Kỳ 1: Từ một thuật ngữ bị hiểu sai

Kỳ 1: Từ một thuật ngữ bị hiểu sai
6 giờ trướcBài gốc
Theo một số ý kiến, thuật ngữ từng gây tranh cãi này xuất hiện từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, khi chữ cái "O" được dùng để đánh dấu một bệnh nhân đặc biệt bị hiểu nhầm là "số 0" và cụm từ "bệnh nhân số 0" cũng ra đời từ đó. Mặc dù trường hợp này đã được minh oan năm 2016 nhưng câu chuyện về các "bệnh nhân số 0" điển hình trong thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI vẫn ẩn chứa không ít điều bất ngờ.
"Có thể hiểu "bệnh nhân số 0" là sự khởi đầu ám ảnh khi thường được áp dụng cho trường hợp đầu tiên mang mầm bệnh dịch nghiêm trọng đến khu vực người đó trú ngụ, rộng hơn là vùng miền, đất nước và cũng có thể hiểu đây là sự bắt đầu của nỗi ám ảnh dịch bệnh", một chuyên gia y tế giải thích.
Theo giới y khoa, ngay từ năm 1981 một căn bệnh lúc đó chưa tìm ra nguyên nhân làm suy giảm miễn dịch ở người đồng tính tại bang California, Mỹ đã được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ghi nhận, tạm gọi là GRID (Gay Related Immune Deficiency - tên trước đó của HIV/AIDS) và nam tiếp viên hàng không người Pháp gốc Canada - Gaetan Dugas (SN 1953) đã trở thành "bệnh nhân số 0" đầu tiên mang virus của "căn bệnh thế kỷ” HIV/AIDS đến khu vực Bắc Mỹ vào thời điểm trên.
Gaetan Dugas
Bi kịch với Gaetan Dugas cũng bắt đầu từ đây khi thực tế lại xuất phát từ một nhầm lẫn tai hại. Trong hồ sơ của Gaetan Dugas, các bác sĩ ghi chú "patient O", chữ cái O được hiểu là viết tắt của "Out of California", có nghĩa là bệnh nhân đã không còn ở bang này trước khi dịch bệnh bùng phát. Mặc dù vậy, do nét chữ không rõ ràng của một chuyên gia y tế thuộc CDC Mỹ mà từ đó đã bị hiểu nhầm thành "số 0" (zero). Từ đó, tình trạng của nam tiếp viên hàng không tiếp tục bị thêu dệt để trở thành nỗi ám ảnh suốt đời của anh lẫn gia đình, khi "bệnh nhân" này bị chỉ trích suốt nhiều năm sau đó, mặc nhiên trở thành "đối tượng chống đối xã hội với đời sống tình dục đáng chê trách".
Việc này có một phần lỗi của giới truyền thông khi Tạp chí National Review từng cho Gaetan Dugas là "người đầu tiên trong chuỗi lây truyền "căn bệnh thế kỷ” nghiêm trọng HIV/AIDS; trong khi Báo New York Post cho rằng "Dugas là nguyên nhân làm lây lan HIV/AIDS" cho nhiều người. Mãi đến năm 2016, nỗi oan của nam tiếp viên hàng không mới được giải sau nhiều thập kỷ nhờ Tạp chí Nature nêu rõ virus HIV đã xuất hiện ở Mỹ trước đó 10 năm xuất phát từ một dịch bệnh ở Caribbean.
"Bệnh nhân số 0" thường được dùng để mô tả người đầu tiên nhiễm một loại bệnh nghiêm trọng nào đó được ghi nhận và báo cáo cho cơ quan quản lý về y tế. Điều mâu thuẫn là trong khi nhiều chuyên gia ngành này không thích thuật ngữ trên và tránh sử dụng vì cho rằng một khi đã xác định người nào đó là "bệnh nhân số 0" sẽ tạo cảm giác đổ lỗi cho người đó là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh bùng phát, dù vẫn chưa thông qua hội chẩn chuyên môn. Trái lại, một số nhà khoa học cho rằng, ca bệnh đầu tiên sẽ trở thành tiền đề quan trọng để phân tích, đánh giá và đưa ra phác đồ điều trị lẫn cách phòng, chống, dù có thể trong nhiều đại dịch truyền nhiễm, khó thể xác định được bệnh nhân nào mang con số ám ảnh trên.
Chính vì thế, nhiều chuyên gia y tế cho rằng trường hợp xảy ra dịch bệnh, thuật ngữ người "siêu lây nhiễm" và "siêu phát tán" mới là vấn đề cần được quan tâm. Nhiều năm sau, dù cụm từ "bệnh nhân số 0" vẫn tồn tại nhưng rút kinh nghiệm từ sai lầm trên, các y bác sĩ rất hạn chế sử dụng.
Mặc dù Gaetan Dugas đã được giải oan nhưng thuật ngữ "bệnh nhân số 0" vẫn tồn tại, tiếp tục gây nhầm lẫn và tò mò về cách dịch bệnh lây lan ở mỗi quốc gia và trên thế giới.
(Còn tiếp...)
NGUYỄN XUÂN (Theo Toutiao, The Paper)
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/quoc-te/ky-1-tu-mot-thuat-ngu-bi-hieu-sai_172754.html