Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Ảnh: VGP
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, trong tháng 4, chính sách thuế đối ứng của Mỹ tạo bất ngờ với hầu hết các quốc gia và ngay lập tức ảnh hưởng đến tâm lý doanh nghiệp, nhà đầu tư toàn cầu, tăng trưởng kinh tế, thương mại thế giới. Kinh tế Mỹ quý I giảm 0,3% so với cùng kỳ; các tổ chức quốc tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025.
Trong nước, Việt Nam đã chủ động từ sớm, tăng cường trao đổi, tiếp xúc đa dạng, linh hoạt, hiệu quả ở tất cả các cấp, tất cả các kênh, đặc biệt là cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ, việc Thủ tướng Chính phủ chủ trì 11 cuộc họp về phương án đàm phán và trực tiếp chỉ đạo đã giúp nước ta thuộc nhóm 6 nước được Mỹ ưu tiên đàm phán trong hơn 100 nền kinh tế.
“Qua đó, người dân, doanh nghiệp vững niềm tin vào những quyết sách ứng phó kịp thời, hiệu quả của Tổng Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tin tưởng hơn vào khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước, mạnh dạn chi tiêu hơn trong dịp nghỉ lễ và mùa du lịch hè sắp tới; các doanh nghiệp lớn toàn cầu tiếp tục tin tưởng, gia tăng đầu tư tại Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết tình hình kinh tế xã hội 4 tháng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Ảnh: VGP
Đáng chú ý, nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; nhiều chỉ tiêu, chỉ số tốt hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 8,9% so với cùng kỳ, 4 tháng tăng 8,4%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 11,1%, 4 tháng tăng 9,9%. Các doanh nghiệp đẩy mạnh đơn hàng xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 4 lần lượt tăng 21,3%, 19,8% và 22,9%; 4 tháng xuất khẩu tăng 13%, xuất siêu ước đạt 3,8 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng khoảng 13,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ; vốn thực hiện trên 6,7 tỷ USD, tăng 7,3%. Nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ, EU tiếp tục đầu tư mới, mở rộng đầu tư, xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, cho thấy vị trí quan trọng của nước ta trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính, phát triển doanh nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới tiếp tục được đẩy mạnh, đạt kết quả rõ nét với nhiều cách làm mới, quyết liệt, đột phá. Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; ngành giáo dục bảo đảm tiến độ chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025; ngành y tế bảo đảm khám, chữa bệnh trong dịp lễ, đẩy mạnh đầu tư làm chủ công nghệ và triển khai nhiều kỹ thuật y học tiên tiến…; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai hiệu quả, thể hiện vị thế mới của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, thách thức như: Mục tiêu tăng trưởng, hoạt động đầu tư, kinh doanh… gặp nhiều thách thức; sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát; việc hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được quan tâm, chỉ đạo nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc; đời sống của một bộ phận người dân, người lao động còn khó khăn. Cùng với đó, dự báo nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn từ bên ngoài, trong khi các động lực nội tại về tiêu dùng, đầu tư, đầu tư công… chưa được thúc đẩy hiệu quả. Đây cũng là cơ hội, động lực để tập trung cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu, thu hút FDI chất lượng cao.
Chính vì vậy, trong tháng 5 và quý II, Bộ Tài chính đề xuất một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, chuẩn bị tốt nội dung tiếp thu, giải trình việc sửa đổi Hiến pháp, các dự án Luật, Nghị quyết, báo cáo, bảo đảm đồng thuận cao khi Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, nhất là các nội dung Chính phủ dự kiến trình Quốc hội bổ sung tại kỳ họp. Các bộ, ngành khẩn trương ban hành, trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật, Nghị quyết ngay sau khi được Quốc hội thông qua.
Đồng thời, bảo đảm tiến độ các công việc liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo Quyết định số 758/QĐ-TTg, 759/QĐ-TTg. Thúc đẩy đàm phán với Mỹ, đồng thời chống hàng giả, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững với các nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng trong nước và phát triển các động lực tăng trưởng mới.
Cùng với đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung phát triển văn hóa, xã hội; tích cực chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, nhất là các chương trình, hoạt động, triển lãm về các thành tựu lớn của đất nước, quyết tâm khởi công và khánh thành đồng loạt 80 công trình, dự án trọng điểm và tổ chức Lễ duyệt binh trong dịp Quốc khánh 2/9. Triển khai các giải pháp trong trung và dài hạn về hoàn thiện thể chế, pháp luật, thực hiện 3 đột phá, các chiến lược về khoa học công nghệ, kinh tế tư nhân và hội nhập quốc tế; chú trọng làm tốt an sinh xã hội, phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, bão lũ...; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
Nguyệt Hà