Kinh tế Mỹ Sự mong manh ẩn sau những con số đẹp

Kinh tế Mỹ Sự mong manh ẩn sau những con số đẹp
13 giờ trướcBài gốc
Nguồn: Bloomberg/Washington Post/Getty Images
Sáu tháng sau khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, những lo ngại ban đầu về chủ nghĩa bảo hộ và chính sách tăng thuế nhập khẩu dường như đã lắng xuống nhờ một vài số liệu khả quan gần đây: tăng trưởng việc làm vượt dự báo, lạm phát chỉ tăng nhẹ, chỉ số S&P 500 liên tiếp lập kỷ lục, và mùa báo cáo lợi nhuận quý II của các tập đoàn lớn mang đến kết quả “tốt hơn mong đợi”.
Nhưng đằng sau vẻ bề ngoài tươi sáng đó là một nền kinh tế mong manh, đang đối mặt với nhiều dấu hiệu suy yếu nghiêm trọng. Sau đây là phân tích của các chuyên gia từ Financial Times về các chỉ dấu đáng lo ngại của nền kinh tế Mỹ.
Thị trường lao động: những con số "đánh lừa"
Báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP) gần đây liên tục vượt kỳ vọng ban đầu, trở thành lý do để thị trường chứng khoán bứt phá. Nhưng con số này cũng dễ gây hiểu nhầm: từ tháng 2 đến nay, nền kinh tế Mỹ tạo ra 671.000 việc làm mới, nhưng phần lớn số việc làm này, lên tới 2/3, đến từ các ngành kém năng động như y tế, giáo dục và chính phủ.
Tháng 6, chỉ số khuếch tán việc làm khu vực tư nhân đã rơi xuống dưới mốc 50, nghĩa là số ngành giảm việc làm đã vượt số ngành tăng. Điều này rất hiếm xảy ra trong lịch sử kinh tế Mỹ.
Ông Peter Berezin, Chiến lược gia trưởng tại BCA Research cảnh báo, thị trường lao động Mỹ đang tiến gần đến điểm sụt giảm, nơi chỉ một cú sốc nhẹ từ phía cầu có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. “Đến nay, giới chủ Mỹ phản ứng với bất ổn và lãi suất cao bằng cách ngừng tuyển dụng”, ông nói. “Nhưng khi số lượng vị trí tuyển dụng trở về mức bình thường, người lao động bị sa thải sẽ khó tìm được công việc mới”.
Thêm vào đó, dữ liệu việc làm Mỹ ngày càng không đáng tin, một phần do tỷ lệ phản hồi khảo sát ngày càng thấp. Trong năm 2024, các báo cáo NFP đã bị thổi phồng trung bình khoảng 75.000 việc làm mỗi tháng. Báo cáo sau đó đã phải điều chỉnh giảm, dù những điều chỉnh này thường không thu hút được sự chú ý của thị trường.
Nhà đất: "cơn đau" dội ngược từ lãi suất cao
“Bất động sản là lĩnh vực nhạy cảm nhất với lãi suất trong nền kinh tế, và thường là lĩnh vực kéo nền kinh tế vào suy thoái”, Mark Zandi, Kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics nhận định.
Phần lớn các khoản vay thế chấp tại Mỹ là khoản vay cố định 30 năm. Tỷ lệ vay linh hoạt đã giảm mạnh kể từ sau khủng hoảng 2008. Điều đó khiến tác động của lãi suất cao đến nền kinh tế diễn ra chậm hơn. Nhưng giờ là thời điểm nền kinh tế bắt đầu cảm nhận “cơn đau” từ lãi suất cao.
Người mua nhà lần đầu đang phải chi một khoản cao hơn cả thời kỳ bong bóng bất động sản năm 2006 để trả nợ thế chấp. Tỷ lệ khoản vay với lãi suất trên 6% đã tăng vọt sau đại dịch. Theo cơ sở dữ liệu của Cơ quan Tài chính nhà ở liên bang (FHFA), khoảng 20% chủ sở hữu nhà ở Mỹ có khoản vay thế chấp hiện đang phải trả lãi suất từ 6% trở lên - mức cao nhất kể từ năm 2016. Trong khi đó, số lượng nhà mới chưa bán được cũng ở mức cao nhất kể từ thời khủng hoảng tài chính.
Tiêu dùng: cỗ máy tăng trưởng đang "hụt hơi"
Sau giai đoạn bùng nổ hậu đại dịch, chi tiêu thực tế đã giảm liên tiếp kể từ tháng 12/2024. Ban đầu, xu hướng này bắt nguồn từ thực trạng các hộ thu nhập thấp bị tác động bởi lãi suất và giá cả tăng do thuế quan. Nhưng đến nay, ngay cả tầng lớp giàu - vốn chiếm hơn 60% tổng chi tiêu cá nhân, cũng đang giảm chi.
Theo Pantheon Macroeconomics, toàn bộ các nhóm thu nhập hiện đều đã gần cạn tiền tiết kiệm từ thời kỳ đại dịch. Chính lượng tiền này từng giúp tiêu dùng Mỹ duy trì sức bật trong hai năm qua.
Và giờ đây, Luật giảm thuế khổng lồ có tên “Vĩ đại, tuyệt vời” mà Tổng thống Donald Trump vừa ký ban hành sẽ càng khó vực dậy sức mua. Theo Mô hình Ngân sách Penn Wharton, luật này sẽ làm giảm thu nhập ròng của hai nhóm thu nhập thấp nhất vào năm 2030. Trong khi đó, các hộ gia đình có thu nhập cao hơn sẽ được hưởng lợi, nhưng chủ yếu là gián tiếp từ việc tăng lợi nhuận doanh nghiệp, nhưng bản thân họ cũng có xu hướng tiết kiệm hơn là chi tiêu.
Thị trường chứng khoán: vẻ hào nhoáng ảo của nền kinh tế
Chỉ số S&P 500 tiếp tục thăng hoa, nhưng thực tế là nó ngày càng tách rời khỏi diễn biến kinh tế nội địa. Sự thống trị của nhóm "Magnificent Seven" (các cổ phiếu của 7 ông lớn công nghệ) khiến chỉ số này phản ánh nhiều hơn kỳ vọng về AI, toàn cầu hóa và lợi nhuận ngoài nước hơn là "sức khỏe" kinh tế Mỹ. Hơn nữa, khoảng 40% lợi nhuận của các công ty niêm yết trong S&P 500 hiện đến từ nước ngoài, khiến chỉ số này phản ánh ít hơn về kinh tế nội địa.
Trong khi đó, chỉ số S&P 600 - chỉ số của các công ty vốn hóa nhỏ của Mỹ đã sụt giảm kể từ khi Tổng thống Trump bắt đầu nhiệm kỳ hai, ngược với xu hướng của nhóm công ty lớn. Điều này cho thấy doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chịu áp lực thực sự.
Thêm vào đó, hơn 40% doanh nghiệp trong ngành sản xuất và dịch vụ sử dụng hàng hóa nhập khẩu đã báo cáo lợi nhuận giảm do tác động từ thuế quan, theo khảo sát mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang New York.
Chính sách thương mại: "quả bom hẹn giờ" thuế quan
Hiện tại, mức thuế nhập khẩu tại Mỹ là 16,6%, cao gấp 7 lần so với năm ngoái. Nếu không có gì thay đổi, mức này sẽ tăng lên 20,6% từ ngày 1/8.
Tác động lạm phát của mức thuế cao hiện tại chưa thể tính toán, vì doanh nghiệp vẫn đang sử dụng hàng tồn kho nhập trước khi thuế được áp dụng. Nhưng theo dữ liệu từ Đại học Thương mại Harvard, giá bán lẻ giữa hàng hóa có chịu thuế và không chịu thuế đang ngày càng tách biệt rõ rệt. Điều này khó nhận thấy hơn trong các báo cáo lạm phát hàng tháng, vốn tổng hợp một loạt các sản phẩm nhập khẩu và không nhập khẩu.
Ngay cả khi Tổng thống Donald Trump trì hoãn áp dụng các mức thuế mới, hàng tồn kho sẽ dần cạn kiệt trong mùa hè và giá cả chắc chắn sẽ leo thang dựa trên các mức thuế đã áp dụng.
Vì vậy, con số lợi nhuận quý II khả quan không phải là chỉ báo đáng tin cho bức tranh kinh tế tương lai. Các nhà phân tích lưu ý, đà tăng của S&P 500 hiện đang dựa trên kỳ vọng vào AI và giả định rằng ông Trump sẽ “rút lại đòn thuế quan vào phút chót” - điều được giới phân tích gọi là chiến lược “TACO” (Trump Always Chickens Out - tạm dịch là Tổng thống Trump luôn chùn bước). Tuy nhiên, niềm tin này rất có thể sẽ bị đảo ngược và khi đó, chứng khoán Mỹ có thể đối mặt với rủi ro điều chỉnh sâu.
"Nước ấm nấu ếch" và nguy cơ cái chết thầm lặng
Dưới vẻ bề ngoài lạc quan, nền kinh tế Mỹ giống như "con ếch đang bị nấu từ từ". Câu chuyện ngụ ngôn này nói về một con ếch bị thả vào một nồi nước lạnh. Do nước ấm lên từ từ, con ếch vẫn thấy dễ chịu. Đến khi nước sôi, ếch muốn nhảy ra nhưng đã quá muộn, nó không còn đủ sức nữa.
Thị trường việc làm, nhà đất và tiêu dùng đều đang chậm lại và tiềm ẩn những dấu hiệu nguy hiểm. Sự lạc quan từ phố Wall và các tập đoàn lớn đang che lấp điểm yếu ngày càng rõ ràng ở tầng đáy của nền kinh tế.
Môi trường chính sách hiện tại vừa không thân thiện với đầu tư, vừa không đủ mạnh để bảo vệ nền kinh tế. Cục Dự trữ liên bang (Fed) không thể giảm lãi suất trong bối cảnh lạm phát còn lởn vởn. Thêm vào đó, ý định của Tổng thống Donald Trump muốn sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell - dù chưa thực hiện - đã khiến lãi suất dài hạn tăng mạnh và làm giảm giá cổ phiếu Mỹ vốn đang bị định giá quá cao. Trong khi đó, tổng thống tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ với gói thuế mới mà hiệu quả kích cầu rất hạn chế.
Các chuyên gia cho rằng, nếu Tổng thống Donald Trump không nhanh chóng trển khai chương trình nghị sự bảo hộ của mình, rất khó để tránh được viễn cảnh “ngôi nhà bằng giấy” sụp đổ.
Quốc Đạt
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/kinh-te-my-su-mong-manh-an-sau-nhung-con-so-dep-10380476.html