Kinh tế Mỹ trở nên khó đoán định sau bầu cử

Kinh tế Mỹ trở nên khó đoán định sau bầu cử
3 giờ trướcBài gốc
Các container hàng hóa tại cảng Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Một số nhà kinh tế hiện cho rằng kinh tế Mỹ có thể phải đối mặt với sự gia tăng của lạm phát nếu ông Trump thực hiện đầy đủ các cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình.
Trả lời phỏng vấn Yahoo Finance, ông Joseph Stiglitz, nhà kinh tế đoạt giải Nobel kiêm Giáo sư tại Đại học Columbia, cho rằng kinh tế Mỹ đang ở trong giai đoạn "hạ cánh mềm", song giai đoạn này có thể sẽ kết thúc vào ngày 20/1/2025, khi ông Trump chính thức nhậm chức.
Ông Trump và các chính sách mà ông đề xuất có khả năng gây lạm phát cao hơn, do các cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông bao gồm việc áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu, cắt giảm thuế cho doanh nghiệp và hạn chế nhập cư. Các chính sách này có thể tạo áp lực lớn lên thâm hụt ngân sách liên bang vốn đang ở mức cao và khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải xem xét lại đường hướng lãi suất.
Nhà kinh tế Jan Hatzius của ngân hàng Goldman Sachs, nhận định rủi ro lớn nhất hiện nay là việc áp thuế toàn diện, điều có thể tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế.
Bà Jennifer McKeown, nhà kinh tế tại công ty tư vấn Capital Economics, thừa nhận lạm phát có nguy cơ tăng, chủ yếu do các chính sách thuế quan và hạn chế nhập cư mà ông Trump đề xuất.
Thuế quan là một trong những cam kết được ông Trump nhắc đến nhiều nhất trong chiến dịch tranh cử. Tổng thống đắc cử Mỹ đã cam kết sẽ áp thuế ít nhất 10% đối với tất cả các đối tác thương mại và 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Stiglitz nhấn mạnh mức thuế này chắc chắn sẽ gây lạm phát.
Ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, lưu ý khả năng các quốc gia khác trả đũa như một cuộc chiến thương mại sẽ duy trì lạm phát ở mức cao trong dài hạn.
Theo ông Stiglitz, nếu lạm phát gia tăng, Fed sẽ phải tăng lãi suất. Ông cho rằng khi kết hợp lãi suất cao hơn với sự trả đũa từ các quốc gia khác, kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tồi tệ nhất: Kinh tế vừa gánh lạm phát, vừa đình trệ hoặc tăng trưởng chậm.
Các nhà đầu tư đã bắt đầu điều chỉnh dự đoán về việc cắt giảm lãi suất của Fed. Theo công cụ FedWatch của CME, từ lần cắt giảm đầu tiên vào ngày 18/9 vừa qua, thị trường kỳ vọng Fed sẽ có ít nhất ba lần cắt giảm lãi suất vào năm tới.
Hiện nay, kinh tế Mỹ vẫn duy trì sự ổn định bất chấp các đợt tăng lãi suất. Doanh thu bán lẻ trong tháng Mười đã vượt qua dự báo, GDP tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng ổn định, tỷ lệ thất nghiệp dao động ở mức khoảng 4%, và lạm phát xuống 2%.
Một yếu tố khác cần lưu ý là hiện vẫn chưa rõ chính sách nào sẽ được ưu tiên khi ông Trump chính thức nhậm chức vào tháng 1/2025. Điều này khiến cho các dự đoán về nền kinh tế Mỹ trong tương lai trở nên khó khăn.
Trà My (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/kinh-te-my-tro-nen-kho-doan-dinh-sau-bau-cu-20241118131222439.htm