hay những đơn vị có chiến lược cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa rõ ràng đều đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn tốt từ ngành quy hoạch”, thầy Hùng chia sẻ.
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Xuân Hùng - Phó Trưởng khoa, Khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: NVCC
Theo thầy Lê Xuân Hùng, ngành Quy hoạch vùng và đô thị nằm trong hệ thống lĩnh vực kiến trúc, do đó sinh viên theo học cần có kỹ năng về mỹ thuật. Mặc dù không yêu cầu trình độ quá cao, nhưng bản vẽ, bản thiết kế vẫn phải đảm bảo chất lượng để người không có chuyên môn cũng có thể nhận biết và hình dung ra được thiết kế.
Kỹ năng thứ hai mà sinh viên cần có là kỹ năng tổng hợp. Bởi kiến trúc và quy hoạch không chỉ là việc thiết kế, mà còn là công cụ để cụ thể hóa các định hướng phát triển kinh tế, xã hội hay nhu cầu của các lĩnh vực khác. Người làm quy hoạch cần có hiểu biết những lĩnh vực liên quan như dân số, môi trường, hạ tầng, văn hóa và kết nối chúng lại để sắp xếp và tổng hợp một cách hợp lý.
Ngoài ra, sinh viên cũng cần có kỹ năng thuyết trình. Từ đó có thể giải thích, diễn giải, thuyết phục người nghe hiểu được mục tiêu, giá trị và hoạt động của phương pháp quy hoạch. Đây là kỹ năng cơ bản đối với bất kỳ ai theo học ngành học này.
Cũng theo thầy Lê Xuân Hùng, ngay trong quá trình học tập, nhiều sinh viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị đã tham gia vào các dự án thiết kế thực tế, thậm chí còn có sinh viên đã làm việc trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, quy hoạch. Do đó, phần lớn sinh viên tại trường tốt nghiệp đều đã có kinh nghiệm thực tiễn và sẵn sàng bước vào thị trường lao động.
Cùng với đó, trong bối cảnh hội nhập, các tổ chức nước ngoài đang có nhu cầu lớn về nhân sự trong lĩnh vực quy hoạch. Điều này giúp mở ra cơ hội nghề nghiệp rất lớn cho cử nhân ngành Quy hoạch vùng và đô thị. Do đó, nếu có ngoại ngữ tốt, sinh viên hoàn toàn có thể làm việc trong môi trường quốc tế, có thu nhập cao.
Phó Trưởng khoa, Khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng: “Để ngành Quy hoạch vùng và đô thị có thể phát triển mạnh mẽ và nắm bắt xu thế toàn cầu trong tương lai, các cơ sở đào tạo cần tăng cường hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế. Từ đó, sinh viên có thể tham gia các chương trình nghiên cứu chung, hội thảo quốc tế và cập nhật liên tục những phương pháp giảng dạy, tư duy quy hoạch hiện đại từ các quốc gia có quy hoạch phát triển.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông và tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh và toàn xã hội về giá trị của ngành học này cũng đóng vai trò quan trọng. Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu về quy hoạch không gian sống bền vững, hài hòa ngày càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng và đầy đủ về ngành học này. Do đó, việc truyền thông đúng đắn, tích cực sẽ góp phần giúp cộng đồng có cái nhìn toàn diện, đánh giá đúng hơn về tiềm năng, ý nghĩa và cơ hội của ngành Quy hoạch vùng và đô thị”.
Sinh viên Khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: NTCC.
Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng khoa, Khoa Quy hoạch, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, quy hoạch vùng và đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của đất nước.
“Ở nhiều địa phương, khi nói đến vấn đề hạ tầng, giao thông hay tiện ích công cộng, người ta đều nhắc đến hai chữ “quy hoạch”. Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này trong đời sống xã hội. Do đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành Quy hoạch vùng và đô thị cần được chú trọng và thay đổi nhanh để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động”, thầy Tuấn cho hay.
Theo thầy Tuấn, khi học ngành Quy hoạch vùng và đô thị, sinh viên sẽ được trang bị hệ thống kiến thức, kỹ năng đa dạng và mang tính tích hợp cao. Bởi để có thể giải quyết các vấn đề trong không gian của vùng hay đô thị, người học không chỉ cần hiểu về kiến trúc, mà còn phải nắm bắt các yếu tố liên quan đến xã hội, kinh tế, môi trường, văn hóa… và đòi hỏi tư duy tổng hợp và khả năng kết nối đa lĩnh vực.
Tuy nhiên, trọng tâm của chương trình đào tạo vẫn là trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên sâu về kiến trúc và tổ chức không gian, từ thiết kế đô thị đến quy hoạch vùng. Sinh viên được đào tạo không chỉ những kỹ năng phân tích, tổng hợp thông tin, mà còn được khơi dậy tính sáng tạo trong việc đưa ra các giải pháp thiết kế không gian phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hài hòa của đô thị hiện đại.
Thầy Tuấn cũng nhận định rằng cơ hội việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp ngành này rất đa dạng: “Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, sinh viên tốt nghiệp ngành Quy hoạch vùng và đô thị hoàn toàn có thể làm việc tại sở xây dựng hoặc ủy ban nhân dân của các tỉnh, thành phố, nơi có bộ phận quản lý và phát triển đô thị. Bởi những cơ quan, đơn vị này đều đang có nhu cầu nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh cải cách hành chính của các tỉnh thành, việc đưa đội ngũ chuyên môn về cấp xã, phường đòi hỏi phải có những nhân sự có năng lực chuyên môn phù hợp.
Cùng với đó, hiện nay, lĩnh vực tư vấn quy hoạch, bao gồm các đơn vị tư vấn trong nước và nước ngoài đều nhìn nhận rằng thị trường liên quan đến quy hoạch và phát triển đô thị có nhiều tiềm năng. Do đó, sinh viên sau tốt nghiệp cũng hoàn toàn có thể làm việc ở lĩnh vực tư vấn ngành nghề”, thầy Tuấn cho hay.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Tuấn (bên trái) - Trưởng khoa Khoa Quy hoạch, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC
Chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên cần bắt kịp xu thế, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp
Theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Tuấn, ngành Quy hoạch vùng và đô thị hiện là một trong những ngành yêu cầu số lượng lớn về nhân lực. Do đó, để tăng sức hút đối với ngành, đội ngũ giảng viên đào tạo cần được nâng cao trình độ chuyên môn để bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.
Trong bối cảnh công nghệ số, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là quy hoạch và quản lý đô thị, giảng viên cần cập nhật kiến thức mới, tham gia vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để đáp ứng xu thế hiện đại. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo không chỉ xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thời đại, mà còn cần có chiến lược dài hạn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giảng dạy.
Cùng với đó, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng ngành. Kiến thức lý thuyết, đặc biệt là những nội dung liên quan đến công nghệ số, cần được hỗ trợ bởi các công cụ trực quan và môi trường học tập hiện đại để đảm bảo khả năng ứng dụng vào thực tế.
Việc trang thiết bị các phần mềm mô phỏng đô thị, hệ thống thực tế ảo, mô hình kỹ thuật số,... không chỉ giúp sinh viên dễ dàng hình dung và vận dụng kiến thức, mà còn là giúp cho các cơ sở đào tạo tiếp cận phương pháp giảng dạy tiên tiến, kết nối đào tạo với thực hiện quy trình đô thị trong thời đại số.
Thầy Tuấn cũng cho biết thêm, trước những yêu cầu, đặc thù của lĩnh vực quy hoạch, việc đào tạo ngành Quy hoạch vùng và đô thị cần gắn lý thuyết với thực hành chặt chẽ. Do đó, trong quá trình tham gia giảng dạy, đội ngũ giảng viên Khoa Quy hoạch của nhà trường đã tham gia một số hoạt động thực tiễn liên quan đến lĩnh vực và ngành nghề, đồng thời có sự kết nối với các địa phương.
Trong đó, nhà trường có những kênh hợp tác toàn diện với cơ quan đầu ngành trong lĩnh vực quản lý đô thị là Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Và nhà trường cũng phối hợp tổ chức các chương trình khảo sát tại nhiều tỉnh, thành phố, nơi sinh viên có thể gặp gỡ trực tiếp các chuyên gia, để lắng nghe, trao đổi chuyên sâu về ngành học và thực tiễn.
Ngoài ra, việc mời các chuyên gia đang làm công tác quản lý đô thị, có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy, hỗ trợ những đề tài chuyên môn cũng được nhà trường chú trọng. Nhờ sự kết hợp này, sinh viên không chỉ được học lý thuyết tại trường, mà còn được trang bị kiến thức từ thực tế, giúp nâng cao khả năng ứng dụng, thích nghi với môi trường làm việc thực tế .
Với góc độ người trực tiếp học tập và làm việc trong lĩnh vực, anh Võ Trần Đăng Khoa, cựu sinh viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, hiện là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Công nghệ ứng dụng AI cho hay: “Tôi chọn học ngành Quy hoạch vùng và đô thị bởi đây là ngành học có tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống xung quanh chúng ta, từ việc đi lại, làm việc đến sinh hoạt hàng ngày.
Cùng với đó, ngành học này đã thu hút tôi bởi tính đa ngành. Bởi đây là một lĩnh vực đòi hỏi sự kết hợp giữa kiến thức về kiến trúc, kinh tế, xã hội và môi trường, giúp tôi có cơ hội học hỏi và phát triển bản thân một cách toàn diện”, anh Khoa chia sẻ.
Theo anh Khoa, trong quá trình theo học ngành Quy hoạch vùng và đô thị, anh đã được trang bị những kiến thức nền tảng về quy hoạch, thiết kế, kinh tế và quản lý đô thị. Việc học cách tiếp cận cộng đồng và lắng nghe ý kiến của người dân trong quá trình học tập cũng đã giúp anh tạo ra những kế hoạch quy hoạch đáp ứng nhu cầu thực tế của cộng đồng. Đặc biệt, những kỹ năng như phân tích, thiết kế, làm việc nhóm và giao tiếp đã giúp anh ứng dụng hiệu quả vào công việc hiện tại.
Anh Võ Trần Đăng Khoa, cựu sinh viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, theo anh Khoa, một trong những thách thức lớn nhất mà anh gặp phải sau khi tốt nghiệp ngành Quy hoạch vùng và đô thị là việc các nhà tuyển dụng yêu cầu kinh nghiệm và chuyên môn vững vàng.
Do đó, anh Khoa cho rằng: “Sinh viên theo học ngành Quy hoạch vùng và đô thị cần chủ động tìm hiểu về các xu hướng và thách thức trong lĩnh vực. Đồng thời, tích cực tham gia những cuộc thi quy hoạch, dự án thực tế, hoạt động ngoại khóa và trau dồi kỹ năng sử dụng thành thạo các phần mềm, công nghệ chuyên dụng trong lĩnh vực quy hoạch vùng và đô thị.
Cùng với đó, việc trau dồi khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, cũng cần được sinh viên chú trọng, bởi nhiều tài liệu và dự án quy hoạch đô thị có liên quan đến các đối tác quốc tế. Đặc biệt, sinh viên có thể tìm kiếm cho mình một người hướng dẫn (mentor) có kinh nghiệm trong ngành để được tư vấn và hỗ trợ trong quá trình học tập và phát triển sự nghiệp”.
Cũng theo anh Khoa, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân lực với lĩnh vực này, việc tăng cường sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực quy hoạch vùng và đô thị là cần thiết nhằm giúp sinh viên có nhiều cơ hội thực tập và làm việc trong môi trường thực tế, từ đó nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cũng nên cập nhật chương trình đào tạo để đáp ứng với những xu hướng mới như: đô thị thông minh, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Mạnh Dũng