KPI cho cán bộ, công chức gắn liền với vị trí việc làm

KPI cho cán bộ, công chức gắn liền với vị trí việc làm
3 giờ trướcBài gốc
Quốc hội đã thông qua Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, tại Kỳ họp 9, trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý.
Theo đó, luật đã bỏ quy định phân biệt giữa công chức cấp xã và cấp tỉnh nhằm thống nhất, đồng bộ một chế độ công vụ từ Trung ương đến địa phương.
Cán bộ, công chức cấp xã được đương nhiên chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định mới nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về trình độ đào tạo mà không yêu cầu về thời gian công tác, tiêu chuẩn, điều kiện của ngạch...
Đối với các trường hợp đang thực hiện tập sự thì đương nhiên chấm dứt tập sự và được xếp vào ngạch tương ứng với vị trí việc làm.
Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đã bỏ quy định phân biệt giữa công chức cấp xã và cấp tỉnh nhằm thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến địa phương. Ảnh: LÊ THOA
Quản lý công chức theo vị trí việc làm, KPI
Luật bổ sung nguyên tắc tuyển dụng là người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm; thực hiện tuyển dụng đối với vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ xếp ngạch chuyên viên trở lên; tiếp nhận đối với những người có tài năng, kinh nghiệm từ khu vực ngoài công lập, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp.
Đồng thời, quy định cụ thể về khái niệm vị trí việc làm; phân loại vị trí việc làm công chức được phân thành 3 nhóm, cụ thể: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Luật cũng bổ sung, hoàn thiện các quy định để chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm là trung tâm, trên cơ sở căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và kết quả, sản phẩm thực hiện nhiệm vụ để tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đánh giá, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Điều này nhằm hướng tới nền công vụ hiện đại, minh bạch và hiệu quả.
Cạnh đó, Luật không tiếp tục xác định vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức như Luật hiện hành. Ngạch công chức được xác định chỉ là công cụ kỹ thuật, để phân định thứ bậc và trình độ chuyên môn; làm việc ở vị trí việc làm nào sẽ được xếp vào ngạch tương ứng.
Tiêu chuẩn, điều kiện của ngạch công chức sẽ được thể hiện ở khung năng lực gắn với từng vị trí việc làm...
Luật cũng làm rõ nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, phương thức đánh giá, xếp loại chất lượng công chức trên cơ sở theo dõi, đánh giá thường xuyên, liên tục, đa chiều, định lượng bằng các tiêu chí cụ thể gắn với tiến độ, số lượng, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo vị trí việc làm.
Sử dụng kết quả đánh giá để thực hiện khen thưởng, chế độ thu nhập tăng thêm, tiền thưởng hoặc xem xét bố trí vào vị trí việc làm thấp hơn hoặc cho thôi việc để sàng lọc người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi bộ máy.
Cho phép ký hợp đồng với chuyên gia giỏi
Đáng chú ý, Luật vừa được thông qua bổ sung cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Nhà nước có cơ chế đặc biệt để thu hút, mời gọi chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nguồn nhân lực chất lượng cao khác vào làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, có chính sách trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, kỹ năng vượt trội thể hiện qua giải quyết công việc. Họ cũng là những người có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đạt được những thành tích nổi bật trong hoạt động công vụ thể hiện bằng kết quả, sản phẩm cụ thể, mang lại giá trị, hiệu quả cao.
Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối nguồn nhân lực chất lượng cao; kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Luật Cán bộ, công chức sửa đổi cho phép ký hợp đồng đối với doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, chuyên gia, luật sư giỏi để thực hiện nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý. Ảnh: THUẬN VĂN
Đáng chú ý, Luật Cán bộ, công chức sửa đổi cho phép ký hợp đồng đối với doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi để thực hiện nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý.
Việc quy định ký kết hợp đồng thực hiện một số nhiệm vụ của công chức không hình thành một loại hình công chức mới là công chức hợp đồng và phát sinh các quy định có liên quan đến việc quản lý, sử dụng, đồng thời vẫn bảo đảm được việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao một cách linh hoạt, chủ động.
Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan quy định cụ thể thực hiện bằng nguồn kinh phí riêng không tính trong biên chế, quỹ lương và nguồn khoán chi hành chính…
Bỏ hình thức kỷ luật giáng chức
Luật Cán bộ, công chức đã lược bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức để bảo đảm đồng bộ, thống nhất về số lượng các hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức lãnh đạo, quản lý giữa quy định kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính.
Đối với hình thức hạ bậc lương, dự thảo Luật không tiếp tục quy định hạ bậc lương là một hình thức xử lý kỷ luật để bảo đảm đồng bộ với quy định tại khoản 2 Điều 31 dự thảo Luật. Theo đó, công chức xếp loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị xem xét, bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn (được xếp ở ngạch lương tương đương thấp hơn với bậc lương thấp hơn).
Đồng thời, việc bỏ hình thức này cũng bảo đảm đồng bộ với 3 hình thức xử lý kỷ luật đảng đối với đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc).
Theo Điều 35, 36 Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), cán bộ, công chức vi phạm các quy định thì tùy theo tính chất, mức độ phải chịu một trong các hình thức kỷ luật gồm khiển trách; cảnh cáo; cách chức và bãi nhiệm/buộc thôi việc.
Ngoài ra, Luật bổ sung quy định cán bộ, công chức được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu có sai sót, thiệt hại khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo theo quy định của Đảng và pháp luật hoặc đã thực hiện theo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, không vụ lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn gây ra thiệt hại vì lý do khách quan để thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị (Điều 34)…
Luật có hiệu lực từ 1-7-2025, riêng quy định về đánh giá công chức có hiệu lực từ 1-1-2026.
Đại biểu DƯƠNG KHẮC MAI (Đắk Nông - nay là Lâm Đồng):
Tư duy đổi mới toàn diện
Chủ trương đánh giá cán bộ, công chức dựa trên vị trí việc làm, hiệu quả công việc, chất lượng sản phẩm là chủ trương rất tích cực, thể hiện tư duy mới toàn diện. Đặc biệt loại bỏ suy nghĩ lâu nay của nhiều người rằng cứ vào được cơ quan Nhà nước là yên tâm trở thành “công chức trọn đời”.
Luật sửa đổi lần này buộc mỗi cán bộ, công chức phải nỗ lực để học tập, cập nhật kiến thức và nỗ lực để làm việc, nếu không sẽ bị thay thế bằng những công chức, viên chức khác…
Những quy định mới này tạo ra sự cạnh tranh, bình đẳng. Người có năng lực thì tiếp tục làm việc, người không có năng lực sẽ tự bị đào thải.
Bởi trong một dây chuyền mà bản thân mỗi cán bộ, công chức không tự làm mới mình thì sẽ không thể đáp ứng nhu cầu công việc. Đây là yêu cầu rất đúng, trúng, nhất là tại thời điểm cả nước đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, đảm bảo hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả.
-----
Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp):
Loại bỏ đánh giá mang tính hình thức
Luật Cán bộ, công chức sửa đổi có rất nhiều điểm mới về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công, quản lý và trả lương theo vị trí việc làm, đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, công chức bằng KPI…
Tôi kỳ vọng những quy định này sẽ giúp đánh giá năng lực, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức một cách công tâm, vô tư, khách quan, không còn mang tính hình thức, dĩ hòa vi quý như lâu nay. Nếu cán bộ làm tốt công việc thì tiếp tục hợp đồng, nếu làm không tốt sẽ bị sàng lọc và cũng sẽ xóa bỏ quan niệm “công chức suốt đời”.
Mong rằng trong quá trình thực hiện, nhất là khi cả nước vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, những quy định mới trong Luật sửa đổi này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, theo tôi, quá trình chọn lựa cán bộ cũng cần làm kỹ lưỡng, chính xác, chọn người làm việc phải đảm bảo hiệu quả lâu dài và năng suất, chất lượng cao.
NGUYỄN THẢO
Nguồn PLO : https://plo.vn/kpi-cho-can-bo-cong-chuc-gan-lien-voi-vi-tri-viec-lam-post857162.html