Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Nhiều đại biểu đồng tình giảm thuế VAT với tất cả hàng hóa

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Nhiều đại biểu đồng tình giảm thuế VAT với tất cả hàng hóa
7 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Minh Nam phát biểu. Ảnh: TTXVN phát
Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với chủ trương của Chính phủ, đồng thời đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng và kéo dài thời gian thực hiện chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn.
Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) nhất trí với đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT, cho rằng việc mở rộng đối tượng áp dụng là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, góp phần thúc đẩy tổng cầu và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả để khắc phục vướng mắc trong quá trình thực thi, do hiện vẫn còn nhiều loại hàng hóa, dịch vụ bị loại trừ khỏi danh sách được giảm thuế.
Đồng thời, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị đánh giá kỹ tác động đến ngân sách nhà nước, đảm bảo chính sách giảm thuế không ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định tài khóa trung hạn và an toàn nợ công, cũng như đảm bảo sự nhất quán với các chính sách thuế khác như thuế bảo vệ môi trường hay thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) ủng hộ việc kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026. Ông cho rằng, việc trước đây Quốc hội chỉ thông qua giảm thuế trong từng giai đoạn 6 tháng gây thiếu ổn định cho doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch sản xuất – kinh doanh. Việc kéo dài thời gian áp dụng sẽ tạo sự chủ động hơn cho nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp.
Đại biểu Tuấn cũng nhận định, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động và cạnh tranh thương mại gia tăng, Việt Nam cần tăng cường nội lực thông qua kích cầu tiêu dùng. Việc giảm thuế VAT không nên giới hạn ở một số nhóm ngành, mà nên áp dụng rộng rãi để nâng cao sức hấp thụ của nền kinh tế. Đây là giải pháp phù hợp với chính sách tài khóa mở rộng, hỗ trợ hiệu quả cho phục hồi tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 8% như kỳ vọng.
“Tôi đồng tình với việc tiếp tục duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng để tạo động lực cho tăng trưởng. Nếu triển khai hiệu quả, việc giảm thuế sẽ góp phần tăng tiêu dùng nội địa, từ đó bù đắp phần hụt thu 2% và khẳng định tính bền vững của chính sách”, đại biểu Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đồng tình với các ý kiến trước đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng Quốc hội đã nhiều lần thảo luận về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong suốt năm 2024 và tại Kỳ họp thứ 8, nhiều đại biểu đã đề xuất cần kéo dài thời gian áp dụng chính sách này.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, thực tiễn cho thấy việc giảm thuế VAT không làm giảm thu ngân sách mà ngược lại, còn góp phần gia tăng nguồn thu. Điều này phản ánh tác động tích cực của chính sách tới tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là trên 8%, đại biểu nhấn mạnh tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cần đạt mức tăng tối thiểu 12%. Để đạt được điều này, giảm thuế, qua đó giảm giá bán là giải pháp thiết thực giúp kích thích tiêu dùng.
Khẳng định việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT là rất cần thiết, đại biểu cho biết Chính phủ đã trình và Ủy ban thẩm tra cũng thống nhất đề xuất kéo dài thời gian áp dụng chính sách đến hết năm 2026. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ quan điểm nên áp dụng rộng rãi chính sách giảm thuế cho tất cả nhóm hàng hóa, bao gồm cả dịch vụ viễn thông để phát huy tối đa hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng trong nước.
Đỗ Bình (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-nhieu-dai-bieu-dong-tinh-giam-thue-vat-voi-tat-ca-hang-hoa-20250521175439078.htm