Kỳ cuối: Dù nguyên nhân gì, đều bị xử lý nghiêm minh

Kỳ cuối: Dù nguyên nhân gì, đều bị xử lý nghiêm minh
4 giờ trướcBài gốc
Coi thường pháp luật sẽ phải trả giá đắt
Khi nữ nhân viên ngân hàng bị đánh, nhiều người đứng xem, không can ngăn. Ảnh cắt từ clip
Thương tích dưới 11%, vẫn bị xử lý hình sự
Về vụ án đánh ghen nhân viên ngân hàng ở Cần Thơ xảy ra ngày 1/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ninh Kiều đã khởi tố vụ án "Cố ý gây thương tích", "Làm nhục người khác" và "Gây rối trật tự công cộng". Dưới góc nhìn pháp lý, TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật Việt Nam bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân. Hành vi cố ý gây thương tích, đánh nhau nơi công cộng, làm nhục người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội hoặc gây ra thương tích cho nạn nhân là hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường: "Hành vi đánh nhau hoặc đánh người nơi công cộng là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi đánh nhau hoặc đánh người nơi công cộng mà chưa gây ra thương tích nghiêm trọng nhưng ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi này cũng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318 BLHS".
Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường, với kết quả xác minh ban đầu từ phía cơ quan chức năng qua clip, lời khai của nạn nhân, lời khai của những người làm chứng thì việc cơ quan điều tra khởi tố hai người phụ nữ này về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự (BLHS) là có căn cứ và cần thiết. “Dù bất kỳ nguyên nhân gì chăng nữa thì hành vi đánh người nơi công cộng là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này được lan truyền trên không gian mạng gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, đe dọa đến sức khỏe, thậm chí tính mạng, danh dự nhân phẩm của nạn nhân, bởi vậy với hành vi này thì CQĐT khởi tố hai người phụ nữ về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318 BLHS là có căn cứ.
Hành vi của hai người phụ nước này không chỉ xâm phạm đến trật tự công cộng mà còn xâm phạm đến sức khỏe và danh dự nhân phẩm của nạn nhân. Bởi vậy trường hợp kết quả nạn nhân có thương tích thì dù thương tích dưới 11% cũng sẽ xử lý hai người phụ nữ này về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 BLHS. Khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm” - TS. Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC
Đăng lên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường, điều đáng chú ý trong vụ việc này là hai đối tượng không chỉ thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích mà còn lột quần áo nạn nhân để người khác ghi hình đăng lên mạng xã hội. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân nên các đối tượng thực hiện hành vi cởi quần áo người khác nơi công cộng là hành vi làm nhục người khác, mục đích của hành vi này là muốn xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân nên việc Cơ quan điều tra xử lý hình sự các đối tượng này về tội "Làm nhục người khác" theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự là có căn cứ.
Đối tượng thực hiện hành vi làm nhục người khác sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền đến 30.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc mức phạt tù cao nhất có thể đến 5 năm tù. Pháp luật bảo vệ sức khỏe, danh dự nhân phẩm của nạn nhân, bảo vệ trật tự công cộng bởi vậy hành vi đánh người phải lột quần áo nạn nhân nơi công cộng là xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ, đối tượng thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với nhiều tội danh, tổng hợp hình phạt sẽ có mức hình phạt rất nghiêm khắc.
Những người ghi hình sự việc để trình báo với cơ quan chức năng, tố cáo sự việc nhưng vẫn đảm bảo được bí mật thông tin, danh dự nhân phẩm của nạn nhân thì có thể không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên người nào thấy nạn nhân bị đánh, bị lột quần áo mà không can ngăn, thản nhiên ghi hình rồi đăng tải lên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác”.
“Người không cứu giúp mà có những hành động, lời nói có tính chất kích động, giúp sức về mặt tinh thần cho đối tượng thực hiện hành vi đánh người có thể bị xử lý với vai trò đồng phạm giúp sức. Nếu lợi dụng nạn nhân trong tư thế sơ hở, bị làm nhục mà vẫn ghi hình trái pháp luật rồi đăng tải lên mạng xã hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân thì người thực hiện cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội danh, trong đó có thể là tội “Làm nhục người khác”, tội “Đưa thông tin trái phép trên mạng xã hội” hoặc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của tổ chức cá nhân”…
Bởi vậy những người chứng kiến sự việc, có clip quay về sự việc thì tuyệt đối không được phát tán mà có thể sử dụng clip đó để trình báo, tố giác với cơ quan điều tra, được xác định là người làm chứng trong vụ án này. Người làm chứng phải khai báo trung thực, sự việc, có nghĩa vụ cung cấp thông tin tài liệu cho CQĐT và tuyệt đối không được thực hiện bất kỳ hành vi nào gây tổn hại đến danh dự nhân phẩm uy tín của nạn nhân” - TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
“Về phía nạn nhân trong vụ việc này thì cũng thiếu kỹ năng sống, hành vi thách thức đối tượng khiến bản thân rơi vào tình trạng nguy hiểm, đây sẽ là bài học cho nhiều người về ứng xử trong cuộc sống. Vụ việc cũng cho thấy sự vô cảm của nhiều người khi chứng kiến sự việc mà không giúp đỡ nạn nhân. Sự thiếu hiểu biết và vô cảm của những người chứng kiến có thể đẩy những người này vào tình huống nguy hiểm, dễ trở thành vi phạm pháp luật nếu thu thập thông tin trái phép và sử dụng sai mục đích” - TS. Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
An Nhiên
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-cuoi-du-nguyen-nhan-gi-deu-bi-xu-ly-nghiem-minh-407699.html