May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Maxport Việt Nam, đơn vị đi đầu về đầu tư cho năng lượng tái tạo của ngành dệt may. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã nêu các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; trong đó kinh tế tuần hoàn là mô hình quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022, Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 142) đã quy định cụ thể các tiêu chí để thực hiện kinh tế tuần hoàn, trong đó khẳng định 4 tiêu chí quan trọng là hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng; kéo dài vòng đời của sản phẩm và phần liệu; giảm phát thải và rác thải ra môi trường; không gây tác động xấu về môi trường.
Mô hình kinh tế tuần hoàn được xây dựng trên cơ sở 4 tiêu chí trên là nền tảng để Việt Nam xây dựng Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng dự thảo kế hoạch này.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, Kế hoạch tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chú trọng đến kiến tạo thể chế, cụ thể hóa quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường, nhấn mạnh việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giúp doanh nghiệp tiếp cận với các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ về tài chính và công nghệ để triển khai kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về kinh tế tuần hoàn.
Bốn lĩnh vực ưu tiên được đề xuất trong Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn là lương thực thực phẩm; xây dựng; giao thông vận tải và dệt may. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), 4 lĩnh vực trên cũng là xu hướng thế giới đang hướng đến. Các nghiên cứu cho thấy, lĩnh vực lương thực thực phẩm chiếm 33% phát thải toàn cầu; xây dựng chiếm 8 - 10% phát thải toàn cầu; giao thông vận tải chiếm 8 - 10% phát thải toàn cầu. Trong lĩnh vực dệt may, mỗi năm thế giới sản xuất ra 100 tỉ sản phẩm nhưng tạo 92 triệu tấn rác thải rắn, sử dụng 93 tỉ mét khối nước và phát thải 8% toàn cầu.
Với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Cổng thông tin kinh tế tuần hoàn Việt Nam để chia sẻ các kinh nghiệm tốt nhất trên thế giới cũng như các quy định pháp luật, cách thức các nước xây dựng chiến lược và kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Thông tin về các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện kinh tế tuần hoàn tới năm 2030 và 2035, ông Nguyễn Đình Thọ cho biết trong dự thảo Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn có lộ trình chuẩn bị và thực hiện cho từng nhiệm vụ. Việt Nam đã có lộ trình cho việc thực hiện mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất; có lộ trình phân loại rác thải tại nguồn thực hiện từ ngày 1/1/2025. Liên quan đến báo cáo kiểm kê phát thải, theo quy định, đến tháng 3/2025 có 2.166 đơn vị sẽ phải thực hiện việc kiểm kê, báo cáo phát thải nhà kính.
Đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030, đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc nhấn mạnh, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ đem lại cơ hội rất lớn để Việt Nam đạt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050; đồng thời giảm rác thải, kéo dài vòng đời của sản phẩm và tái sử dụng rác như một nguồn tài nguyên.
Hoàng Vân (TTXVN)