Tân Uyên – Nơi ánh sáng Nghị quyết 15 lan tỏa

Tân Uyên – Nơi ánh sáng Nghị quyết 15 lan tỏa
6 giờ trướcBài gốc
Bài 1: Thói quen hóa thành hủ tục?
Ngay cả khi đời sống đã trở nên đổi mới và văn minh trước cuộc sống hiện đại ngày nay, thì đâu đó trên những bản làng của huyện Tân Uyên vẫn còn những thói quen lạc hậu, lạc lõng giữa đời sống mới. Những thói quen lâu dần sẽ trở thành hủ tục, nếu không có giải pháp xóa bỏ mạnh mẽ sẽ làm cho bức tranh cuộc sống trở nên “xấu xí” bởi sự chậm tiến và trì trệ.
Thả rông gia súc - "ngăn" màu xanh của rừng
Từ lâu trên địa bàn huyện Tân Uyên bà con vẫn còn thói quen thả rông gia súc trên lán nương, đồi núi. Đã có những con gia súc rơi xuống vực sâu, chết, mất một thời gian dài, gia chủ mới phát hiện. Có gia đình muốn bán gia súc để lo việc lớn nhưng vì gia súc thả rông trên núi nên việc bắt giữ để mang về trao đổi, mua bán rất khó. Thói quen chăn nuôi đó dẫn đến tình trạng đàn vật nuôi tự do dẫm đạp lên nơi nào chúng đến khiến nhiều cây trồng, diện tích rừng của gia đình, doanh nghiệp bị hủy hoại.
Tân Uyên là nơi có tỷ lệ che phủ rừng trên 50%, được người dân tích cực phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Anh Nguyễn Văn Thành – Chủ Hợp tác xã (HTX) Đại Thành ở xã Nậm Cần không biết bao lần than thở, thậm chí kêu cứu cho những diện tích rừng do HTX trồng trên những bãi đất trống đồi trọc tận sâu trong Khe Sắt (xã Nậm Cần). HTX nhận khoán 100ha đất rừng phòng hộ và trồng trên 100ha rừng cá nhân. Hạn chế tối đa việc gia súc phá hoại, tôi đã đào hào, bao quanh toàn bộ diện tích đất rừng bằng hàng rào thép gai. Vậy mà cũng chưa thể yên, các chủ nuôi còn cắt cả dây thép gai để lùa đàn gia súc vào kiếm ăn. Tất nhiên chúng tôi không thể biết được ai là người làm việc đó vì 24/24 giờ ngồi canh gia súc là điều không thể.
Được biết, riêng khu vực đất lâm nghiệp của xã Nậm Cần, ngoài gia súc trên địa bàn còn có gia súc của các xã: Thân Thuộc, Trung Đồng, Phúc Khoa, Nậm Sỏ, Pắc Ta và thị trấn Tân Uyên về thả tại đây với đàn gia súc khoảng 800 con. Việc quá nhiều gia súc về kiếm ăn tại xã Nậm Cần dẫn đến tình trạng vật nuôi mắc bệnh chết trên các bãi chăn thả hoặc bị mất trộm. Không những vậy còn phá hoại cây trồng, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, sinh trưởng, phát triển và chất lượng, sản lượng các cây trồng như: chè, mắc ca, quế, dổi xanh…, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.
Với sự thu hút đầu tư mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp đã ký kết và đầu tư trồng rừng trên địa bàn huyện Tân Uyên.
“Lời ru buồn” trên non cao
Với 8 dân tộc sinh sống, Tân Uyên có đời sống văn hóa vô cùng phong phú nhờ những nét sinh hoạt, tín ngưỡng riêng của từng tộc người. Tuy nhiên, vẫn còn các hủ tục ăn sâu vào tiềm thức của bà con như: trong việc cưới, việc tang kéo dài nhiều ngày gây lãng phí thời gian, tiền của, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, dẫn đến đói nghèo, lạc hậu; nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc Mông.
Chuyện về nữ sinh lớp 8 tại bản Thào A (xã Hố Mít) viết thư cầu cứu các thầy cô giáo xin bố mẹ đừng ép em lấy chồng sớm bằng thời điểm này năm ngoái là một ví dụ điển hình. Em T.T.V là học sinh có tư duy mới, muốn đi tìm "cái chữ" để làm giàu tri thức, áp dụng cho cuộc sống sau này nên chưa vội lấy chồng dù trong số ít bạn bè cùng trang lứa đã theo chồng “bỏ cuộc chơi”. Và vì thế, khi bố mẹ đồng ý cho V. lấy chồng, cộng với việc kéo vợ của bạn trai khiến em rơi vào bế tắc. Không thể tự mình gỡ rối, em viết lá thư dài gần 2 trang gửi các cô giáo can thiệp.
Ngay sau khi nắm được thông tin từ bức thư của em T.T.V, cả hệ thống chính trị vào cuộc tháo gỡ vướng mắc giúp em.
May mắn cho em, khi lá thư cầu cứu đến được tay cô giáo là lúc cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, cơ quan báo chí vào cuộc; xã thành lập tổ công tác đến tận nhà tuyên truyền cho phụ huynh và nắm sát tình hình để can thiệp xử lý. Một năm trôi qua, em V. vẫn được đến trường đều đặn như các bạn cùng trang lứa và không bị gia đình ép gả.
Thế nhưng không phải ai cũng được may mắn như em V., tình trạng tảo hôn vẫn trở thành vấn đề nhức nhối ở trên những bản vùng cao, chưa thể đẩy lùi triệt để. Không ít em học sinh còn chưa bước qua tuổi đội viên đã phải gánh trọng trách làm mẹ khi mới 14, 15 tuổi. Theo thống kê, năm 2023, trong 24 cặp vợ chồng ở Hố Mít lấy nhau có tới 12 cặp tảo hôn; năm 2024 có 8 cặp tảo hôn và từ đầu năm 2025 đến nay có 2 cặp tảo hôn. Tảo hôn là nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến chất lượng dân số, dẫn tới tỷ lệ thấp còi của trẻ trên địa bàn xã chiếm tới 23%, tỷ lệ trẻ không đảm bảo cân nặng chiếm 22%, song trên thực tế con số này còn nhiều hơn thế.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn là do ảnh hưởng từ những quan niệm, phong tục, tập quán lạc hậu; sự thiếu quan tâm quản lý, giáo dục con em của cha mẹ, nhất là đối với các gia đình có cha mẹ đi làm ăn xa. Trình độ dân trí và nhận thức pháp luật về hôn nhân và gia đình còn hạn chế, tư tưởng cho con lấy vợ, lấy chồng sớm để khỏi gánh nặng cho cha mẹ, các gia đình ép con lấy vợ, lấy chồng khi đang độ tuổi thanh thiếu niên (từ 13-16 tuổi) để có thêm lao động và có người phụ các công việc của gia đình; sự can thiệp của chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn có việc chưa mạnh mẽ, có việc thiếu kiên quyết...
Những câu chuyện điển hình về vấn đề văn hóa diễn ra tại huyện Tân Uyên khiến cấp ủy, chính quyền không ngừng trăn trở và tìm nhiều cách đẩy lùi. Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 22/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030 được ban hành đã tiếp thêm động lực và quyết tâm để huyện đặt ra nhiều giải pháp quyết liệt hơn trên con đường lấy ánh sáng đẩy lùi bóng tối.
(Còn nữa)
Thu Trang Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/van-de-hom-nay/tan-uyen-noi-anh-sang-nghi-quyet-15-lan-toa-1245697