Kỳ họp thứ 34, HĐND tỉnh: 139 lượt ý kiến thảo luận tại tổ

Kỳ họp thứ 34, HĐND tỉnh: 139 lượt ý kiến thảo luận tại tổ
9 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu thảo luận tại tổ.
Phiên thảo luận tại tổ diễn ra trong không khí sôi nổi, nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn, tập trung, có tính xây dựng cao. Có 37/43 đại biểu phát biểu với 139 lượt ý kiến, trong đó có 115 lượt ý kiến về các báo cáo, 20 lượt ý kiến về các dự thảo nghị quyết (NQ) và 4 lượt ý kiến về vấn đề khác.
Lĩnh vực kinh tế có 60 ý kiến, đại biểu đề nghị UBND tỉnh rà soát, cập nhật đầy đủ số liệu 6 tháng tại báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; báo cáo số liệu có so sánh với chỉ tiêu năm và cả nhiệm kỳ; cung cấp thêm thông tin, kết quả tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm; đánh giá sâu hơn về kết quả thực hiện 3 nội dung đột phá (du lịch, phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển kinh tế cửa khẩu) so với mục tiêu đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; kết quả cụ thể hơn về công tác phòng chống thiên tai, phòng, chống dịch bệnh... Đồng thời cần làm rõ nguyên nhân và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân phụ trách liên quan đến các vấn nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, tạo niềm tin trong dư luận nhân dân; đưa ra các giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn nhằm nâng cao các chỉ số hiện đang đạt thấp, như: Tỷ lệ giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp (27,89%), di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, diện tích rừng trồng mới tập trung giảm, phát triển đa tác dụng những cây dược liệu, cây có giá trị kinh tế dưới tán rừng, làm rõ tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; rà soát, đánh giá lại các tiêu chí nông thôn mới sát với thực tế...
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng sớm thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, cần khảo sát thực địa, lấy ý kiến nhân dân, chính quyền cơ sở; nghiên cứu, đánh giá và triển khai giao dịch tín chỉ carbon, nâng cao giá trị của rừng; quan tâm chỉ đạo để các cơ sở giáo dục giữ được tiêu chí, đạt chuẩn quốc gia; rà soát, nghiên cứu các quy định pháp luật để trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết riêng quy định về bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường, nhằm xử lý các vấn đề về ô nhiễm rác thải, ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết qua công tác đánh giá tác động môi trường của các dự án; chỉ đạo rà soát lại các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã nghiệm thu hoàn thành, phối hợp nhân rộng kết quả thực hiện các dự án, đề tài., đẩy mạnh hơn nữa việc nhân rộng kết quả thực hiện các dự án, đề tài; làm rõ những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, xử lý nghiêm đối với hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh và xác định, xử lý trách nhiệm của các cơ quan quản lý...
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội có 9 ý kiến, đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, sớm ban hành “Đề án phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đánh giá toàn diện thực trạng quản lý và tiềm năng khai thác các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc của Cao Bằng; đánh giá tính hiệu quả, hạn chế, tác động của việc cấp phép hoạt động của xe điện trong Khu du lịch Thác Bản Giốc; xây dựng cơ chế quản lý phù hợp đối với các điểm du lịch có tiềm năng như Đèo 15 tầng (xã Xuân Trường); đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm của các Sở, ngành và các giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên (Tin học, Tiếng Anh), cơ sở vật chất trong các trường học chưa đảm bảo; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, nhất là tại cơ sở y tế tuyến tỉnh; còn nhiều thôn, xóm trên địa bàn tỉnh chưa có sóng điện thoại; tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Công tác Nội vụ, Thanh tra, Tư pháp có 10 ý kiến, tỉnh cần có chiến lược rõ ràng về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, cán bộ trẻ, nhất là ở cấp xã, nhằm đảm bảo chất lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; hướng dẫn chính quyền địa phương các xã, phường sắp xếp lại xóm, tổ dân phố để thuận lợi trong quá trình kê khai, thực hiện các thủ tục hành chính của người dân sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính; hướng dẫn, làm rõ phương án bố trí sắp xếp, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sau ngày 31/5/2026; đánh giá rõ hơn nguyên nhân về chỉ đạo, điều hành dẫn đến giảm chỉ số cải cách hành chính; phân tích cụ thể nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm người đứng đầu của các ngành tham mưu và giải pháp liên quan đến chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 đều giảm so với năm 2023; tăng cường công tác quản lý trật tự an ninh biên giới, quốc gia giải quyết tình trạng buôn bán ma túy, xuất nhập cảnh trái phép, tội phạm xuyên quốc gia, tình trạng buôn lậu thuốc lá lá nơi biên giới diễn ra phức tạp; tỉnh cần tăng cường, quyết liệt trong công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao và tài nguyên môi trường, an toàn thực phẩm; kiến nghị với Trung ương quan tâm giải quyết về nội dung, đối tượng các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG)...
Đại biểu Nông Văn Phong phát biểu tại tổ.
Đối với báo cáo kết quả giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri và ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh trong và sau kỳ họp thứ 26 HĐND tỉnh, khóa XVII; trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 HĐND tỉnh, khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 22 ý kiến. Tập trung vào các nội dung: đề nghị tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị cử tri sau Kỳ họp thứ 34; xem xét khắc phục bất cập rãnh thoát nước gây ngập đường Hồ Chí Minh; khắc phục tình trạng xuống cấp của trạm bơm Nà Dòng phục vụ tưới tiêu thủy lợi từ xã Trường Hà xuống xã Hà Quảng; tiếp tục quan tâm giải quyết nguyện vọng của cử tri liên quan đến một số dự án trên địa bàn huyện Bảo Lâm cũ; cần có thời gian, lộ trình cụ thể giải quyết triệt để vấn đề liên quan đến duy trì dòng chảy tối thiểu tại dự án Nhà máy thủy điện Bình Long và xây dựng đường ống dẫn nước tự chảy mà cử tri đã liến nghị nhiều lần; cần rà soát, xem xét, có phương án xử lý cụ thể đối với những dự án được cấp đất nhưng không đưa vào sử dụng; UBND tỉnh có giải pháp quyết liệt, đưa ra lộ trình cụ thể, để giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri liên quan đến Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao trên địa bàn huyện Quảng Hòa (cũ), làm rõ và giải quyết triệt để kiến nghị của cử tri liên quan đến Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng (Vinafor) thuê đất trồng rừng trên địa bàn các xã: Hòa An, Nguyễn Huệ, Bạch Đằng và một phần của phường Tân Giang không hiệu quả; làm rõ vấn đề cấp kinh phí chi trả lương cho 108 giáo viên dạy hợp đồng cho huyện Bảo Lạc cũ (năm học 2024 - 2025); chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng cầu đi vào xã Kim Cúc bị sập do ảnh hưởng của cơn bão số 3; rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh trả lời có nội dung giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã theo chức năng, thẩm quyền để giải quyết sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn chung cho các địa phương về sắp xếp, tận dụng các trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp hiện có phù hợp với thực tiễn đơn vị hành chính cấp xã (mới); đánh giá thực trạng và đề xuất phương án đầu tư, sửa chữa sân vận động tỉnh; sớm bố trí kinh phí đền bù khi thu hồi đất, cây trồng của người dân trên đất liên quan công tác cắm mốc chỉ giới rừng đặc dụng với các loại đất, rừng khác trong Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén; rõ phương án xử lý, lộ trình cụ thể đối với việc thị trấn Quảng Uyên (cũ) được đo đạc thành lập bản đồ địa chính từ năm 2020 nhưng xảy ra tình trạng sai lệch về ranh giới diện tích của các thửa đất gây khó khăn cho việc đăng ký, kê khai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đề nghị UBND tỉnh bổ sung công trình, dự án: Cải tạo nâng cấp đường tỉnh 204 (đoạn thị trấn Thông Nông - xã Cần Yên), huyện Hà Quảng (cũ) vào danh mục giai đoạn tiếp theo.
Đại biểu Đặng Thị Duyên phát biểu tại tổ.
Phiên thảo luận tại tổ, đại biểu đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề đối với những vấn đề mới, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm được kịp thời, đồng thời, có giải pháp quyết liệt, nhằm giải quyết triệt để các kiến nghị sau giám sát; Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục theo dõi, có những đánh giá cụ thể, sát và xếp loại đúng thực chất đối với đại biểu hằng năm trong thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu tham gia các hoạt động của HĐND tỉnh.
Các đại biểu cho ý kiến về các dự thảo NQ như: Làm rõ thêm đối tượng thụ hưởng của NQ quy định nội dung, mức chi hỗ trợ cho trẻ em là người dân tộc thiểu số học tiếng Việt trước khi vào lớp Một; xây dựng thời gian phù hợp thực hiện nội dung, mức chi thực hiện “Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” và mức hỗ trợ khuyến khích người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ trên địa bàn; xem xét, nghiên cứu xây dựng mức thu phí tham quan di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh đủ điều kiện thu phí; xem xét, làm rõ hơn nội dung mức thu phí, sử dụng nguồn thu phí trong dự thảo NQ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh; xem xét mức thu dịch vụ phù hợp trong xây dựng NQ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định các khoản thu, mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đối với các cơ sở giáo dục công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về thực hiện các CTMTQG; nguồn vốn của 3 CTMTQG đối với tỉnh; tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt thấp; làm rõ giải pháp để triển khai các dự án, CTMTQG đúng quy định, hiệu quả; báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025. Xây dựng bộ chỉ số đánh giá hạnh phúc. Đồng thời, báo cáo bổ sung kết quả về kế hoạch triển khai Phong trào "Bình dân học vụ số" trên địa bàn tỉnh. Xem xét, giải pháp khắc phục đối với các công trình nước sinh hoạt không hoạt động và hoạt động không hiệu quả. Có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm việc bố trí, sắp xếp trụ sở, đầu tư về máy móc, tài sản công, có chính sách hỗ trợ, cải tạo nhà công vụ đáp ứng nhu cầu công tác…cho các đơn vị cấp xã sau sắp xếp.
Sau khi nghe tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ, các đại biểu tập trung thảo luận tại hội trường. Báo Cao Bằng điện tử tiếp tục cập nhật thông tin về nội dung, chương trình kỳ họp tới bạn đọc.
Nhóm phóng viên Điện tử
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/ky-hop-thu-34-hdnd-tinh-139-luot-y-kien-thao-luan-tai-to-3178489.html