Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Các bài đăng mua – bán data khách hàng trong nhóm trên mạng xã hội facebook. Ảnh chụp màn hình
Hôm trước mua hàng, hôm sau đã có cuộc gọi lừa đảo
Không ít lần chị Nguyễn Thị Phượng (quận Long Biên) nhận được những cuộc gọi giao hàng nói đúng món đồ chị vừa đặt hôm trước. Vì đã lưu số shipper thường giao ở khu vực nhà mình, nên chị tránh được việc lừa đảo để chuyển khoản, song sự việc diễn ra nhiều lần khiến chị hoang mang.
Chị Phượng cho hay, kể cả đặt tại website của nhãn hàng hay qua sàn thương mại điện tử, cứ đặt hôm trước là hôm sau có cuộc gọi tự nhận shipper giao hàng sản phẩm đó. Có nhiều lý do khiến chị xác định được cuộc gọi lừa đảo, một là, đối tượng gọi không nói được nhãn hiệu sản phẩm.
Hai là, sản phẩm mua có kho hàng trong TP Hồ Chí Minh, việc giao hàng sau một ngày hiếm khi xảy ra, bên cạnh đó số máy gọi là số chưa từng gọi cũng hầu như không hiểu biết về địa bàn nơi chị sống. “Lộ lọt thông tin do đâu? Tại sao tôi đặt hàng không qua kênh trung gian mà ngay lập tức các đối tượng lừa đảo đã có thông tin. Việc tuồn thông tin khách hàng ra ngoài là do chính nhân viên tại các website bán hàng hay do đơn vị vận chuyển?” - chị Phượng đặt câu hỏi.
Mở loa ngoài cho mọi người cùng nghe cuộc gọi có đối tượng tự xưng là nhân viên điện lực quận Bắc Từ Liêm, anh Lê Hải (quận Bắc Từ Liêm) bức xúc nói: “Tôi cảm thấy bất an khi các thông tin của mình bị lọt, lộ ra ngoài. Người trẻ còn có thể tránh, chứ các cụ già trong trường hợp này sẽ xử lý ra sao?”.
Việc lộ lọt thông tin cũng được các đại biểu Quốc hội phản ánh nhiều tại nghị trường. Cụ thể, tại phiên thảo luận về dự án Luật Dữ liệu trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 11/2024), đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) dẫn chứng: "Kể cả việc tôi thanh toán tiền điện, nước qua app cho gia đình ba mẹ tôi họ cũng biết, gọi ra để đe dọa. Đó là vấn đề dữ liệu đã bị lọt ra ngoài".
Ảnh minh họa.
Mua data người dùng dễ dàng
Mặc dù không còn tràn lan như trước, nhưng hiện tại, việc mua - bán data trên mạng xã hội vẫn hoạt động ngang nhiên. Trên facebook, chỉ cần gõ tìm kiếm “data khách hàng”, “dữ liệu khách hàng”, “data khách hàng tiềm năng” hoặc mua bán data chất lượng… có thể tìm thấy hàng chục hội nhóm và nhiều tài khoản cá nhân rao bán đủ loại. Ghi nhận 1 ngày ở nhóm mua bán data khách hàng với hơn 11.000 thành viên đang hoạt động nhộn nhịp, thấy có đến hàng chục thông tin rao bán - cần mua được đăng tải với đủ các nội dung.
Như tài khoản Huy Thủy Tinh đăng công khai: “Data khách hàng đặt hàng trên các sàn shoppee tiktok lazada trong ngày (có mã vận đơn). Ngoài ra có bán: data điện lực mới nhất toàn quốc; data chuyến bay VJ và VNA trước 24 tiếng bay có code; data Đông Y Phong Thủy TPCN Mỹ Phẩm; data DN, hộ kinh doanh; data vay vốn, trả góp, tài chính, thế chấp, tín dụng; data game và casino các trang nóng lạnh”. Tài khoản Minh Trung thì đăng giới thiệu đơn giản: “Chào mọi người, bên mình đang có data số điện thoại các shop bán hàng online và các DN. Bạn nào cần inbox mình nhé!”…
Không chỉ người bán, nhiều người vào đó gửi thông tin dữ liệu cần mua. Đơn cử một tài khoản đăng: “Em cần mua data của các mẹ mới sinh. Cần bảo đảm số lượng và uy tín, có cho test”... Dĩ nhiên, có cung ắt có cầu, việc rao bán hay cần mua ngay lập tức nhận được những bình luận quan tâm.
Trong vai một người cần mua dữ liệu khách hàng VIP để phục vụ kinh doanh, liên hệ với một số facebook rao bán dữ liệu khách hàng. Với tài khoản tên Huy, nhận được báo giá theo số lượng, cứ 1.000 số điện thoại sẽ có giá khoảng 120 - 150 ngàn đồng. Theo Huy, hiện đang có danh sách khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng với số dư từ 10 tỷ đồng trở lên hay dân cư các chung cư cao cấp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội...
Không chỉ data thông tin cơ bản của khách hàng, các hội nhóm còn công khai rao bán những thông tin riêng tư cá nhân, bị pháp luật nghiêm cấm. Một tài khoản rao bán data cho hay trong danh sách của mình có các dạng data hiếm như khách gửi tiết kiệm ngân hàng, khách sở hữu biệt thự và chung cư cao cấp, khách hàng nữ chi tiền tỷ làm đẹp tại các thẩm mỹ viện. Điểm chung của các website và tài khoản trên là đều cam kết về chất lượng dữ liệu, đồng thời yêu cầu giao dịch thông qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử và gửi dữ liệu bán qua email. Khi giao dịch hoàn tất, người mua có thể ngay lập tức tải tập tin chứa danh sách khách hàng.
Để đối phó với lực lượng chức năng, các đầu mối bán data còn triệt để sử dụng công nghệ. Tại nhiều trang web, chỉ cần nạp tiền, chọn loại data và số lượng muốn mua, người có nhu cầu sẽ nhanh chóng được điều hướng đến một đường link tải "sản phẩm". Tất cả các giao dịch được thực hiện nhanh chóng, thậm chí không cần liên hệ với người bán mà vẫn có thể mua được.
(Còn nữa)
Ngày 3/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 29/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng với những chỉ đạo mạnh mẽ từ Chính phủ, dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được cho là cần thiết, cấp bách điều chỉnh lĩnh vực này để chống tội phạm trên mạng xâm phạm dữ liệu cá nhân và có nhiều vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, phù hợp với chủ trương chuyển đổi số quốc gia.
Minh Dương