Kỳ 2: Ám ảnh hai tiếng 'Lá Vàng'

Kỳ 2: Ám ảnh hai tiếng 'Lá Vàng'
2 giờ trướcBài gốc
Ổn cư ở Hô Gia được một thời gian thì người La Hủ ở các nơi cũng lục tục về ở cho ấm bản. Chẳng phải lập bản mới là đã có tương lai mới được ngay đâu. Dân vẫn nghèo, đói lắm. Ấy là những năm 1995 – 1996, lúc đó Lò Hừ đã 14 tuổi rồi, biết nghĩ rồi, nhưng chưa biết làm sao để bụng mình hết đói, nhà mình hết nghèo, và dân mình hết khổ. Bấy giờ, nhờ ở quần cư mà các đồng chí bộ đội biên phòng đã tìm được bà con. Các anh, các chú bộ đội biên phòng ở Đồn Pa Ủ đã luân phiên đến bản để vận động bà con thôi bước du cư, để ổn định cuộc sống.
Thương dân, các anh bộ đội còn vào rừng xẻ gỗ, dựng cho bà con những ngôi nhà ấm tình quân – dân. Thấy bà con chả có cái ăn, các anh mang gạo, cá khô, lạc rang, thịt hộp đến cho mỗi hộ một ít, rồi dạy bà con thêm kỹ thuật canh tác. “Trong những lần tuyên truyền, các anh ấy thường nói: thực hiện đường lối của Đảng. Lúc ấy tôi mới ngờ ngợ về Đảng và nhớ lại lời ông ngoại tôi (Phản Xạ Chừ), cũng là một đảng viên mỗi khi về thăm con, cháu cũng nói về Đảng. Kỳ thực thì tôi cũng chỉ mường tượng về Đảng là một đấng tài tình nào đó được “người trên” cử xuống chỉ cách cho người La Hủ thoát nghèo mà thôi. Tôi nghĩ vậy và vô cùng tôn kính Đảng” – Lò Hừ nhớ lại.
Có nhận thức, được tiếp cận với thế giới bên ngoài qua những người đảng viên mang áo lính, anh mới biết thêm một cái tên khác về tộc người của mình: Lá Vàng. Nghe các anh bộ đội phân tích, lại được một đảng viên vô cùng gần gũi khác là ông ngoại giảng giải, cộng với những ký ức đã ám ảnh suốt tuổi thơ về cái đói, cái nghèo, anh ngộ ra, phải làm theo cách mà những người đảng viên nói mới hết bị cái bụng dày vò. Niềm tin ấy, cộng với sự ám ảnh bởi hai tiếng Lá Vàng, khiến Lò Hừ như quên đi chuyện da bụng đang dính vào lưng mà nhất quyết cầm cuốc ra rừng, phát nương làm rẫy, dù lúc đó ông Lò Gia đã có kế hoạch chuyển đi nơi khác, để bám vào sự hào sảng mong manh của mẹ thiên nhiên mà lay lắt hết đời. 14 tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng Lò Hừ đã nhất quyết: Bố mẹ muốn du canh du cư thì cứ đi một mình. Con với em ở lại. Bố mẹ không nhớ lời cán bộ bộ đội à? Thấy anh cương quá, lại có “lý luận” của cán bộ biên phòng “chống lưng”, bố mẹ Lò Hừ đành phải xuôi theo mà ở lại…
Với suy nghĩ “có làm thì mới có ăn”, Lò Hừ không sợ phồng tay vì phát nương, không sợ gẫy lưng vì cuốc đất nên chẳng mấy anh đã có trảng nương đầu tiên. Còn hạt giống thì… chẳng có. Lại cuốc bộ hàng ngày trời đi đến các bản vay mượn và lên Đồn biên phòng Pa Ủ xin giống. Bà con, bộ đội cũng chẳng có nhiều. Thôi, ít cũng là may rồi! Thế nhưng đâu phải chỉ cần có giống, có nương, có quyết tâm là đủ, phải có kỹ thuật nữa chứ. “Đang loay hoay không biết làm sao, một hôm có các anh đảng viên ở xã và đồn biên phong vào nhà bảo: phải có cách làm, kỹ thuật thì cây lúa mới gục đầu, cây ngô mới đẫy bắp. Các anh ấy còn dạy tôi thế nào là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Tôi ngộ ra, hóa ra lâu nay tôi làm bằng bản năng chứ chưa có kỹ thuật gì”. Được điểm hóa, anh lại lặn lội luồn rừng, ngược suối, mấy ngày trời ra tận Bản Giẳng (xã Mường Tè) để làm thuê cho những người dân tộc Thái để học cách họ trồng trọt, chăn nuôi. Học được cách gì mới, anh liền áp dụng với gia đình mình. Đầu tiên là cách trồng lúa nương. Không phải chỉ là vãi giống ra nương rồi về chờ lúa chín. Mà còn phải lấp hạt, bón phân, xới đất, canh chim… Rồi thì con lợn, con gà không phải cứ có giống là có trứng ăn, có lợn để mổ, mà phải làm chuồng cho ở, làm máng cho ăn thì nó mới lớn, mới sinh sôi.
Được “tập huấn” từ những người anh em khác tộc, lại được sự động viên của những cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pa Ủ, Lò Hừ càng tin mình sẽ “giải được lời nguyền” về dân tộc Lá Vàng. Nhưng điều mà những cán bộ, chiến sỹ biên phòng mừng nhất không phải là Lò Hừ đã biết phát triển kinh tế mà anh có đủ bản lĩnh để vượt qua “cơn lũ đen” – thuốc phiện. Những năm ấy, nghiện thuốc phiện còn là vấn đề nhức nhối hơn cả cái đói, cái nghèo. Có những năm, báo cáo phát triển kinh tế - xã hội của xã đã đặt vấn đề cai nghiện làm nhiệm vụ hàng đầu. Nhưng riêng với Lò Hừ, anh đã biết rằng tìm kiếm sự sung sướng trong làn khói huyễn hoặc của tiên nâu không phải con đường sáng, bởi sau khi được cán bộ, đảng viên ở xã, ở Đồn Biên phòng Pa Ủ tuyên truyền, anh đã thấy cái vòng luẩn quẩn nghèo – nghiện. Thế nên, niềm vui của anh là những trảng nương mới mở, những thân lúa trổ đòng và anh cũng hiểu, giấc mơ bát cơm đầy với cái bụng no phải nằm ở bàn tay, nằm ngoài nương, ngoài lán thay vì chân co chân duỗi bên bàn đèn.
Ai đã từng đến với Pa Ủ trước những năm 2000 đều thấy rằng, loại hoa quả “chủ lực” của đồng bào chỉ là cây chuối, cây đu đủ. Thấy trên Đồn Biên phòng Pa Ủ có cây lê, cây đào, giàn bầu, giàn mướp, tuy hơi ngại, nhưng anh vẫn bạo mồm hỏi xin giống về trồng. Một hôm, anh nghe một cán bộ biên phòng mách, ở các xã bên, đồng bào người Hà Nhì, người Mông đang giàu lên nhờ cây thảo quả. Anh như vỡ ra mình bỏ lỡ điều gì. Anh bàn với em trai tìm cách thử vận may. Rồi hai anh em, ôm 3 con gà trống, lặn lội 3 ngày trời đi sang xã Ka Lăng (Mường Tè) để “tầm sư”. Ngày ấy chẳng có đường, hai anh em cứ phải đẵn cây, vạch cỏ, nhằm hướng Bắc mà đi. Cả ngày đi núi mà chỉ được ăn một bữa, mà không phải bữa cơm, chỉ là sắn luộc. Ăn đã chả đủ no, vậy nhưng vẫn phải bẻ ra mà cho gà nó ăn, kẻo nó chết mất thì “cụt vốn”. Cứ như vậy, khát uống nước suối, đói thì tìm lá rừng mà ăn, hai anh em Lò Hừ cũng đến được bản Nhóm Pó để tìm, đổi giống thảo quả. “Cũng may, đồng bào bên đó cũng tốt bụng, không những cho hai anh em tôi ăn cơm, lại cho ở nhờ để học cách trồng thảo quả mà khi trở về còn chấp nhận đổi 80 cây thảo quả giống, lấy 3 con gà. Và đó là những cây thảo quả đầu tiên của tôi và cũng là mô hình thảo quả đầu tiên của xã Pa Ủ”.
Sau ngô, sau lúa, thảo quả thì đến cây quả đỏ. Loại cây này vốn mọc thực sinh ở rừng, nó cũng có họ hàng với thảo quả, bán cũng được giá cao mà canh tác lại đơn giản, chỉ là lâu nay, bà con ở đây còn đắm chìm trong thuốc phiện nên bỏ bẵng đi. Biết nó là cây có giá trị, nên anh lại lặn lội đi rừng để lấy giống về ươm ở nương nhà mình. Rồi sau đó lại đến cây sa nhân, cây quế, mắc ca… tất cả đều xanh tốt trên những mảnh nương của gia đình anh. Đồng thời với trồng trọt, anh cũng đẩy mạnh chăn nuôi. Thì cũng là đổi thóc, đổi ngô lấy giống mà nuôi chứ lúc đầu thì nhà anh cũng làm gì có giống. Thế mà đến nay, đàn bò anh có vài trăm con, đàn dê cũng thế, lợn thì vài chục con để làm thực phẩm, gà vịt thì không thèm tính đến.
Nhắc đến Pờ Lò Hừ, đồng chí Đao Văn Thức - Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ khẳng định: “Pờ Lò Hừ không chỉ nổi tiếng về ý chí, nghị lực, tính chịu thương, chịu khó mà còn là người tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất. Khi anh ấy áp dụng những cách làm mới vào mô hình kinh tế của gia đình mình thành công thì luôn luôn tìm cách để dân bản mình áp dụng, từ đó giúp bà con cùng nhau thoát nghèo”.
Hôm nay nhìn lại quá trình mình vượt khó vươn lên, Lò Hừ cũng chẳng biết sức mạnh nào đã giúp mình vượt qua được những đận thập tử nhất sinh trong quá khứ. Nhưng như anh nhận định: “có lẽ tôi bị ám ảnh bởi cái đói, cái nghèo và cũng xấu hổ khi nghe ai đó nói mình là dân tộc Lá Vàng, nên khi được các đảng viên, cán bộ hướng dẫn, tôi như được vén mây để thấy mặt trời. Mà quả đúng là mặt trời thật, nếu không có cơ duyên gặp được những người như thế, có lẽ tôi vẫn còn chìm trong tối tăm của đói nghèo và lạc hậu”.
Khánh Kiên - Hà Dũng - Đồ họa: Ngọc Duy
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/h%E1%BB%8Dc-t%E1%BA%ADp-l%C3%A0m-theo-b%C3%A1c/k%E1%BB%B3-2-%C3%A1m-%E1%BA%A3nh-hai-ti%E1%BA%BFng-l%C3%A1-v%C3%A0ng