Kinh tế tư nhân lập tức chuyển biến mạnh

Kinh tế tư nhân lập tức chuyển biến mạnh
4 giờ trướcBài gốc
Ngay sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã đồng loạt vào cuộc với tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Những chuyển động về chính sách đã nhanh chóng lan tỏa thành hành động cụ thể trên thực địa
Ngày 20-5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho hãng hàng không Sun Phu Quoc Airways, do Công ty TNHH Hàng không Mặt trời Phú Quốc làm chủ đầu tư. Dự án được đặt tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), có tổng vốn đầu tư sơ bộ 2.500 tỉ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 1.000 tỉ đồng, dự kiến sẽ đi vào khai thác các chuyến bay thương mại từ tháng 12-2025.
Những chuyển động nhanh chóng, tích cực
Đáng chú ý, dự án từ khi chuẩn bị đầu tư, xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không đến khi được chấp thuận chủ trương chỉ vỏn vẹn 2 tháng. Điều này thể hiện sự nhanh nhạy, khẩn trương của Chính phủ trong việc cụ thể hóa các chủ trương thúc đẩy kinh tế tư nhân được thể hiện trong Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Dự án Khu đô thị Đường 3 Tháng 2 tại phường 10 và 11, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Tập đoàn Sun Group khởi công chỉ sau 1 tháng đấu giá đất thành công .Ảnh: BÍCH NGỌC
Trong khi đó, Tập đoàn Sun Group cuối tuần qua đã tổ chức lễ khởi công dự án Khu đô thị Đường 3 Tháng 2 tại phường 10 và 11, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ sau 1 tháng đấu giá đất thành công. Đây là một trong những dự án đô thị phức hợp có quy mô lớn nhất từng được triển khai tại địa phương này, với tổng diện tích khoảng 96 ha và tổng mức đầu tư gần 37.000 tỉ đồng. Theo thông tin từ Sun Group, sau khi hoàn thiện, khu đô thị dự kiến đáp ứng chỗ ở cho khoảng 13.000 cư dân thường trú và đón tiếp khoảng 11.000 khách du lịch mỗi ngày.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group, nhấn mạnh việc đẩy nhanh triển khai dự án là sự khẳng định cam kết đầu tư dài hạn tại địa phương và thể hiện rõ tinh thần của Nghị quyết 68 là "lấy kinh tế tư nhân làm động lực then chốt, tháo gỡ rào cản, tạo không gian chính sách cởi mở và thúc đẩy sự sáng tạo".
Theo ông, chính sự đồng hành chặt chẽ từ Trung ương đến chính quyền địa phương đã tiếp thêm niềm tin để doanh nghiệp (DN) mạnh dạn hiện thực hóa những ý tưởng lớn, đồng thời cam kết triển khai dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Với khí thế đó, tập đoàn này tiếp tục công bố kế hoạch đầu tư hàng loạt dự án quy mô lớn khác tại các khu đất "vàng" của tỉnh.
Cũng được thúc đẩy từ tinh thần của Nghị quyết 68, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed (thành viên mới trong hệ sinh thái Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng) đã mạnh dạn đăng ký triển khai tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư lên tới hơn 61 tỉ USD.
VinSpeed cho biết sẽ nỗ lực để khởi công dự án ngay trong năm 2025 và đưa toàn tuyến vào vận hành trước cuối năm 2030. Công ty cũng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác công nghệ đường sắt hàng đầu thế giới để chuyển giao công nghệ, sản xuất đầu máy, toa xe và hệ thống điều khiển tại Việt Nam.
Bà Đào Thụy Vân, Phó Tổng Giám đốc VinSpeed, cho biết DN cam kết nỗ lực hết sức, quyết liệt sáng tạo và hành động để phát triển dự án. Đồng thời, sẽ hợp tác sâu rộng với các DN trong nước, xây dựng đồng thời toàn tuyến và cùng nhau phát triển ngành công nghiệp đường sắt cao tốc của Việt Nam.
Theo VinSpeed, đây là hành động cụ thể hưởng ứng Nghị quyết số 57-NQ/TW về đẩy mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước.
Chưa dừng lại ở đó, Tập đoàn Vingroup cũng đang xúc tiến một dự án khác. Đó là tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm TP HCM với huyện Cần Giờ. Với tổng vốn đầu tư khoảng 4,09 tỉ USD, dự án được kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn về hạ tầng cho khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố.
Ngoài ra, mới đây liên danh Tập đoàn Đại Dũng, Tổng Công ty Xây dựng số 1 và Tập đoàn Hòa Phát cũng đã có văn bản gửi UBND TP HCM đề xuất làm tổng thầu EPC thi công các dự án đường sắt tại TP HCM.
Cụ thể, liên danh này mong muốn tham gia vào việc đầu tư và xây dựng các dự án đường sắt như tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến đường sắt thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên…
Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn
Tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân mới đây, doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco, cho rằng việc Nghị quyết xác định "kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia" là sự thay đổi mang tính chiến lược, đột phá, với tầm nhìn bao trùm, nhận định đúng về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, xóa bỏ triệt để quan điểm, nhận thức, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân.
"Chúng tôi thấy rằng đây là cuộc cách mạng toàn diện, mang tính giải phóng khu vực kinh tế tư nhân, như nắng hạn gặp cơn mưa rào mà bao năm nay DN tư nhân rất mong đợi. Khi nhiều vấn đề khiến chúng tôi bức xúc, muốn cống hiến mà không thể làm được, nhiều lúc bị bó tay bó chân" - ông Vũ Văn Tiền nói.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả, doanh nhân này kiến nghị giao một cơ quan để đánh giá sự tuân thủ, chấp hành, thực thi Nghị quyết của các bộ ngành, cơ quan, địa phương, đồng thời tiếp nhận phản ánh của người dân và DN trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Tu Mi - Chủ tịch Hội DN quận Bình Thạnh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Mi Hồng - cho biết việc Nghị quyết 68 đã khẳng định dứt khoát kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước là một sự tiếp sức đúng lúc. Không chỉ củng cố thêm niềm tin, mà còn khơi dậy lòng tự hào của doanh nhân.
"Không ai kỳ vọng một nghị quyết sẽ thay đổi mọi thứ chỉ sau một đêm. Nhưng việc được nhà nước gọi đúng tên, đặt đúng vai và trao niềm tin, với cộng đồng DN tư nhân, đó đã là một sự ghi nhận lớn lao" - ông Nguyễn Tu Mi nói.
Từ góc nhìn chuyên gia, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) nhấn mạnh điểm cốt lõi của quá trình này là Chính phủ cần nhanh chóng cụ thể hóa các chính sách đã được ban hành thành những bước đi hành động rõ ràng, không trì hoãn vì rào cản pháp lý hay sự e ngại rủi ro.
Ông đề xuất tập trung vào việc tháo gỡ những điểm nghẽn then chốt như đất đai, tín dụng, công nghệ, nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, việc hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền tài sản hợp pháp, chống lạm dụng quyền lực từ bộ máy công quyền và nâng cao khả năng thực thi hợp đồng cần trở thành trụ cột của cải cách thể chế. Đây là điều kiện tiên quyết để bảo đảm niềm tin và an tâm của nhà đầu tư.
Theo đại diện công ty quản lý quỹ đầu tư VinaCapital, các chủ trương mới đang mở ra cơ hội lớn để DN tư nhân nâng cao năng lực quản trị, minh bạch tài chính, từ đó dễ dàng tiếp cận dòng vốn cổ phần - một xu hướng phổ biến tại các quốc gia phát triển.
Việc khơi thông dòng vốn đầu tư dài hạn sẽ thúc đẩy sáng tạo, hiện đại hóa hạ tầng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn, từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới của khu vực.
Lan tỏa nhà đầu tư nước ngoài
Không chỉ dòng vốn của DN tư nhân trong nước được khơi thông, mà dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang có dấu hiệu tích cực nhờ những chính sách khích lệ từ Nghị quyết 68.
Cụ thể, Tập đoàn KOGI và Madza Oil (Nhật Bản) cùng với một số tập đoàn đến từ khu vực Trung Đông chiều 19-5 đã tiến hành ký kết một thỏa thuận đầu tư và hợp tác chiến lược với nhiều dự án lớn tại Việt Nam. Trong số này có 2 thỏa thuận nổi bật là nhà máy lọc dầu và kho chứa dầu lớn nhất Đông Nam Á và nhà máy sản xuất linh kiện cho động cơ đốt trong triệt tiêu khí thải bằng công nghệ hydrogen. Tổng mức đầu tư dự kiến cho 2 dự án này lên tới 6 tỉ USD. Các dự án sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn tất đầy đủ thủ tục phê duyệt từ các cơ quan chức năng liên quan.
Không dừng lại ở đó, vài ngày trước, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được cũng đã tiếp ông Liew Bing Fooi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gamuda Land, trong buổi gặp gỡ xã giao nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Tại buổi tiếp, ông Liew Bing Fooi đánh giá cao môi trường đầu tư tại TP HCM, đồng thời bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến các dự án hạ tầng chiến lược, trong đó có nghiên cứu đầu tư tuyến metro kết nối TP HCM với sân bay Long Thành, cũng như các tuyến đường sắt đô thị khác trên địa bàn thành phố.
THÁI PHƯƠNG - BÍCH NGỌC
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/kinh-te-tu-nhan-lap-tuc-chuyen-bien-manh-19625052021102612.htm