Kỳ 1: Khi chức sắc, chức việc, nhà tu hành làm đại biểu Nhân dân

Kỳ 1: Khi chức sắc, chức việc, nhà tu hành làm đại biểu Nhân dân
6 giờ trướcBài gốc
Lãnh đạo Bộ Y tế trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân tỉnh Ninh Bình có thành tích trong công tác vận động, hiến tặng giác mạc. Ảnh: Minh Quang
Sự tham gia tích cực của những đại biểu dân cử là chức sắc, chức việc, nhà tu hành không chỉ là một minh chứng sinh động cho sự tôn trọng tự do tín ngưỡng mà còn thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc. Việc lắng nghe tiếng nói của đông đảo đồng bào tín đồ thông qua các đại biểu này đã góp phần quan trọng vào quá trình hoạch định và đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, kiến tạo những giá trị to lớn cho sự phát triển của tỉnh. Những câu chuyện về các đại biểu “đặc biệt” cũng có nhiều điểm hết sức đặc biệt.
“Cầu nối” tin cậy giữa các tôn giáo với cấp ủy Đảng, Chính quyền và Nhân dân
Ninh Bình-vùng đất ken dày các di tích lịch sử đã trở thành niềm tự hào của người dân Cố đô Hoa Lư. Với Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, Thượng tọa luôn tâm niệm việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân, nhất là những người con của Phật.
Thượng tọa Thích Minh Quang chia sẻ: “Cũng như bao phật tử, tôi luôn tự hào về Ninh Bình-vùng đất sở hữu nhiều di tích văn hóa, lịch sử có giá trị đặc sắc được ghi danh cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc tế, trong đó nhiều di tích là cơ sở thờ tự của Phật giáo. Toàn tỉnh đã có 3 di sản được UNESCO vinh danh: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loạiThực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và Khu dự trữ sinh quyển châu thổ Sông Hồng. Là người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và trên hết là đại biểu dân cử, tôi luôn trăn trở việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa riêng có của vùng đất Cố đô, qua đó góp phần gìn giữ hồn cốt của dân tộc.
Với phương châm “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội” và với vai trò là một đại biểu dân cử, bằng uy tín, ảnh hưởng của mình, Thượng tọa Thích Minh Quang đã luôn nỗ lực thúc đẩy công tác bảo vệ di sản văn hóa. Thượng tọa thường nhắc nhở các phật tử về trách nhiệm gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời nhắc nhở trụ trì các chùa tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đảm bảo các hoạt động tín ngưỡng diễn ra văn minh, đúng quy định, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của Phật giáo và làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Đặc biệt, sau khi nhận được nhiều phản ánh của cử tri, nhất là các tín đồ Phật tử nơi có một số di tích bị xuống cấp, năm 2023, Thượng tọa đã cùng với các đại biểu thuộc Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế tại nhiều địa phương trong tỉnh. Với kiến thức chuyên sâu về tôn giáo, Thượng tọa không chỉ nắm bắt tình hình, chia sẻ khó khăn với cơ sở mà còn trực tiếp chỉ ra những bất cập trong quá trình trùng tu, tôn tạo và quản lý, bảo quản đồ thờ, sắc phong tại một số di tích… Trên cơ sở đó tham mưu với Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích trên địa bàn tỉnh, đánh dấu một bước tiến mới trong công tác giám sát, bảo tồn di sản văn hóa. Đây cũng là lần đầu tiên một đại biểu chức sắc tôn giáo tham gia trực tiếp vào quá trình này, góp phần đảm bảo tính khách quan và chất lượng chuyên môn cao cho công tác khảo sát, giám sát của HĐND tỉnh.
Thông qua phiên giải trình đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, nhiều ngôi chùa cổ kính, di tích lịch sử đã được hồi sinh, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình hiện thực hóa mục tiêu chung của tỉnh: Phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo vào năm 2035.
“Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”; những người trúng cử: “Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng”. (Trích lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cử tri Hà Nội trong buổi vận động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I, ngày 5-1-1946).
Thượng tọa Thích Minh Quang còn được xem là một trong những người “bắc cầu” nối tình đoàn kết các tổ chức tôn giáo với nhau, nối tổ chức tôn giáo với chính quyền các cấp. Thượng tọa đã tích cực hướng dẫn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trên địa bàn tăng cường phối hợp với Công an, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp tổ chức nhiều chương trình giao lưu, gặp mặt các chức sắc tôn giáo nhân dịp đầu xuân hàng năm. Đây là điều mà hiếm có địa phương nào triển khai thực hiện được như Ninh Bình. Các chương trình giao lưu, gặp mặt các chức sắc tôn giáo được tổ chức thường xuyên đã tạo cơ hội để mọi người cùng nhau chia sẻ, học hỏi và gắn bó hơn.
Bên cạnh đó, Thượng tọa Thích Minh Quang tích cực tham gia giải quyết các vấn đề xã hội: vận động các tăng, ni, tín đồ Phật tử hưởng ứng các mô hình, cuộc vận động như: “Xứ, họ đạo bình yên, chùa tinh tiến về an ninh, trật tự” gắn với xây dựng nông thôn mới; mô hình vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo chung tay xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương-giáo”… Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng 48 nhà Đại đoàn kết lương-giáo với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng (trong đó, chức sắc Phật giáo và Công giáo hỗ trợ trên 2,3 tỷ đồng), Ninh Bình trở thành điểm sáng trong toàn quốc về mô hình này. Mối quan hệ giữa tôn giáo và chính quyền ngày càng gắn bó, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc.
Bằng sự tâm huyết, trách nhiệm, các đại biểu HĐND là các chức sắc, chức việc, nhà tu hành trên từng cương vị công tác đã và đang nỗ lực làm tròn sứ mệnh đại biểu dân cử, xứng đáng là những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri. Ông Nguyễn Mạnh Đạt, nguyên Chánh trương Giáo xứ Phát Diệm, Phó Ban Đoàn kết Công giáo huyện, đại biểu HĐND huyện Kim Sơn, là một điển hình.
Gần 10 năm làm đại biểu HĐND huyện, hơn ai hết ông Đạt thấu hiểu trách nhiệm của người đại biểu dân cử, với ông đại diện cho cử tri, nhất là cộng đồng tín đồ Công giáo là niềm vui, vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao. Chính vì vậy, ông đã dành nhiều thời gian để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhất là với bà con Công giáo. Những kiến nghị, đề xuất của Nhân dân nói chung, đồng bào Công giáo nói riêng luôn được ông ghi nhận và chuyển đến các cấp chính quyền quan tâm giải quyết. Nhờ vậy, nhiều vấn đề bức xúc của địa phương như: đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh; tình trạng lấn chiếm lòng lề đường ở một số tuyến phố trên địa bàn thị trấn Phát Diệm; việc thi công một số hạng mục thuộc dự án chống biến đổi khí hậu ở Kim Sơn kéo dài, gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh… đã được các cấp chính quyền trên địa bàn tiếp thu, giải quyết kịp thời, qua đó củng cố niềm tin của cử tri đối với đại biểu dân cử và các cấp chính quyền.
Gần dân, lắng nghe và thấu hiểu, ông Đạt được cử tri huyện Kim Sơn tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND huyện 2 khóa (2016-2021, 2021- 2026), được Ban Đoàn kết Công giáo huyện bầu làm Phó Ban Đoàn kết Công giáo huyện. Ông cũng được nhiều người biết đến là người của hành động. Luôn tâm huyết với việc dân cử, ông không nề hà trong bất kỳ công việc gì, miễn là “có lợi cho dân”. Vì vậy, dù ở tuổi thất thập, ông vẫn miệt mài và tích cực tham gia vào hầu hết các chương trình nghị sự của HĐND huyện; tích cực tham gia thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết vào các đề án, nghị quyết của HĐND huyện và tích cực chất vấn, theo đến cùng các vấn đề mà cử tri quan tâm.
“Tôi luôn tin rằng, sự hợp tác giữa cấp ủy, chính quyền với các tổ chức tôn giáo với Nhân dân là “chìa khóa” để giải quyết mọi vấn đề. Vì vậy, là đại biểu dân cử, tôi luôn nỗ lực làm “cầu nối” để đưa tiếng nói của nhân dân, trong đó có đồng bào Công giáo đến gần hơn với các cơ quan chức năng cũng như với tổ chức tôn giáo, góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương-giáo, chung sức vì sự phát triển chung của quê hương”-ông Đạt tâm sự.
Thượng tọa Thích Minh Quang và các thành viên Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh khảo sát việc bảo tồn, tôn tạo di tích tại chùa Nhạc (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh)-Di tích lịch sử Quốc gia. Ảnh: Thu Hà
Gieo mầm thiện nguyện, kết nối yêu thương
Năm 2007, tại xã Cồn Thoi (Kim Sơn) ca hiến giác mạc đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện thành công. Đó là một sự kiện lịch sử, đánh dấu bước khởi đầu cho hành trình dài đầy ý nghĩa thúc đẩy cuộc vận động hiến tặng giác mạc trong cả nước phát triển. Đến nay, hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Thế nhưng ít ai biết rằng, đằng sau những câu chuyện đẹp đó có bóng dáng của một vị linh mục tận tâm, người đã gieo những hạt giống thiện nguyện đầu tiên cho phong trào mang đậm tính nhân văn cao cả này, đó là Linh mục Đoàn Minh Hải-đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Một sáng tháng 10, chúng tôi về giáo xứ Phát Vinh, xã Lưu Phương (huyện Kim Sơn) để gặp Linh mục Đoàn Minh Hải. Rót trà mời khách, với sự gần gũi, Linh mục Đoàn Minh Hải thân tình sẻ chia: Tôi vẫn nhớ vào buổi chiều hè cách đây gần 20 năm (năm 2007-khi đó Linh mục Đoàn Minh Hải được bổ nhiệm làm Linh mục chính xứ Cồn Thoi-PV), ông Vinh con trai của cụ bà Nguyễn Thị Hoa (giáo dân ở giáo xứ Cồn Thoi) đã đến gặp và giãi bày những nỗi ưu tư. Ông Vinh chia sẻ rằng người mẹ già của ông một đời tần tảo lo cho 9 người con, nay lâm bệnh hiểm nghèo và có di nguyện được hiến tặng giác mạc của mình cho Bệnh viện Mắt Trung ương để cứu giúp cho người không may gặp cảnh mù lòa… Thế nhưng đây là việc làm chưa có tiền lệ và vì vậy, ông cũng như 8 người con của gia đình đều không dễ dàng gì chấp nhận, ủng hộ…
Trước tâm nguyện cao cả của bà Nguyễn Thị Hoa, Linh mục Đoàn Minh Hải rất xúc động, ông hoàn toàn ủng hộ và đã xuống tận nhà thăm bà Hoa, đồng thời thuyết phục. Sau đó thì mọi người trong gia đình bà Hoa đã thấu hiểu và đồng thuận, vượt qua nỗi đau buồn, thực hiện di nguyện của bà Hoa: tặng nguồn sáng cho đời.
Đồng hành với giáo dân trong những biến cố vui buồn của đời người, với lòng trắc ẩn, Linh mục Đoàn Minh Hải trong những bài giảng, những buổi nói chuyện tại các cộng đồng đã không ngừng vận động, tuyên truyền, giải đáp những thắc mắc, giúp nhiều người nhận ra rằng, điều giá trị nhất đối với một con người chính là sự sống, mà hiến tặng giác mạc như món quà vô giá mang lại nguồn sáng. Và vì vậy, nhìn ở một góc độ nào đó, người hiến tặng giác mạc dù đã mất đi nhưng vẫn luôn sống mãi bởi những giá trị mà họ đã tạo nên. Cũng từ đó, Linh mục đã chạm đến trái tim của hàng nghìn người, khơi dậy trong họ tinh thần bác ái và mong muốn được sẻ chia.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của Linh mục Đoàn Minh Hải và sự chung tay của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, hiện Ninh Bình là địa phương dẫn đầu toàn quốc về cuộc vận động hiến giác mạc với trên 15.000 người đăng ký hiến và đã có gần 500 người hiến giác mạc. Cuộc vận động đã góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân đạo lớn lao, để yêu thương trao đi, sự sống được nối dài...
Với Đại đức Thích Thanh Cương, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Hoa Lư-đại biểu HĐND huyện Hoa Lư, việc phục vụ Nhân dân là một sứ mệnh cao cả. Trong suốt gần 1 nhiệm kỳ qua (2021- 2026), Đại đức đã không ngừng nỗ lực mang tinh thần “từ, bi, hỷ, xả” vào công việc của mình, nhằm góp sức xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, nơi mà mọi người đều có cơ hội phát triển, qua đó không chỉ làm tốt phận sự tu hành mà còn làm tốt vai trò là người đại biểu Nhân dân tận tụy.
“Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước”. Khoản 1 Điều 115 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Trên cương vị là đại biểu HĐND huyện, ngoài việc tích cực tham gia các chương trình nghị sự của HĐND huyện, Đại đức Thích Thanh Cương qua các lần tiếp xúc cử tri, những lần trò chuyện với các tăng, ni, phật tử đã nắm bắt được những khó khăn, bất cập từ thực tiễn của cuộc sống. Đại đức đã không ngần ngại đưa các vấn đề về bảo đảm an sinh xã hội để tham gia, góp ý xây dựng các nghị quyết của HĐND huyện nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là các chính sách đặc thù về trợ cấp hàng tháng đối với người thuộc hộ nghèo, hộ chính sách…
Đại đức Thích Thanh Cương cũng được biết đến là một trong những đại biểu dân cử có nhiều hoạt động thiện nguyện, vì an sinh xã hội. Trong gần 3 năm qua, ông đã vận động hỗ trợ xây nhà Khăn quà đỏ, nhà “Ấm tình đoàn kết lương-giáo” và “Mái ấm tình thương” cho 3 hộ nghèo, học sinh nghèo vượt khó. Đặc biệt, trong những lúc khó khăn, Đại đức luôn là người đi đầu trong các hoạt động từ thiện. Mới đây, đoàn từ thiện do Đại đức Thích Thanh Cương dẫn đầu đã vượt hàng trăm cây số đến vùng lũ Yên Bái, mang theo 4 tấn hàng cùng những phần quà thiết thực, góp phần giúp đồng bào vùng lũ sớm vượt qua khó khăn.
Với nhiều cử tri và người dân huyện Hoa Lư, Đại đức Thích Thanh Cương không chỉ là một đại biểu HĐND huyện mẫu mực mà còn là một tấm gương sáng về tinh thần phục vụ, cống hiến cho cộng đồng, góp phần làm cho cuộc sống của nhiều người trở nên tốt đẹp hơn. Có lẽ vì vậy mà nhiều người gọi Đại đức là đại biểu “đặc biệt” của Nhân dân.
Song với Đại đức Thích Thanh Cương, việc một nhà tu hành trở thành đại biểu HĐND không phải là điều gì quá đặc biệt, bởi trong lịch sử dân tộc, nhiều vị tăng, ni đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước, xã hội. Đại đức chia sẻ: “Được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND là một cơ hội để tôi tiếp tục thực hiện bổn phận của một công dân, thực hiện sứ mệnh của nhà tu hành phụng sự chúng sinh. Đây cũng là cơ hội để tôi góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, nơi con người sống hòa hợp, yêu thương”.
Những đóng góp của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành vào hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống chính trị của địa phương mà còn là minh chứng cho sự thành công trong thực hiện phương châm “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Với những đóng góp tích cực của mình, các đại biểu dân cử là chức sắc, chức việc, nhà tu hành đã góp phần xây dựng một xã hội đoàn kết, hài hòa. Tuy nhiên, cũng như nhiều đại biểu HĐND khác, để làm tròn sứ mệnh của đại biểu dân cử với họ chưa bao giờ là điều đơn giản…
Đinh Ngọc, Hồng Giang, Thái Học, Nguyễn Linh
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/ky-1-khi-chuc-sac-chuc-viec-nha-tu-hanh-lam-dai-bieu-nhan-053614.htm