Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Các ý kiến cho rằng Luật Quốc tịch Việt Nam sau nhiều năm thực thi đã bộc lộ một số bất cập, chưa theo kịp yêu cầu quản lý trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cải cách hành chính và chuyển đổi số. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật là cần thiết nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục vướng mắc trong thực tiễn, tạo thuận lợi cho người dân và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc tịch.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) cho rằng, tại khoản 2, Điều 11 quy định các loại giấy tờ được dùng để chứng minh nhân thân, trong đó vẫn còn liệt kê loại giấy tờ là "chứng minh nhân dân". Thực tế hiện nay, theo quy định tại Luật Căn cước công dân năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2023), chứng minh nhân dân đã ngừng cấp mới trên toàn quốc, thay vào đó là căn cước công dân gắn chip hoặc căn cước công dân mã vạch.
Như vậy, việc tiếp tục liệt kê "chứng minh nhân dân" trong dự thảo sẽ không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, gây hiểu nhầm hoặc khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn hành chính - tư pháp, làm phức tạp thủ tục cho công dân, nhất là khi nộp hồ sơ quốc tịch tại các địa phương đã hoàn tất chuyển đổi sang căn cước công dân. Do đó, đề nghị bỏ loại giấy tờ "chứng minh nhân dân" ra khỏi các loại giấy tờ được dùng để chứng minh nhân thân.
Tại khoản 2, Điều 16 dự thảo luật quy định "Trẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam nếu cha mẹ thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con vào thời điểm thực hiện thủ tục về khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo hướng dẫn của Chính phủ".
Theo đại biểu, cụm từ "cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam" trong dự thảo là còn chung chung, chưa đủ rõ để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Vì theo quy định của Luật Hộ tịch, UBND cấp huyện là cơ quan thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, từ ngày 1/7/2025 sẽ kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện.
Vì vậy, nếu luật không quy định lại rõ cơ quan có thẩm quyền thì sẽ gây lúng túng trong xác định thẩm quyền xử lý quốc tịch cho trẻ, ảnh hưởng quyền lợi của trẻ sinh ra tại các địa phương đang trong quá trình tinh gọn bộ máy, đồng thời khó khăn trong phối hợp quản lý liên ngành giữa hộ tịch - tư pháp - quốc tịch - cư trú.
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đại biểu đề nghị bổ sung một khoản chuyển tiếp trong luật như sau: "Trường hợp cơ quan hành chính cấp huyện không còn hoạt động do sáp nhập, chuyển đổi, thì thẩm quyền quy định tại luật này được thực hiện bởi cơ quan hành chính kế thừa hoặc cơ quan được Chính phủ chỉ định".
Tại Điều 19 về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh cho rằng, các điều kiện nhập quốc tịch theo quy định hiện hành như yêu cầu cư trú hợp pháp 5 năm, biết tiếng Việt, có khả năng đảm bảo cuộc sống là cần thiết. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, quy định này đã bộc lộ những bất cập, cụ thể là: Thiếu cơ chế đặc thù cho những người gốc Việt Nam ở nước ngoài muốn trở về quê hương; cân nhắc khi áp dụng cho nhóm người có hoàn cảnh nhân đạo, có vợ/chồng là người Việt, hoặc có đóng góp cho đất nước; chưa phản ánh đúng chủ trương "đại đoàn kết dân tộc" và thu hút người tài, người Việt toàn cầu về với Tổ quốc.
Đại biểu đề nghị nên giữ nguyên các điều kiện cơ bản, nhưng đồng thời mở rộng đối tượng được đặc cách, miễn một hoặc một số điều kiện trong các trường hợp như: Người có vợ/chồng, con là công dân Việt Nam; người có cha mẹ, ông bà là người Việt Nam; người có công lao, đóng góp cho Việt Nam trên lĩnh vực khoa học, đầu tư, giáo dục; trường hợp nhân đạo, người cao tuổi, người tị nạn hoặc không có quốc tịch.
Đồng thời để tăng tính khả thi, cần bổ sung quy định về cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam và hội nhập cộng đồng thay thế cho một số yêu cầu hình thức như cư trú hoặc tiếng Việt, nhất là với người đã có ràng buộc gia đình, nghề nghiệp tại Việt Nam.
Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật, nhất là để đáp ứng tốt hơn nguyện vọng chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài muốn được trở lại quốc tịch Việt Nam. Đồng thời, qua đó tạo điều kiện, khuyến khích, thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước trở về quê hương đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc – đúng như định hướng của Đảng và Nhà nước
Đại biểu cho rằng việc quy định yêu cầu chỉ có một quốc tịch và thường trú tại Việt Nam đối với các nhóm đối tượng được bầu cử, bổ nhiệm, tuyển dụng vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và lực lượng vũ trang là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo luật lại đưa ra ngoại lệ là "trường hợp có lợi cho Nhà nước và xã hội, không phương hại đến lợi ích quốc gia". Đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng khi quy định các ngoại lệ này, đặc biệt là không nên áp dụng rộng rãi cho tất cả nhóm đối tượng nêu trên. Đại biểu cho rằng, chỉ nên áp dụng ngoại lệ đối với một số đối tượng cụ thể như người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các đơn vị sự nghiệp công lập, nơi cần thu hút nhân tài và phải kèm theo điều kiện rõ ràng, chặt chẽ…
Đỗ Bình (TTXVN)