Kỳ 1: Chủ động, nghiêm túc, đúng trọng tâm

Kỳ 1: Chủ động, nghiêm túc, đúng trọng tâm
6 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật có ý nghĩa then chốt, quyết định sự phát triển bền vững và ổn định. Lực lượng CAND, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong giữ gìn an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đã và đang phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong công tác góp ý dự thảo luật, đưa thực tiễn sinh động vào từng điều khoản pháp lý, bảo đảm pháp luật khi ban hành là phù hợp thực tiễn, là "thở cùng đời sống".
Đưa thực tiễn vào pháp luật - nhiệm vụ chính trị của lực lượng Công an
Với lực lượng Công an, việc góp ý cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là trách nhiệm chính trị, thể hiện vai trò của lực lượng chấp pháp trên tuyến đầu trong bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Từ góc nhìn thực tế của người trực tiếp thực thi pháp luật, mỗi góp ý đều có giá trị định hướng, phản ánh đúng đắn những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, từ đó làm cơ sở hoàn thiện chính sách, pháp luật một cách thiết thực, hiệu quả và phù hợp.
Ngay từ đầu năm, Bộ Công an đã chỉ đạo toàn lực lượng triển khai kế hoạch tham gia góp ý các dự thảo văn bản luật trọng điểm, đặc biệt là các dự thảo có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của ngành như: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước...
Góp ý cho dự thảo luật trên hệ thống VNeID
Trên tinh thần chỉ đạo đó, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức hội nghị, tọa đàm, lấy ý kiến góp ý, trong đó nhiều ý kiến thể hiện sự đầu tư sâu sắc, vừa bảo đảm tính lý luận, vừa gắn liền với thực tiễn công tác. Một số địa phương như: Công an TPHCM, Công an Hà Nội, Công an Đà Nẵng, Công an tỉnh Quảng Ninh... đã tổ chức góp ý theo cụm chuyên đề, từng lĩnh vực nghiệp vụ, bảo đảm nội dung góp ý bám sát từng điều khoản, cụ thể hóa từng vấn đề pháp lý.
Đặc biệt, ở nhiều đơn vị, lực lượng Công an đã chủ động mời các nhà khoa học, chuyên gia luật, cán bộ hưu trí có kinh nghiệm tham gia cùng góp ý, tạo nên bức tranh toàn diện cả về lý luận, nghiệp vụ và tính khả thi. Chính sự phối hợp đồng bộ này đã góp phần nâng tầm chất lượng của các ý kiến góp ý, không chỉ giúp hoàn thiện nội dung dự thảo mà còn góp phần phát hiện những "lỗ hổng", những bất cập khó phát hiện nếu chỉ nhìn từ lý luận sách vở.
Nhiều mô hình tổ chức góp ý bài bản, chuyên sâu
Công an TPHCM là một trong những đơn vị điển hình trong công tác góp ý các dự thảo luật. Trên cơ sở kế hoạch chỉ đạo từ Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an TPHCM đã ban hành văn bản chỉ đạo, giao Phòng Tham mưu chủ trì, phối hợp với các phòng nghiệp vụ, Công an quận, huyện (trước khi sáp nhập - PV) tổ chức các đợt lấy ý kiến theo nhóm lĩnh vực chuyên sâu như: quản lý cư trú, an ninh mạng, trật tự xã hội, phòng cháy, chữa cháy...
Công an các địa phương triển khai công tác góp ý dự thảo luật trên VNeID đến từng cán bộ, chiến sĩ
Mỗi nhóm góp ý đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phân công nhiệm vụ rõ ràng: ai đọc kỹ điều nào, nội dung nào cần đối chiếu thực tiễn, nội dung nào phải cập nhật quy định... Nhờ đó, các bản góp ý không chỉ dừng ở nhận xét, nhận định mà còn đưa ra đề xuất sửa đổi cụ thể, thậm chí có những kiến nghị về kỹ thuật lập pháp (cách dùng từ, căn chỉnh cấu trúc câu, tránh chồng chéo luật...).
Tương tự, mô hình "hội thảo góp ý trực tuyến" nhằm thu hút tối đa ý kiến từ các đơn vị tuyến cơ sở - nơi trực tiếp đối diện với thực tiễn. Mỗi ý kiến đều được ghi nhận, tổng hợp thành biên bản đầy đủ, kèm theo phân tích minh chứng cụ thể từ hồ sơ vụ việc, qua đó phản ánh được "tiếng nói thực tế" vào văn bản dự thảo - điều mà nhiều nhà làm luật rất trân trọng.
Không ít người cho rằng, việc góp ý luật là của các nhà lập pháp, các chuyên gia nghiên cứu... Tuy nhiên, trong thực tiễn, người thực thi pháp luật lại là đối tượng quan trọng nhất để đánh giá tính khả thi của pháp luật. Với lực lượng Công an, mỗi bản góp ý là một cam kết thực hiện: khi luật ban hành, chính họ sẽ là người áp dụng, là người chịu trách nhiệm trước pháp luật và Nhân dân nếu luật không hiệu quả.
Chính vì vậy, trong nhiều bản góp ý, cán bộ Công an không ngại nêu ra những bất cập mang tính nhạy cảm. Ví dụ như sự chồng chéo giữa luật hiện hành và luật mới, sự mâu thuẫn giữa quy định pháp lý và điều kiện thực thi, hay những điểm có thể phát sinh tiêu cực nếu không kiểm soát chặt chẽ.
Lực lượng an ninh cơ sở tham gia tuần tra, góp phần giữ gìn ANTT
Sự thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm đó là minh chứng cho thấy việc góp ý không chỉ là hình thức "làm cho có” mà là hành động thể hiện tinh thần xây dựng pháp luật từ gốc, từ thực tiễn, từ kinh nghiệm công tác, từ ý thức thượng tôn pháp luật.
Cán bộ, chiến sĩ CAND không chỉ có quyền góp ý mà còn có bổn phận góp ý - bổn phận với Tổ quốc, với Nhân dân và với sự phát triển của hệ thống pháp luật. Chính từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANTT, quản lý cư trú, xử lý vi phạm hành chính... họ hiểu rõ những điểm mạnh, điểm yếu của từng quy định pháp luật hiện hành.
Mỗi góp ý của người chiến sĩ CAND là một lần đưa tiếng nói của Nhân dân, của thực tiễn cuộc sống vào nghị trường - để pháp luật ngày càng hoàn thiện, gần dân, sát dân và vì dân hơn.
Không ít góp ý đã trở thành căn cứ sửa đổi quan trọng trong các dự thảo luật - như việc bổ sung quy định về sử dụng dữ liệu điện tử trong quản lý cư trú; điều chỉnh các điều khoản xử lý vi phạm hành chính phù hợp với thực tế đô thị; hoàn thiện quy định về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở... Những điều đó cho thấy, chỉ có pháp luật xây dựng từ thực tiễn mới thực sự bền vững.
Triển khai đóng góp dự thảo luật tại một đơn vị CA trên địa bàn TPHCM
Tạo nền tảng pháp lý từ thực tiễn công tác
Qua những phân tích trên đã cho thấy rõ nét sự chủ động, nghiêm túc và trách nhiệm cao của lực lượng Công an trong công tác góp ý các dự thảo luật. Việc tham gia góp ý không chỉ là thực hiện chỉ đạo của cấp trên mà còn là biểu hiện sinh động của tinh thần thượng tôn pháp luật, gắn bó giữa pháp lý và thực tế.
Công tác góp ý các dự thảo luật không dừng lại ở khâu tổ chức lấy ý kiến, mà còn đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ trong toàn bộ quy trình, từ tổng hợp, phân loại, báo cáo lên cấp trên đến theo dõi, đánh giá mức độ tiếp thu, chỉnh lý của ban soạn thảo. Nhận thức rõ điều đó, Bộ Công an và Công an các địa phương đã tăng cường chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận trong việc theo dõi tiến trình tiếp thu ý kiến góp ý để kịp thời có phản hồi, điều chỉnh phù hợp.
Một số đơn vị còn thành lập tổ công tác chuyên trách theo dõi toàn bộ hành trình của các dự thảo luật trọng điểm có liên quan đến lực lượng Công an, bảo đảm rằng các ý kiến góp ý không bị bỏ sót, không bị vô hiệu hóa trong quá trình hoàn thiện văn bản. Đây là điểm rất đáng chú ý, cho thấy quyết tâm không chỉ "nói cho xong", mà là "nói để làm", "nói để sửa", "nói để hoàn thiện".
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng được các đơn vị Công an xem là bước quan trọng nối liền giữa quá trình góp ý và thực thi. Sau mỗi dự thảo luật được ban hành chính thức, các đơn vị đều tổ chức tập huấn, quán triệt sâu rộng trong toàn lực lượng nhằm bảo đảm thống nhất nhận thức và hành động. Đây là cách làm bài bản, cho thấy sự chuyển hóa từ ý kiến đóng góp thành hành động cụ thể, là điều kiện tiên quyết để pháp luật đi vào cuộc sống một cách thực chất.
(Còn tiếp...)
Nhóm Phóng viên CTXH
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/tin-chinh/ky-1-chu-dong-nghiem-tuc-dung-trong-tam_178258.html