Kinh tế Hà Nam hội nhập quốc tế: Những chuyển biến tích cực

Kinh tế Hà Nam hội nhập quốc tế: Những chuyển biến tích cực
17 giờ trướcBài gốc
Cùng với đó, thường xuyên duy trì, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương nước ngoài như tỉnh U Đôm Xay (Lào), tỉnh Gyeonggi-do (Hàn Quốc), tỉnh Kanagawa và Hyogo (Nhật Bản) cũng như với Đại sứ quán các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Australia… Riêng năm 2024, UBND tỉnh đã phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức các chương trình giao lưu biểu diễn văn hóa dân gian Ấn Độ và nghệ thuật truyền thống Hà Nam tại Khu Du lịch Tam Chúc (phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng) và phố đi bộ Phủ Lý (phường Châu Cầu, TP Phủ Lý), thu hút đông đảo nhân dân đón xem. Từ đó tạo điểm nhấn văn hóa của tỉnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh và giới thiệu những nét đẹp văn hóa của đất nước, con người Việt Nam nói chung, tiềm năng, thế mạnh của Hà Nam nói riêng đến với bạn bè quốc tế.
Nhờ làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, trên địa bàn ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào tỉnh. Trong ảnh: Công ty Cổ phần Elmich, Cụm Công nghiệp An Mỹ - Đồn Xá (Bình Lục) thu hút, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Hân Hân
Là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 93 và Chỉ thị số 38, thời gian qua, Sở Công thương tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành liên quan triển khai chương trình, kế hoạch về hội nhập kinh tế quốc tế; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA), xuất nhập khẩu hàng hóa; tổ chức các hội nghị, hội thảo hướng dẫn doanh nghiệp triển khai quy tắc xuất xứ hàng hóa theo các FTA; tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua hoạt động kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước…
Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật. Năm 2024, Hà Nam vinh dự được tổ chức Du lịch thế giới vinh danh là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” và Giải thưởng Special Achievement Award 2024 (Giải thưởng thành công đặc biệt về du lịch năm 2024). Với lợi thế này, tổng khách du lịch đến với Hà Nam trong năm 2024 ước đạt 4,731 triệu lượt người, trong đó riêng lượng khách quốc tế ước đạt 147,3 nghìn lượt.
Bên cạnh lĩnh vực văn hóa, du lịch, năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh cũng đạt thành tựu nổi bật. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 9.580 triệu USD, tăng 27,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 8.150 triệu USD, tăng 29,8% so với năm 2023. Trong 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.712,5 triệu USD, tăng 31,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2024… Hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu sang các nước đối tác đã ký kết các hiệp định FTA với Việt Nam và đều tăng trưởng qua các năm. Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường các nước thành viên của Hiệp định FTA như: Điện tử; hạt nhựa, sản phẩm từ nhựa; may mặc và hàng hóa phụ trợ; khoáng sản. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ thị trường các nước thành viên của Hiệp định FTA gồm: Nguyên liệu, vật tư sản xuất thiết bị điện tử, hạt nhựa, sản phẩm từ nhựa, may mặc và hàng hóa phụ trợ, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi… Điểm đáng chú ý là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến có hàm lượng công nghệ cao, giảm tỷ trọng xuất khẩu hàng gia công.
Trên dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Yoowon Vina, Khu Công nghiệp Châu Sơn (thành phố Phủ Lý). Ảnh: Lê Yến
Việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 93 và Chỉ thị số 38 cũng mang lại kết quả tích cực trong công tác thu hút đầu tư. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, tính từ đầu năm 2024 đến nay, các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút được trên 100 dự án đầu tư mới, nâng tổng số dự án hiện nay lên 667 dự án, gồm 386 dự án FDI và 281 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 7,1 tỷ USD và trên 58.300 tỷ đồng. Trong đó, tốp các lĩnh vực thu hút đầu tư chính là điện tử, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo…
Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… trên địa bàn tỉnh mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo cơ hội để doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua việc triển khai thực hiện các hiệp định FTA cũng cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều bày tỏ sự hưởng ứng với những thay đổi tích cực về môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính bên cạnh những ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định FTA.
Từ những kết quả nổi bật đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 93 và Chỉ thị số 38 cho thấy, công tác hội nhập kinh tế quốc tế luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Việc tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới giúp hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau, nhất là các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ…
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các Hiệp định FTA thế hệ mới để tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn. Cùng với đó, đổi mới phương thức thu hút đầu tư, trong đó chú trọng thu hút các dự án FDI đến từ các nước có công nghệ cao, vốn đầu tư lớn, thân thiện môi trường; tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch nhằm quảng bá rộng rãi hình ảnh, lịch sử văn hóa, con người Hà Nam đến với bạn bè trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tỉnh cũng sẽ tập trung đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, đưa vào sử dụng các dự án trọng điểm có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng dịch vụ, thương mại, du lịch; tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật hiện hành và cam kết trong các Hiệp định FTA…
Nguyễn Oanh
Nguồn Hà Nam : https://baohanam.com.vn/kinh-te/kinh-te-ha-nam-hoi-nhap-quoc-te-nhung-chuyen-bien-tich-cuc-160445.html