Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) phát biểu thảo luận tổ sáng 12-2. Ảnh:CTV
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 có ý nghĩa rất quan trọng, khẩn trương xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới, đây là vấn đề đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân, cũng là tạo tiền đề về công tác tổ chức, cán bộ tại Đại hội lần thứ XIV của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ làm việc trong 6,5 ngày, từ ngày 12-2 đến ngày 19-2-2025, trong đó làm việc cả ngày thứ bảy để xem xét, quyết định nhiều nội dung: Thứ nhất, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các luật, nghị quyết có tính nền tảng để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn thực sự được "nâng cấp, nâng tầm, chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn"... Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và 5 dự thảo nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 nghị quyết nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình... Thứ ba, Quốc hội sẽ tiến hành một số nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiện toàn các chức danh để bảo đảm tổ chức bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Trong ngày đầu của kỳ họp, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Đề án Bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)...
Quốc hội cũng đã thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 56-NQ/TW, Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kết luận số 111-KL/TW của Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; đồng thời, nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: thẩm quyền của Quốc hội trong làm luật và sửa đổi luật; xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; việc phân định thẩm quyền của Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước...
Trước đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
P.V (tổng hợp)