Kinh tế tư nhân là động lực để phát triển đất nước

Kinh tế tư nhân là động lực để phát triển đất nước
5 giờ trướcBài gốc
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt. Ảnh: Diệp Chi
Tuy nhiên, quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng lại bị các thế lực bẻ cong sự thật, xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phủ nhận vai trò của kinh tế Nhà nước. Dưới góc nhìn về kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt đã phân tích, khẳng định vai trò của kinh tế Nhà nước, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân đối với sự phát trển của đất nước, cũng như đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
- Thưa ông, với việc ra đời Nghị quyết 68 thì chúng ta đã chính thức thừa nhận và xác lập vị thế, vai trò to lớn của kinh tế tư nhân, coi đó là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Thế nhưng lại có ý kiến, quan điểm cho rằng, trong chế độ XHCN như ở Việt Nam thì kinh tế tư nhân không được coi trọng, không có cơ hội vươn lên phát triển. Ông có bình luận gì về quan điểm này?
- Trước hết, chúng ta cũng thấy rằng, từ khi đổi mới năm 1986, Đại hội Đảng cũng đã mở ra một sự đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước thông qua việc thừa nhận nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, trong đó có các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Qua đó, xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp. Và từ Đại hội Đảng lần thứ VIII trở đi, chúng ta chính thức thừa nhận kinh tế thị trường định hướng XHCN, xem đây là một mô hình tổng quát trong quá trình chúng ta tiến lên CNXH. Vậy phải thấy một điều, kinh tế thị trường là một sự tồn tại tất yếu, khách quan và không phải chỉ gắn với mỗi chủ nghĩa tư bản. Và trong quá trình chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường, dần dần chúng ta cũng đã tạo dựng một sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Và chúng ta cũng hỗ trợ thúc đẩy thông qua việc cải thiện thể chế và đặc biệt là những chính sách để hỗ trợ cho sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân. Qua đó, cùng với sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thì khu vực kinh tế tư nhân đã vươn lên và xứng tầm, dần dần được thừa nhận là một trong những động lực của nền kinh tế. Và đến bây giờ, chính thức với Nghị quyết 68, chúng ta thừa nhận nền kinh tế tư nhân đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
- Vâng, thưa ông, trong khi chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN thì Nghị quyết 68 lại khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Vậy theo ông, việc chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN với việc xác định vai trò của kinh tế tư nhân như vậy có mâu thuẫn với nhau không?
- Chúng ta thấy rằng, quá trình thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân, chúng ta ghi nhận sự bình đẳng, phát triển của khu vực kinh tế tư nhân không mâu thuẫn với định hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN của chúng ta, với một mục tiêu: Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Thực ra, kinh tế thị trường là thành tựu chung của nhân loại. Mục tiêu phát triển kinh tế thị trường là vì xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường và tất cả vì mục tiêu phát triển của đất nước và để cho người dân được thụ hưởng những thành quả của phát triển kinh tế, trong đó có phát triển kinh tế thị trường. Với chủ trương như vậy, rõ ràng, sự phát triển con người vì tiến bộ, vì văn minh và cũng vì mục tiêu công bằng thì việc phát triển kinh tế thị trường không mâu thuẫn và không phải là yếu tố đi ngược lại quan điểm về xây dựng và định hướng XHCN.
- Có nghĩa là trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta luôn hài hòa giữa phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, chứ không đơn thuần là chỉ tăng trưởng kinh tế, đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá như một số đối tượng đang xuyên tạc...
Các doanh nghiệp tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ những người có thu nhập thấp, những lao động phổ thông có việc làm, nâng cao thu nhập. Ảnh: Thu Trang
- Đúng vậy, thế giới cũng đã thừa nhận, bên cạnh thành tựu đã đạt được trong quá trình xây dựng kinh tế thị trường về mặt tăng trưởng kinh tế, hoàn thiện môi trường thể chế kinh tế thị trường thì Việt Nam cũng là một quốc gia đi đầu trong việc đảm bảo an sinh xã hội, công bằng xã hội, phúc lợi xã hội và trật tự xã hội. Và bên cạnh đó, chúng ta cũng có mục tiêu phát triển hài hòa cả về văn hóa, xã hội và môi trường sống. Đó chính là những yếu tố mà thế giới đang theo đuổi và Việt Nam cũng đang thực hiện.
- Có phải xây dựng nền kinh tế thị trường thì phải để thị trường phát triển tự do, Nhà nước không can thiệp, điều tiết thị trường như lập luận của một số người đang hô hào trên mạng xã hội, thưa ông?
- Chúng ta xây dựng một nền kinh tế thị trường, nhưng chúng ta phải nhấn mạnh vào vai trò chủ thể quản lý của Nhà nước. Bởi vì kể cả đối với các Nhà nước tư bản thì người ta cũng thừa nhận có những thất bại của thị trường, có những vấn đề mà thị trường không thể giải quyết được. Và do vậy, vẫn cần sự can thiệp của khu vực công, cần đến nguồn lực của Nhà nước. Trong đó, sự huy động, sự đóng góp của các chủ thể chung xã hội và sử dụng các nguồn lực thuộc sở hữu Nhà nước để cân bằng, để khắc phục những hạn chế hoặc những thất bại của kinh tế thị trường. Mà trong đó, vấn đề xóa bỏ khoảng cách, sự bất bình đẳng hoặc giúp đỡ những đối tượng yếu thế, những đối tượng bị tụt lại, bỏ lại ở phía sau thông qua bệ đỡ là an sinh xã hội và sự trợ giúp xã hội cũng như những dịch vụ công ích của Nhà nước là vô cùng quan trọng.
- Theo ông, thừa nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân có đồng nghĩa với việc thừa nhận quan hệ sản xuất tư bản, hay nói cụ thể hơn là quan hệ bóc lột trong quan hệ sản xuất?
- Đối với Việt Nam, bên cạnh khu vực doanh nghiệp với hơn 900 nghìn doanh nghiệp được tạo dựng trong quá trình phát triển kinh tế thị trường thì còn có 5 triệu hộ và cá nhân kinh doanh. Việc hài hòa và ghi nhận khu vực kinh tế tư nhân trong Nghị quyết 68 còn bao hàm việc hỗ trợ để khu vực doanh nghiệp nói chung, kinh tế tư nhân và đặc biệt là khu vực hộ và cá nhân kinh doanh có năng lực cạnh tranh, vươn lên trong sản xuất kinh doanh để đáp ứng tốt hơn trong điều kiện phát triển hội nhập kinh tế quốc tế và tăng cường tự lực, tự cường của kinh tế Việt Nam. Chúng ta phải thấy rằng, kinh tế tư nhân bao gồm kinh tế cá thể, hộ kinh doanh còn đóng vai trò là bệ đỡ an sinh xã hội, hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp, những lao động phổ thông có những điều kiện để tham gia vào lực lượng lao động, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp những bất trắc, những bất ổn thì khu vực kinh tế cá thể và hộ kinh doanh là bệ đỡ về an sinh xã hội, tạo ra thu nhập ổn định và lưới an sinh, và cũng để tạo ra nền tảng cung cấp ổn định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu với giá cả phải chăng cho lực lượng thu nhập thấp hoặc người nghèo trong xã hội.
- Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Diệp Chi (thực hiện)
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/kinh-te-tu-nhan-la-dong-luc-de-phat-trien-dat-nuoc-post491880.html