Kiều bào kỳ vọng từ 'sắp xếp lại giang sơn'

Kiều bào kỳ vọng từ 'sắp xếp lại giang sơn'
8 giờ trướcBài gốc
Kiều bào về tham dự Xuân Quê hương 2025 tại tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: An Bình)
Với người Việt Nam ở nước ngoài, “giang sơn gấm vóc” không chỉ là địa lý, mà còn là ký ức, hồn cốt quê hương và chốn đi về trong tâm tưởng. Bởi vậy, câu chuyện sáp nhập tỉnh, thành phố và vận hành bộ máy chính quyền hai cấp ở địa phương Việt Nam đã lay động trái tim những người con xa xứ.
Hướng về Việt Nam bằng tình yêu và trách nhiệm
Là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) được 25 năm, chị Phạm Mỹ Dung cùng cộng đồng háo hức theo dõi truyền hình trực tiếp Lễ công bố các quyết sách lớn của Trung ương qua bản tin VTV ngày 30/6.
Chia sẻ với TG&VN, chị cho rằng sự kiện không chỉ là dấu mốc lịch sử trong tiến trình cải cách hành chính mà còn thể hiện khát vọng đổi mới, hội nhập và phát triển mạnh mẽ của đất nước.
“Tôi và nhiều anh chị em kiều bào ở đây đã đàm luận sau khi theo dõi sự kiện và bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào mô hình chính quyền hai cấp mới, xem đây là bước đi đột phá nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn. Sự thay đổi này mở ra cơ hội mới để chúng tôi kết nối doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư, và phát huy vai trò của kiều bào trong quá trình xây dựng quê hương”, chị xúc động nói.
Hơn bao giờ hết, họ cảm nhận được niềm tin đang lớn dần lên, cùng với đó là trách nhiệm của kiều bào trong việc đồng hành với Tổ quốc trên hành trình cải cách và phát triển bền vững.
Chị Dung bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý, thủ tục gọn lẹ để kiều bào nhanh chóng hoàn tất thủ tục nhập lại quốc tịch Việt Nam để tiện trong việc về nước sinh sống, làm việc, hoặc đóng góp trí tuệ, tài lực cho các địa phương mới sau sáp nhập. Đồng thời, đẩy mạnh số hóa và chính quyền điện tử sẽ là nền tảng vững chắc để hiện đại hóa đất nước”.
Với TS. Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Chungnam, sự kiện “sắp xếp lại giang sơn” không chỉ là quyết định hành chính, đây là dấu mốc thể hiện tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đất nước.
Chứng kiến Tổ quốc đang chủ động đổi mới để phát triển hiệu quả và bền vững hơn, ông Liêm cảm thấy vô cùng tự hào vì là người Việt Nam.
TS. Nguyễn Thanh Liêm tin rằng, không chỉ riêng ông mà hàng trăm nghìn người Việt tại Hàn Quốc – từ người lao động, du học sinh, trí thức cho đến doanh nhân, đều đang dõi theo từng bước chuyển mình của đất nước với một tình cảm và khát khao được góp phần nhỏ bé của mình vào hành trình đó.
Đặc biệt, khi lắng nghe lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tổ quốc luôn mở rộng vòng tay đón những công dân xa xứ về chung tay dựng xây đất nước”, TS. Nguyễn Thanh Liêm thấy như quê hương đang gọi tên mình, như lời nhắn nhủ sâu sắc gửi tới những người Việt xa xứ.
“Dù đang sống ở nơi đất khách, chúng tôi luôn hướng về Việt Nam bằng tất cả tình yêu và trách nhiệm. Tôi tin rằng cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục đoàn kết, lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của quê hương, và góp phần vào sự nghiệp phát triển một Việt Nam hùng cường, hiện đại và nhân văn, đúng như khát vọng của toàn dân tộc”, ông chia sẻ.
Kết nối hiệu quả giữa địa phương với kiều bào
Tại Nhật Bản, chị Lê Thương, Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam vùng Kansai, cũng rất quan tâm và theo dõi sát sao thông tin về Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương trong việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, thể hiện quyết tâm chính trị đổi mới toàn diện nền hành chính quốc gia.
Là kiều bào xa quê hương nhiều năm, chị nhận thấy việc tinh gọn bộ máy, kiện toàn tổ chức Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc từ cơ sở là bước đi kịp thời, phù hợp với xu thế quản trị hiện đại. Việc sáp nhập không chỉ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được phục vụ tốt hơn.
Chị Thương đánh giá cao sự đồng bộ trong tổ chức thực hiện từ Trung ương tới các tỉnh, thành, phường, xã và đặc khu – minh chứng cho tầm nhìn chiến lược và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Tin rằng trong giai đoạn đầu thực hiện, tuy có thể có khó khăn nhất định nhưng với quyết tâm chính trị và sự ủng hộ từ nhân dân, quá trình chuyển đổi sẽ nhanh chóng đi vào ổn định.
Từ góc nhìn kiều bào, chị Thương cùng nhiều bà con mong muốn chính sách hành chính mới sẽ ngày càng gần dân hơn, đặc biệt là tăng cường kết nối hiệu quả giữa các địa phương với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Bởi lẽ, trong thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số, kiều bào không chỉ là “người Việt xa quê” mà còn là một phần không thể thiếu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn sẵn lòng đóng góp trí tuệ, nguồn lực và tình yêu quê hương vào công cuộc xây dựng đất nước.
Đặc biêt, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và chuyển sang chính quyền hai cấp là bước cải cách lớn, có thể tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Với vùng sâu, vùng xa hoặc những địa phương có đông kiều bào hướng về, mô hình mới giúp tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tăng hiệu quả điều hành và đầu tư công. Khi các tỉnh được hợp nhất, quy mô và nguồn lực sẽ mạnh hơn, thuận lợi cho việc xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư – kể cả từ cộng đồng kiều bào.
Tuy nhiên, sau sáp nhập, một số vùng có thể bị xa trung tâm hành chính mới, khiến việc tiếp cận dịch vụ công gặp khó khăn nếu không có giải pháp chuyển đổi số hoặc chính quyền lưu động.
Mong muốn quê hương phát triển hiện đại, chị Thương “cũng hiểu rằng cải cách cần đặt người dân làm trung tâm để có cơ chế đặc thù hỗ trợ các vùng thiệt thòi, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Khi đó, nguồn lực kiều bào sẽ được phát huy hiệu quả hơn, góp phần vào sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền”.
Kỳ vọng về chương sử mới của đất nước
Dù sống xa Tổ quốc, cộng đồng kiều bào tin rằng cuộc “sắp xếp lại giang sơn” hôm nay là bước đệm cho một hệ thống quản trị tinh gọn hơn và cho tương lai mà bản sắc địa phương vẫn được tôn trọng, bảo tồn và lan tỏa.
Chị Nguyễn Thị Thanh, kiều bào tại Bỉ đã gọi sự kiện 1/7 là ngày khai mở chương sử mới của đất nước. Điều ấn tượng nhất với chị trong ngày này là hình ảnh 18.491 ngôi chùa cùng lúc vang lên tiếng chuông bát nhã, thật sự rất thiêng liêng và cảm động.
“Tiếng chuông không chỉ là âm thanh còn là lời cầu nguyện chung của dân tộc, là sự thức tỉnh tâm thức mỗi người và là niềm tin vào tương lai tươi sáng. Dù không trực tiếp nghe được tiếng chuông, nhưng chỉ cần biết về sự kiện này thôi cũng đủ làm lòng người ấm áp và cảm thấy được kết nối với non sông, dù bạn đang ở đâu. Nguyện cho đất nước ta luôn bình an, thịnh vượng!”, chị Thanh bày tỏ niềm vui.
Những ngày qua, doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc, kiều bào Canada đếm ngược thời gian đến giờ G của ngày 1/7 để mừng đất nước bước sang trang sử mới.
Ông xúc động chia sẻ: “Trước giờ G, chúng ta vẫn còn 63 tỉnh thành phố trải dài theo hình chữ S, sau giờ G chúng ta sát nhập chỉ còn 34 tỉnh thành phố và các xã phường, chính quyền hai cấp đi vào hoạt động.
Mặc dù đâu đó vẫn còn tâm tư nhưng Đảng, Chính phủ phải làm, phải quyết nhanh bởi không cho phép bàn lui, không cho phép cản trở. Mọi khiếm khuyết, sai sót đâu thì sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện sau… Xin ơn trên ban hồng phúc cho Tổ quốc Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình được hanh thông, thuận lợi!”.
Tên một tỉnh có thể thay đổi, ranh giới hành chính có thể điều chỉnh nhưng tình yêu quê hương thì không có đường biên. Trong trái tim người Việt xa xứ, đất nước luôn nguyên vẹn và họ sẵn sàng đồng hành, sẻ chia, đóng góp cho hành trình đổi mới ở quê nhà.
AN BÌNH
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/kieu-bao-ky-vong-tu-sap-xep-lai-giang-son-319803.html