Lào Cai là một trong 15 tỉnh vùng TD&MNPB có nhiều dư địa cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Kinh tế tư nhân vùng Trung du và miền núi phía Bắc vươn mình cùng đất nước
LTS: Thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chỉ đạo về kinh tế tư nhân. Mới đây nhất, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết: “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức về vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, đồng thời mang tầm nhìn chiến lược đối với định hướng phát triển đất nước.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc với đặc thù là khu vực có địa lý khó khăn; là nơi tập trung sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với trình độ dân trí còn hạn chế. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã dồn nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển vùng này. Cùng với đó, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân, kinh tế tư nhân của vùng cũng đang ngày một lớn mạnh, đóng góp rất tích cực vào sự phát triển chung của vùng và của cả nước.
Khát vọng cống hiến của nhiều doanh nghiệp
Vùng TD&MNPB hiện có 15 tỉnh gồm: Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình.
Năm 2024, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính), mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng này ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao nhất cả nước với khoảng trên 9%. Dự báo trong năm 2025 này, GRDP vùng TD&MNPB tiếp tục phát triển mạnh mẽ, có những tỉnh phát triển trên mức 10%.
Năm 2024, một số tỉnh TD&MNPB có số thu ngân sách lớn như Vĩnh Phúc hơn 31.000 tỷ đồng, Bắc Giang khoảng 21.000 tỷ đồng, Thái Nguyên hơn 20.000 tỷ đồng, Lào Cai gần 13.000 tỷ đồng, Lạng Sơn hơn 10.000 tỷ đồng...
Để có được những con số phát triển ấn tượng trên, ngoài doanh nghiệp (DN) nhà nước, cộng đồng DN tư nhân tại vùng này có những đóng góp rất tích cực. Nhiều DN là “sếu đầu đàn” của KTTN Việt Nam đã về đây “làm tổ”, có thể kể đến như Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ), Masan High-Tech Materials (Masan Núi Pháo - Thái Nguyên), Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức (Vĩnh Phúc), Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T, Geleximco, Bitexco... Đây đều là những DN có thương hiệu lớn, không chỉ mang tầm quốc gia mà còn vươn mình mạnh mẽ ra quốc tế, có những đóng góp lớn cho ngân sách địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động.
Cùng với các DN lớn trên cả nước chung địa bàn kinh doanh, đội ngũ DN tại các địa phương thuộc vùng TD&MNPB cũng ngày càng đông đảo và lớn mạnh, hoạt động ở nhiều lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, khai khoáng, dịch vụ, xuất nhập khẩu, du lịch...
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai, mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động nhưng đội ngũ doanh nhân, DN tỉnh Lào Cai nói riêng và DN vùng TD&MNPB nói chung luôn đầy nhiệt huyết, có khát vọng làm giàu, năng động, độc lập, tự chủ, tự cường. Trong thời gian tới, cộng đồng DN cũng sẽ chủ động và ngày càng khẳng định vai trò tiên phong, là lực lượng dẫn đầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.
Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Nguyễn Hải)
Nói về KTTN, nữ Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Phát triển KTTN - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, đã đánh giá những thành công trên chặng đường gần 40 năm đổi mới của đất nước có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực KTTN, cùng với đó là những Nghị quyết sắp tới của Bộ Chính trị về KTTN sẽ khuyến khích, hỗ trợ và định hướng sự phát triển của KTTN, tạo sự đột phá, mở ra kỷ nguyên vươn mình của DN tư nhân Việt Nam. Tôi tin rằng sự ghi nhận của Tổng Bí thư cũng là động lực để các DN, doanh nhân cả nước nói chung và DN Lào Cai, vùng TD&MNPB nói riêng trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”.
Dư địa cho doanh nghiệp tư nhân phát triển
Theo ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Lào Cai, dù vừa phải trải qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, năm ngoái lại chịu cơn bão số 3 tàn phá nặng nề, nhưng hoạt động của các DN tại Lào Cai đang có sự phục hồi tích cực. Số DN và vốn đăng ký mới tiếp tục tăng ở những lĩnh vực cần thu hút đầu tư. Hầu hết số DN sau cơ cấu lại có kết quả sản xuất kinh doanh đạt khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực theo hướng phát triển bền vững.
“Trong năm 2024, cơ quan nhà nước đã cấp giấy đăng ký kinh doanh cho 700 DN và 60 đơn vị trực thuộc với tổng vốn đăng ký đạt 6.700 tỷ đồng. Hiện Lào Cai có khoảng 4.300 DN đang hoạt động”, ông Long cho biết và nói thêm rằng, nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng DN đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai phát triển, góp phần quan trọng để năm vừa qua, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 13.000 tỷ đồng, mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.
Ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh Sơn La cho biết, những năm qua, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh Sơn La không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vượt mọi khó khăn và có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện Sơn La có gần 3.700 DN đang hoạt động, tạo công ăn việc làm cho trên 10 vạn lao động. Thông qua các chính sách về thu hút đầu tư và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, nhiều DN đã chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín chất lượng, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Theo ông Sơn, Sơn La nói riêng và vùng TD&MNPB nói chung có tiềm năng, lợi thế khi được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều vùng đất màu mỡ, khí hậu mát lành để hình thành các khu du lịch, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... “Nhờ khai thác những lợi thế này các DN trên địa bàn tỉnh Sơn La đã không ngừng lớn mạnh”, ông Sơn nói và cho biết, sự phát triển của đội ngũ DN đã đóng góp quan trọng vào việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, phát triển, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo.
Còn theo lãnh đạo Hiệp hội DN tỉnh Yên Bái, địa phương này sở hữu tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú và độc đáo. Thiên nhiên ưu đãi cho Yên Bái cảnh quan hùng vĩ, đặc biệt là các danh thắng như ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hồ Thác Bà, suối Giàng, khoáng nóng Trạm Tấu và các đỉnh núi cao như Tà Xùa, Tà Chì Nhù, Lùng Cúng. Những địa danh hùng vĩ từ lâu đã trở thành điểm đến lý tưởng dành cho du khách yêu khám phá, thích trải nghiệm.
Ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hưng Việt (Hưng Việt Travel), tỉnh Yên Bái cho biết, những lợi thế về thiên nhiên và văn hóa của Yên Bái là nguồn lực để DN phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Đặc biệt, sự quan tâm và hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, xúc tiến quảng bá du lịch cũng là yếu tố thuận lợi thúc đẩy DN tăng trưởng bền vững, mở rộng hoạt động, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị tiềm năng sẵn có.
Giám đốc Hưng Việt Travel cho biết thêm, tiềm năng phát triển của các DN địa phương tại Yên Bái nói riêng và tại vùng TD&MNPB nói chung còn rất lớn, nhiều dư địa. “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh liên kết với các công ty lữ hành trong và ngoài nước, sử dụng các nền tảng số để quảng bá hình ảnh du lịch Yên Bái rộng rãi hơn”, Giám đốc Hưng chia sẻ về hướng phát triển trong tương lai.
“DN sẽ tiếp tục phối hợp với người dân địa phương, đào tạo kỹ năng du lịch, tạo sinh kế bền vững, từ đó vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội”, ông Hưng nói thêm.
Ông Hoàng Mạnh Duy, Phó Giám đốc điều hành Khu du lịch Mộc Châu Island (Sơn La). (Ảnh: Văn Định)
Ông Hoàng Mạnh Duy, Phó Giám đốc điều hành Khu du lịch Mộc Châu Island (Sơn La) cho biết, với những lợi thế tại đây như thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu ôn hòa, nhiều sản phẩm nông nghiệp, việc thu hút du khách đến với Mộc Châu trong thời gian qua rất sôi động, nhất là trong những tháng đầu năm, đem đến cho địa phương sự phát triển và dấu hiệu tích cực của ngành du lịch. Du lịch phát triển, kéo theo nhiều ngành dịch vụ của tư nhân khác phát triển theo.
Theo ông Duy, thời gian vừa qua, Khu du lịch Mộc Châu Island đã có nhiều hoạt động kích cầu phát triển du lịch và thu hút du khách. Bên cạnh các hoạt động giải trí tại khu du lịch, Công ty đã lồng ghép các nội dung văn hóa để đưa đến cho du khách những lễ hội truyền thống độc đáo như: Lễ hội cầu mưa, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Thái Trắng, Mường Sang, Mộc Châu. Hay những sự kiện thường niên như cầu kính Bạch Long Enduro, Giải đua xe moto địa hình... Những hoạt động và sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo đã ngày càng thu hút khách du khách, từ đó DN cũng “lớn mạnh” hơn.
(Còn tiếp)
Định hướng phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng TD&MNPB thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh: Vùng TD&MNPB phát triển kinh tế trên cơ sở tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng và quốc tế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp giá trị cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch, kinh tế rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng...
Minh Hữu - Quốc Định - Xuân Hồng - Nguyễn Hải