Phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ dừng lại ở ca mổ thành công mà còn phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn chăm sóc hậu phẫu. Ảnh minh họa
Các thực phẩm dễ gây ra sẹo sau khi phẫu thuật thẩm mỹ
Dưới đây là những nhóm thực phẩm mà bạn nên hạn chế hoặc kiêng hoàn toàn trong giai đoạn hậu phẫu:
Thịt bò
Thịt bò chứa nhiều protein và sắt, tuy nhiên lại dễ làm cho vết thương sau phẫu thuật bị sậm màu, hình thành sẹo thâm. Đây là thực phẩm mà nhiều bác sĩ khuyến cáo nên tránh trong ít nhất 2-4 tuần sau phẫu thuật.
Thịt gà và đồ tanh
Thịt gà và các loại hải sản như tôm, cua, cá... có thể gây ngứa ngáy, kích ứng vùng da đang hồi phục. Điều này dễ khiến bạn gãi hoặc chạm vào vết thương, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, mưng mủ và hình thành sẹo lồi.
Gạo nếp và các món ăn chế biến từ gạo nếp
Xôi, bánh chưng, bánh dày... đều là thực phẩm được chế biến từ nếp, có tính nóng và dễ gây mưng mủ, sưng tấy vùng vết thương. Nếu không kiểm soát tốt, vùng da phẫu thuật có thể để lại sẹo xấu hoặc thậm chí nhiễm trùng.
Rau muống
Rau muống là thực phẩm hàng đầu cần kiêng sau phẫu thuật. Mặc dù rất tốt cho người thiếu máu, nhưng rau muống kích thích tăng sinh collagen quá mức tại vùng da tổn thương, từ đó gây ra sẹo lồi.
Đồ ngọt và thực phẩm nhiều đường
Thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và gây viêm, ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương. Ngoài ra, đường còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, khiến sẹo lâu lành hơn.
Các chất kích thích
Rượu, bia, cà phê và thuốc lá đều có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hồi phục sau phẫu thuật. Chúng làm giảm khả năng tái tạo mô, giảm oxy trong máu và tăng nguy cơ để lại sẹo xấu.
Nên làm gì sau khi phẫu thuật thẩm mỹ để hạn chế sẹo và giúp hồi phục nhanh?
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, việc chăm sóc tổng thể sau phẫu thuật là điều cần đặc biệt chú ý. Dưới đây là những lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia thẩm mỹ:
Tuân thủ chỉ định của bác sĩ
Sau phẫu thuật, bạn cần uống thuốc và sử dụng kem bôi theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý ngưng thuốc hoặc dùng thêm sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể khiến vết thương lâu lành hoặc gây dị ứng.
Vệ sinh vết thương đúng cách
Luôn giữ vùng phẫu thuật sạch sẽ và khô ráo. Dùng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn chuyên dụng để vệ sinh, tránh để bụi bẩn, mồ hôi dính vào vết thương.
Kiêng vận động mạnh
Trong thời gian đầu sau phẫu thuật, đặc biệt là 7-14 ngày đầu, bạn không nên vận động mạnh hoặc va chạm vào vùng phẫu thuật để tránh vết thương bị tổn thương hoặc bung chỉ.
Bảo vệ vết thương khỏi ánh nắng mặt trời
Tia UV có thể khiến vùng da non bị sạm màu, tăng nguy cơ sẹo thâm. Khi ra ngoài, nên che chắn kỹ hoặc sử dụng kem chống nắng phù hợp theo lời khuyên của bác sĩ.
Ăn thực phẩm hỗ trợ lành vết thương
Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, E và kẽm như cam, quýt, cà rốt, súp lơ, hạt điều, óc chó… giúp tăng cường đề kháng và hỗ trợ tái tạo mô da hiệu quả.
Theo dõi và tái khám đúng lịch
Việc tái khám giúp bác sĩ theo dõi tiến trình hồi phục, xử lý kịp thời nếu có biểu hiện viêm nhiễm hoặc sẹo bất thường.
Phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ dừng lại ở ca mổ thành công mà còn phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn chăm sóc hậu phẫu. Việc kiêng những thực phẩm dễ gây sẹo, kết hợp với chế độ sinh hoạt và chăm sóc hợp lý, sẽ giúp bạn hạn chế tối đa biến chứng và sở hữu kết quả thẩm mỹ như mong đợi.
Mây Hạ