Kinh tế 6 tháng 2025: THỰC HIỆN TƯ DUY PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN, TẠO NỀN TẢNG CHO TĂNG TRƯỞNG NHANH HƠN, BỀN VỮNG HƠN

Kinh tế 6 tháng 2025: THỰC HIỆN TƯ DUY PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN, TẠO NỀN TẢNG CHO TĂNG TRƯỞNG NHANH HƠN, BỀN VỮNG HƠN
6 giờ trướcBài gốc
Kinh tế Việt Nam năm 2025 đã đi được một nửa chặng đường trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới có nhiều yếu tố bất ổn, khó lường, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, đồng USD mạnh lên khiến áp lực tỷ giá tăng nhanh tại các quốc gia mới nổi. Khác lạ, bất ổn trong chính sách kinh tế, đặc biệt chính sách thương mại quốc tế gây áp lực tới chi tiêu dùng, đầu tư và sự bấp bênh trong tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Quỹ Tiền tệ quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 xuống mức 2,8%; tăng trưởng thương mại chỉ ở mức 1,7%, bằng một nửa so với mức tăng của năm 2024; nâng dự báo lạm phát lên 4,3%.
Chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ có tác động tiêu cực trong ngắn hạn đối với kinh tế thế giới, đặc biệt đối với các nền kinh tế lớn, các nền kinh tế theo đuổi chính sách tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.
Trong báo cáo mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 xuống mức 1,4%, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,5%, lạm phát cuối năm đạt 3%, cao hơn đáng kể so với mức hiện tại. Kinh tế Mỹ đang đối diện với một triển vọng ảm đạm với tăng trưởng thấp và lạm phát cao.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang giảm tốc trong 6 tháng đầu năm 2025, cho dù đã có những nỗ lực vực dậy nền kinh tế của Chính phủ. Tiêu dùng nội địa suy giảm, xuất khẩu tăng chậm lại, kinh tế đứng trước nguy cơ giảm phát.
Kinh tế Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới, với độ mở lớn, mọi biến động về kinh tế, chính trị thế giới đều tác động rất mạnh tới kinh tế nước ta. Chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ, cùng với tổng cầu tiêu dùng trong nước phục hồi chậm là nguyên nhân khiến cho khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong 6 tháng đầu năm 2025 đối mặt với nhiều khó khăn, sản lượng, số lượng đơn hàng mới, việc làm và giá bán sản phẩm đều giảm, trong khi chi phí đầu vào gia tăng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, ngoại trừ tháng 3/2025, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt mức 50,5 điểm, còn lại 5 tháng đầu năm chỉ số PMI đều dưới ngưỡng 50 điểm.
Cùng với tác động của chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ, nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước thấp là nguyên nhân chủ yếu khi có tới 51,2% doanh nghiệp đánh giá đây là yếu tố hàng đầu, tác động mạnh nhất tới sản xuất kinh doanh; chỉ có 30,8% doanh nghiệp đánh giá nhu cầu thị trường quốc tế thấp ảnh hưởng đến sản xuất, là nguyên nhân được xếp thứ ba sau yếu tố về tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
Doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, khả năng tài chính hạn hẹp là nguyên nhân chủ yếu khiến số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2025 ở mức độ cao, với 127,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng cả nước có 21,19 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thịtrường.
Tư duy phát triển toàn diện, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, thông minh hơn
Để tăng cường khả năng ứng phó với những biến động trong một thế giới bất định, khó lường, tạo nền tảng cho kinh tế Việt Nam vận hành trong kỷ nguyên mới, trong 6 tháng đầu năm 2025, Đảng và Nhà nước đã ban hành và khẩn trương triển khai thực hiện “Bộ tứ trụ cột chiến lược” tạo môi trường thể chế ổn định, minh bạch, hiệu quả cho hoạt động kinh tế (Nghị quyết 66-NQ/TW); tạo đột phá về năng suất, phát triển mô hình tăng trưởng mới, ưu việt (Nghị quyết 57-NQ/TW); mở rộng không gian phát triển, thu hút nguồn lực toàn cầu (Nghị quyết 59-NQ/TW, và sắp xếp lại giang sơn, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp); tạo động lực tăng trưởng nội sinh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và đổi mới sáng tạo (Nghị quyết 68-NQ/TW) đã tạo nên làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6 năm 2025 đạt hơn 24 nghìn doanh nghiệp, mức cao kỷ lục.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có 152,7 nghìn doanh nghiệp ra nhập thị trường, bình quân mỗi tháng có 25,4 nghìn doanh nghiệp ra nhập thị trường, gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường, điều này phản ánh niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế được củng cố mạnh mẽ.
Cùng với thực hiện Bộ tứ trụ cột chiến lược, Chính phủ đã phát động và tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện cuộc đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo lập nền kinh tế thị trường lành mạnh; bảo vệ quyền lợi, củng cố niềm tin người tiêu dùng và nhà đầu tư; bảo vệ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao uy tín và thương hiệu quốc gia.
Tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư về môi trường kinh doanh tại Việt Nam
Với tư duy phát triển toàn diện, với giải pháp tạo lập nền kinh tế thị trường lành mạnh đã bổ sung và củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đối với môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 1.591,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 3,0 điểm phần trăm so với mức tăng của cùng kỳ năm 2024.
Trong đó vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước đạt 445,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,0% tổng vốn, tăng 14,1%; khu vực ngoài nhà nước đạt 858,9 nghìn tỷ đồng chiếm 54,0% và tăng 7,5%; khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 287,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,0% và tăng 10,6%.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, quyết liệt việc hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính đã đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong 6 tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư công thực hiện được 291,9 nghìn tỷ đồng, đạt 31,7% kế hoạch năm, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ nămtrước.
Trong 6 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm trước, vốn FDI đăng ký đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6%; trong đó vốn đăng ký điều chỉnh của 826 lượt dự án đã được cấp phép từ những năm trước với số vốn đạt 8,95 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2024. Điều này phản ánh sự gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến mà còn mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam.
Vốn FDI giải ngân đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1%. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua, phản ánh sức hút của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thể hiện năng lực hấp thu và giải ngân vốn FDI của nền kinh tế.
Điểm đáng chú ý về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 là số dự án mới đăng ký rất cao, với 1.988 dự án được cấp phép, tăng 21,7%; tuy vậy, số vốn đăng ký đạt 9,21 tỷ USD, giảm 9,1%.
Vốn đăng ký bình quân một dự án FDI chỉ với 4,63 triệu USD cho thấy có nhiều dự án FDI có quy mô nhỏ, Chính phủ và các địa phương cần rà soát, sàng lọc kỹ các dự án FDI để loại trừ các nhà đầu tư đến Việt Nam để núp bóng, trốn tránh cuộc chiến thương mại.
TS. Nguyễn Bích Lâm.
Bức tranh thương mại hàng hóa quốc tế sáng lên theo từng tháng
Trong bối cảnh Mỹ đưa ra chính sách thuế quan đối ứng đối với các nền kinh tế làm suy giảm tổng cầu tiêu dùng của thế giới, bức tranh xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta vẫn đóng vai trò khá tích cực trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sáng lên theo từng tháng.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 432 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 219,8 tỷ USD, tăng 14,4%; nhập khẩu đạt 212,2 tỷ USD, tăng 17,9%; xuất siêu 7,6 tỷ USD, giảm 37,5% so với xuất siêu hàng hóa của 6 tháng năm 2024.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Kim ngạch xuất khẩu bình quân tháng tăng dần qua các tháng. Cụ thể, bình quân 2 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 32,13 tỷ USD/ tháng; bình quân 3 tháng đạt 34,26 tỷ USD/ tháng; bình quân 6 tháng đạt 36,63 tỷ USD/ tháng, tăng 6,9 điểm phần trăm so với bình quân 3 tháng đầu năm 2025.
Lo ngại thuế quan đối ứng của Mỹ sẽ làm gia tăng kim ngạch nhập khẩu tư liệu sản xuất cho nửa cuối năm nay, trong quý II/2025 kim ngạch nhập khẩu của nền kinh tế đạt 112,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 12,9% so với quý I/2025.
Trong 6 tháng đầu năm, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế tuyệt đối trong hoạt động nhập khẩu với kim ngạch 139,38 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 65,7% tổng kim ngạch nhập khẩu. Khu vực kinh tế trong nước đạt 72,82 tỷ USD, tăng 10,4%, chiếm 34,3%.
Động lực tiêu dùng ổn định, chưa tạo bước đột phá cho tăng trưởng
Tổng cầu trong nước và tổng cầu thế giới thấp đã kìm hãm hoạt động sản xuất của nền kinh tế, từ đó tác động tới tiêu dùng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân qua các tháng trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng ổn định ở mức khoảng 7,2%, cao hơn khoảng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn khá nhiều so với mức tăng của thời kỳ trước đại dịch COVID-19.
Hiện nay, xu hướng tiêu dùng trong nước thay đổi với chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Số liệu thống kê giai đoạn 2021-2024 và quý I/2025 phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng.
Năm 2021, người dân chi cho dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 8,3% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL), chi cho du lịch lữ hành chiếm 0,2% trong TMBL; đến năm 2023 hai chỉ tiêu này tăng lên 11,1% và 1,1%.
Xu hướng tiêu dùng này tiếp tục được khẳng định và tăng lên 11,5% và 1,2% năm 2024. Hai chỉ tiêu này của quý 6 tháng đầu năm 2025 lần lượt là 12,0% và 1,3%.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Trong 6 tháng đầu năm 2025, lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu, tạo dư địa thực hiện các chính sách vĩ mô thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối của năm nay. Chỉ số CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2025 tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 3,16%.
Đạt được kết quả này là do Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác là yếu tố cơ bản giữ vững ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dưới áp lực nới lỏng chính sách tiền tệ, biến động tỷ giá, chi thường xuyên của ngân sách nhà nước tăng 40,8% so với cùng kỳ năm trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã linh hoạt điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến thị trường, với tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn của các tổ chức tín dụng.
Tính đến cuối tháng 6 năm 2025, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,30%, cao hơn 3,45 điểm phần trăm so với cùng thời điểm năm trước.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm.
Cần làm gì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát năm 2025
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, khó lường; Chiến thương mại giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn diễn ra gay gắt, tác động xấu tới động lực tăng trưởng của nền kinh tế nước ta.
Việt Nam và Mỹ đã đạt thỏa thuận thuế quan đối ứng ở mức cơ sở 20% đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta sang Mỹ, đồng thời Việt Nam “mở cửa thị trường” cho hàng hóa Mỹ vào Việt Nam sẽ tác động nghịch tới thặng dư thương mại hàng hóa của nền kinh tế, nhưng cũng là cơ hội, động lực tái cơ cấu, thay đổi phương thức sản xuất, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong kỷ nguyên mới của đất nước.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên năm 2025,Chính phủ và các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động, linh hoạt, kịp thời thực thi các giải pháp nhằm giữ nhịp và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Thiết nghĩ, Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp và các thực thể kinh tế cần triển khai một số giải pháp:
Một là, tiếp tục đột phá trong cải cách thể chế, kiến tạo, vận hành nhà nước quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả, phục vụ doanh nghiệp. Rà soát loại bỏ tất cả những các quy định chưa phù hợp trong Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước, những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Chính phủ đồng hành cùng Quốc hội cần khẩn trương thể chế hóa, ban hành chính sách, giải pháp triển khai nhanh, hiệu quả Bộ tứ trụ cột chiến lược tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các thành phần kinh tế phát triển minh bạch, cạnh tranh lành mạnh; chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tăng cường khả năng ứng phó với biến động toàn cầu, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.
Hai là, trong bối cảnh vận hành bộ máy hành chính 3 cấp, sắp xếp lại giang sơn, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công của năm 2025. Vốn đầu tư công thực hiện sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam năm 2025, bởi động lực tăng trưởng dựa vào tiêu dùng cuối cùng phục hồi chậm, phụ thuộc và có độ trễ so với hoạt động sản xuất.
Ba là, tiêu dùng cuối cùng chiếm gần 2/3 GDP của nền kinh tế, là động lực tăng trưởng thường xuyên, lâu dài, có quy mô lớn nhất, tác động mạnh nhất, quan trọng nhất đối với tăng trưởng của nền kinh tế. Tổng cầu tiêu dùng cuối cùng tăng đồng nghĩa với tháo gỡ khó khăn về tìm kiếm thị trường cho khu vực doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, giảm bớt sự phụ thuộc vào tổng cầu thế giới.
Chính phủ và các địa phương cần nắm bắt xu hướng, tận dụng thời cơ, phát huy tối đa các yếu tố thúc đẩy tiêu dùng là giải pháp quan trọng đặc biệt đối với tăng trưởng kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo.
Với thay đổi về hệ giá trị cuộc sống, xu hướng tiêu dùng của nền kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo tập trung vào trải nghiệm cá nhân, ưu tiên cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giải trí và thư giãn phù hợp lối sống của trào lưu công nghệ hiện đại.
Chính phủ và địa phương cần có giải pháp kinh tế hữu hiệu đáp ứng sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân; đặc biệt trong các dịp lễ hội, đồng thời có chính sách quảng bá, ưu đãi nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam để tăng tổng cầu trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội như: giảm thuế thu nhập cá nhân; nâng mức thu nhập chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh; tăng cường các đợt khuyến mại với mục tiêu Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Chính phủ cần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp, tránh lạm phát kỳ vọng, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy chi tiêu.
Bốn là, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp khai thác hiệu quả, tận dụng lợi thế của các FTA để gia tăng xuất khẩu thay thế lượng suy giảm đối với thị trường Mỹ.
Các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó khác nhau và tìm kiếm giải pháp để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ.
Cùng với đó, Chính phủ cần có chiến lược chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu; tập trung phát triển xuất khẩu dịch vụ nhằm xử lý thực trạng nền kinh tế luôn nhập siêu dịch vụ, đặc biệt thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ mấy năm gần đây luôn ở mức cao.
Năm là, cơ cấu lại nền kinh tế, kiến tạo mô hình kinh tế mới ưu việt, như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế thế giới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tạo động lực mới cho phát triển.
Cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện dựa trên đánh giá năng lực thực tế, tiềm năng và xu hướng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, đặt trong xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu, từ đó có chính sách và giải pháp tập trung nguồn nhân lực, vật lực và tài lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế.
Với tinh thần chủ động, linh hoạt, ứng phó hiệu quả với những bất ổn, biến động nhanh, khó lường đối với những diễn biến chính trị, kinh tế thế giới; thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm và 3 tăng tốc đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kinh tế Việt Nam sẽ hóa giải thành công những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội mới, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong kỷ nguyên mới của dân tộc./.
Nguyễn Bích Lâm
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Nguồn Chính Phủ : https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/kinh-te-6-thang-2025-thuc-hien-tu-duy-phat-trien-toan-dien-tao-nen-tang-cho-tang-truong-nhanh-hon-ben-vung-hon-119250706162050482.htm