Kinh tế Hà Nội đang có những bứt phá

Kinh tế Hà Nội đang có những bứt phá
4 giờ trướcBài gốc
Hà Nội phát triển mạnh du lịch thông qua các chương trình, sự kiện hấp dẫn trải đều hàng tháng. Ảnh: Nguyễn Ly
Kinh tế phục hồi rõ nét
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III của Hà Nội ước tính tăng 6,06% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, GRDP tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2023 tăng 5,99%).
Thu NSNN trên địa bàn tăng 23,1% và đạt 8% dự toán cả năm; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 34,9%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 14,2%; khách du lịch đến Thủ đô gần 4,6 triệu lượt người, tăng 31,3%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 10,5%, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP (9 tháng năm 2023 tăng 5,99%). Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 5,74% so cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,15 điểm % vào mức tăng GRDP (9 tháng năm 2023 tăng 4,64%).
Khu vực dịch vụ 9 tháng ước tăng 6,76% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 4,53 điểm % vào mức tăng GRDP (9 tháng năm 2023 tăng 7,02%), trong đó một số ngành tăng trưởng khá, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 17,22%, đóng góp 0,61 điểm %; bán buôn, bán lẻ tăng 8,56%, đóng góp 0,87 điểm %; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 7,55%, đóng góp 0,13 điểm %; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 7,38%, đóng góp 0,77 điểm %; giáo dục và đào tạo tăng 6,61%, đóng góp 0,23 điểm %; khoa học và công nghệ tăng 6,49%, đóng góp 0,4 điểm %. Các ngành dịch vụ khác tiếp tục duy trì tăng trưởng.
Thành phố triển khai công tác phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại; kết nối về thương mại điện tử với chủ đề “Doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên số”; tiếp tục chỉ đạo công tác bình ổn giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; tập trung cung cấp hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân nhất là trong dịp lễ; chỉ đạo kịp thời đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa; hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho nhân dân một số địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và tình hình mưa, lũ phức tạp sau bão.
Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi ấn tượng với tổng kim ngạch 9 tháng đạt 44,9 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 14,4 tỷ USD, tăng 16,8%; nhập khẩu đạt 30,5 tỷ USD, tăng 13%. Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ trong 9 tháng năm nay: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD, tăng 25,4%; hàng dệt may đạt 1,8 tỷ USD, tăng 11%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,7 tỷ USD, tăng 29,2%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 1,7 tỷ USD, tăng 10,4%.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục khả quan. Thành phố thu hút 1,5 tỷ USD vốn FDI, trong đó: đăng ký cấp mới 197 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 143 lượt tăng vốn đầu tư với 220,7 triệu USD; 178 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 208,2 triệu USD.
Sớm đưa Luật Thủ đô đi vào cuộc sống
Tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội quý III năm 2024, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú cho biết, quý IV/2024, Thành phố sẽ tập trung hoàn thành các nhiệm vụ đề ra tại các kế hoạch: Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát; nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh quý III và các tháng cuối năm 2024. Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và kế hoạch trung hạn 2021-2025. Triển khai công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, ứng dụng phục vụ chuyển đổi số; mở rộng hệ sinh thái số các dịch vụ ngân hàng kết nối các ngành, lĩnh vực. Chú trọng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy mạnh lưu thông các sản phẩm hàng hóa của Hà Nội, nhất là sản phẩm OCOP. Hoàn thành Chương trình chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2030.
Tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi); phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành Trung ương tham mưu các nghị định, nghị quyết, quyết định triển khai thực hiện để Luật sớm đi vào cuộc sống. Thực hiện công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng kế hoạch thực hiện 02 quy hoạch ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thành phố cũng sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các dự án khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung). Ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2025 và điều chỉnh Chương trình Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025; Hoàn thiện Đề án nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ tái định cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Kiểm tra tiến độ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các Dự án cấp nước sạch. Tập trung khắc phục hậu quả của siêu bão YAGI; hoàn thành xây dựng Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 04 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét.
Đặc biệt, Thành phố tập trung triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), trong đó tập trung chuỗi các hoạt động cao điểm vào dịp 10/10. Đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội; hỗ trợ khắc phục hậu quả của siêu bão YAGI; Triển khai xây sửa nhà hộ nghèo, cận nghèo thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội; Xây dựng Bộ chỉ số CCHC áp dụng đối với các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại Thành phố và các đơn vị sự nghiệp công lâp trực thuộc UBND Thành phố; Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Đảm bảo quốc phòng, an ninh; Tổ chức hiệu quả các hoạt động Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân; Tăng cường công tác trật tự an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà trọ và các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; Duy trì tốt công tác đối ngoại.
Chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố khóa 18 nhiệm kỳ 2025-2030; xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025; Kế hoạch tài chính, ngân sách năm 2025 và 3 năm 2025-2027; Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và 5 năm 2026-2030./.
THÙY LÊ
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/kinh-te-ha-noi-dang-co-nhung-but-pha-35217.html