Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: N.H)
Kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2025 của Việt Nam cao nhất kể từ năm 2011. Bà đánh giá thế nào về kết quả này? Đâu là động lực tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý II và 6 tháng?
GDP quý II/2025 tăng 7,96%; 6 tháng đầu năm tăng 7,52%. Đây là mức tăng cao nhất của cùng kỳ kể từ năm 2011 tới nay. Các chỉ số nhìn từ phía cung và phía cầu đều khá tích cực.
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 của Việt Nam là kết quả của sự phục hồi và phát triển đồng bộ các khu vực kinh tế, được thúc đẩy bởi chính sách vĩ mô ổn định, dòng vốn đầu tư công, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); sự phục hồi của nhu cầu nội địa và khả năng khai thác hiệu quả các lợi thế hội nhập kinh tế quốc tế. Sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố cung và cầu đã tạo nên động lực tăng trưởng vững chắc cho nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể:
Từ góc độ sản xuất, hầu hết các hoạt động sản xuất đều duy trì được sự ổn định và tăng trưởng khá, đồng đều giữa các khu vực kinh tế, các loại hình kinh tế. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống mới là nhân tố quan trọng để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Sản xuất công nghiệp và xây dựng là động lực đáng kể của tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm 2025. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2025 tăng 8,07% so với cùng kỳ năm trước (trong đó quý II tăng 8,79%).
Hoạt động xây dựng tăng cao khi đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, thu hút FDI tăng mạnh, thị trường bất động sản có dấu hiệu cải thiện và hiệu quả từ những chính sách hỗ trợ phục hồi của Chính phủ. Giá trị tăng thêm ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2025 tăng 9,62% (trong đó quý II tăng 9,83%). Xây dựng tập trung cao vào dự án hạ tầng giao thông trọng điểm (cao tốc, sân bay, cầu lớn), nhà máy điện, cơ sở hạ tầng dân dụng, khu công nghiệp và hạ tầng…
Các ngành dịch vụ thị trường hỗ trợ chủ yếu cho sản xuất, xuất khẩu và du lịch như vận tải, kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá mạnh. Trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 10,46% so với cùng kỳ năm trước; vận tải kho bãi tăng 9,82%.
Các ngành dịch vụ có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước cũng tăng cao do thực hiện nhiều nhiệm vụ đột phá phục vụ cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy và quản lý hành chính. Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 14,58%; hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị-xã hội, quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội bắt buộc tăng 13,09%.
Từ góc độ sử dụng, tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm 2025 được hỗ trợ tích cực từ cả tiêu dùng, tích lũy và xuất nhập khẩu.. Tiêu dùng cuối cùng 6 tháng tăng khá cao trong 5 năm gần đây (tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2024), trong đó, tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước tăng cao 14,67%, của hộ dân cư tăng 6,95%.
Du lịch tiếp tục tăng mạnh cả ở du lịch nội địa và khách quốc tế. Nhiều chương trình kích cầu du lịch được triển khai ở cả cấp quốc gia và địa phương. Trong 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 10,66 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước và là số lượng khách đến nước ta đạt mức cao nhất của sáu tháng đầu năm trong nhiều năm qua.
Cục Thống kê cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 như sau: 6 tháng đầu năm tăng 7,52%, 6 tháng cuối năm tăng 8,42%, cả năm tăng 8%.
Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào các dự án hạ tầng trọng điểm không chỉ thúc đẩy ngành công nghiệp và xây dựng mà còn thiết lập nền tảng để gia tăng năng lực sản xuất tổng thể của nền kinh tế trong dài hạn.
Dòng vốn FDI tăng mạnh, đặc biệt vào các dự án sản xuất mới trong lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)... đã tạo ra năng lực sản xuất mới, việc làm và cơ hội học hỏi, quản lý cho nền kinh tế. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/6 đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước; vốn FDI thực hiện ước đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1%. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của sáu tháng trong 5 năm qua.
Hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2025 diễn ra rất sôi động. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Sự tăng trưởng này phản ánh nỗ lực tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Điều này cho thấy, nhu cầu từ các thị trường quốc tế đối với hàng hóa Việt Nam vẫn khá tốt.
Từ phía địa phương, tính chung 6 tháng đầu năm, có 10/63 tỉnh có tốc độ tăng trưởng trên 10,0%. Cụ thể: Bắc Giang (14,01%); Quảng Ngãi (12,4%); Nam Định (11,84%); Đà Nẵng (11,7%); Hải Dương (11,59%); Hà Nam (11,09%); Hải Phòng (11,04%); Quảng Ninh (11,03%); Phú Thọ (10,33%); Vĩnh Phúc (10,07%).
Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 8%. Bà đánh giá thế nào kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm so với mục tiêu này?
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52% so với cùng kỳ năm trước (trong đó sơ bộ quý I tăng 7,05%; ước tính quý II tăng 7,96%) được đánh giá là khả quan trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng chỉ thấp hơn 0,38 điểm phần trăm so với mục tiêu phấn đấu 7,9% của kịch bản tăng trưởng năm 2025 (đạt 8%). Trong đó, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 10,11%, khu vực dịch vụ đạt 8,14%, lần lượt cao hơn mục tiêu đặt ra là 10,0% và 7,9%. Điều này sẽ giảm áp lực lên các quý tiếp theo và là nền tảng tích cực cho tăng trưởng cả năm 2025.
Tuy nhiên, theo tôi, đây mới chỉ là điều kiện cần cho mục tiêu tăng trưởng 8%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, 6 tháng cuối năm cần khai thác tối đa các dư địa tăng trưởng, thực hiện đồng bộ, linh hoạt và kịp thời các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế.
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 của Việt Nam là kết quả của sự phục hồi và phát triển đồng bộ các khu vực kinh tế. (Ảnh: Gia Thành)
Bà nhận định ra sao về dư địa tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm?
6 tháng cuối năm được xem là chặng về đích. Theo tôi, nền kinh tế có những dư địa như:
Thứ nhất, đầu tư công. Chính sách và giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công sẽ tạo dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm. Đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như: Các tuyến đường bộ cao tốc, cảng hàng không, các dự án vành đai đô thị lớn, dự án năng lượng.
Thứ hai, khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực then chốt, đóng vai trò chiến lược. Sự bùng nổ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sẽ mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất để giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh.
Trước bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi mạnh, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp nhằm củng cố đà phục hồi, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, tăng trưởng tín dụng. Việc phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế trong năm 2025 sẽ tạo ra dư địa rất lớn cho tăng trưởng kinh tế, chủ yếu thông qua việc cung cấp nguồn vốn dồi dào để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng toàn xã hội.
Thứ tư, tiêu dùng được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% có hiệu lực từ ngày 1/7 đối với nhiều mặt hàng và các chính sách thương mại kích cầu tiêu dùng trong nước. Các khoản hỗ trợ theo Nghị định 178 sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư, tích lũy tài sản, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Từ các dư địa tăng trưởng, Cục Thống kê cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 như sau: 6 tháng đầu năm tăng 7,52%, 6 tháng cuối năm tăng 8,42%, cả năm tăng 8%.
Vậy những thách thức tác động đến nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm là gì, thưa bà?
Mặc dù đạt được kết quả khá tích cực trong quý II và 6 tháng đầu năm 2025 nhưng kinh tế nước ta đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ yếu tố bên ngoài lẫn nội tại nền kinh tế.
Cụ thể, ở ngoài ngước: Xung đột địa chính trị giữa các quốc gia ngày càng căng thẳng, bất ổn, khó lường sẽ là nguồn rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa, qua đó sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của của Việt Nam.
Suy giảm tăng trưởng toàn cầu, cầu hàng hóa yếu: Các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng thế giới (WB) đều điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2025 do lạm phát dai dẳng và nhu cầu tiêu dùng suy yếu sẽ là một yếu tố bất lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Biến động tăng tỷ giá sẽ gây áp lực lên chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu và thanh toán nợ vay ngoại tệ trong nước. Lãi suất quốc tế vẫn duy trì ở mức cao khiến Việt Nam phải cân đối chính sách tiền tệ thận trọng hơn, giảm dư địa nới lỏng.
Tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu: Thời tiết cực đoan tại các thị trường nhập khẩu như châu Âu và Trung Quốc làm thay đổi nhu cầu nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Bên cạnh đó, các quy định về tiêu chuẩn môi trường, phát thải carbon và truy xuất nguồn gốc ngày càng khắt khe khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn trong việc tuân thủ.
Khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực then chốt, đóng vai trò chiến lược cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. (Ảnh tạo bởi AI)
Ở trong nước: Sản xuất công nghiệp phục hồi chưa vững chắc. Mặc dù tăng trưởng công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, nhưng mức độ còn chậm và chưa đều. Một số ngành như điện tử, dệt, da giầy, chế biến gỗ… vẫn ghi nhận tăng trưởng cao nhưng bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi do đơn hàng không tăng và cạnh tranh giá từ các quốc gia khác.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều điểm nghẽn do vướng mắc giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý chồng chéo và năng lực thực hiện dự án ở địa phương còn hạn chế.
Tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng chưa mạnh, còn tâm lý thận trọng. Người dân có xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng do lo ngại lạm phát, thu nhập phục hồi nhưng chưa ổn định.
Thể chế pháp lý đang được hoàn thiện nhưng còn chậm và nhiều chính sách còn chồng chéo, chưa ổn định, nhất là sau khi sáp nhập đơn vị hành chính.
Lao động chi phí rẻ không còn là lợi thế quốc gia; lao động có trình độ để bắt kịp với công nghệ hiện đại còn thiếu, chưa đồng đều trong lực lượng lao động, thiếu lao động chất lượng cao.
Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong nước; thị trường vốn, thị trường chứng khoán chưa phát huy tương xứng với tiềm năng làm gia tăng áp lực cho thị trường tiền tệ.
Trước bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi mạnh, quan điểm của tôi là, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp nhằm củng cố đà phục hồi, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, các chính sách tài khóa và tiền tệ cần được triển khai một cách chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách khác, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, giải ngân đầu tư công và hỗ trợ tiêu dùng nội địa. Đồng thời, các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện.
Từ những khó khăn nói trên, thưa bà, giải pháp để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là gì?
Việt Nam cần chú trọng những giải pháp sau: Tiếp tục duy trì môi trường vĩ mô ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân. Theo dõi sát diễn biến giá cả thế giới, đặc biệt là giá năng lượng, lương thực để có biện pháp ứng phó kịp thời. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra (dưới 4,5%). Ổn định tỷ giá, đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong công nghệ số, sinh học, vật liệu mới, tự động hóa; kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề và kỹ năng số đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó là thúc đẩy giải ngân và hiệu quả đầu tư công là động lực quan trọng nhất, cần tiếp tục được ưu tiên hàng đầu. Phải quyết liệt tháo gỡ mọi nút thắt về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của đất nước. Đảm bảo giải ngân tối đa, hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công công mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu.
Kích cầu xuất khẩu và khai thác tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu. Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức hai con số để đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP.
Song song với đó là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch hóa chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút và nâng cao chất lượng vốn FDI. Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và chính trị-xã hội để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Ưu tiên thu hút các dự án FDI có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường và có khả năng kết nối, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước. Đảm bảo duy trì dòng vốn FDI thực hiện tăng trưởng ổn định, là nguồn lực quan trọng cho phát triển sản xuất, xuất khẩu.
Củng cố sức mua của thị trường trong nước thông qua các chính sách phù hợp nhằm kích thích tổng cầu nội địa và tiêu dùng. Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, khuyến mãi. Đẩy mạnh phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ, khai thác tối đa tiềm năng từ lượng khách quốc tế tăng trưởng mạnh.
Ngoài ra, đất nước cần chủ động ứng phó với biến động kinh tế toàn cầu. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo các rủi ro từ bên ngoài như xung đột địa chính trị, chính sách thương mại của các nền kinh tế lớn, biến động giá cả hàng hóa. Chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, có các giải pháp linh hoạt để giảm thiểu tác động tiêu cực đến xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư. Đa dạng hóa thị trường và đối tác thương mại để giảm thiểu rủi ro tập trung.
Có như vậy, nền kinh tế mới có thể vững vàng vượt thách thức, duy trì đà tăng trưởng và bứt phá trong 6 tháng cuối năm.
Xin cảm ơn bà!
Gia Thành