Thừa nhận nguyên tắc đa quốc tịch phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế

Thừa nhận nguyên tắc đa quốc tịch phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế
4 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, chiều 17-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ thảo luận tại tổ. Ảnh: Quochoi.vn
Bảo hộ công dân trong trường hợp đa quốc tịch
Thảo luận tại tổ, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an (Đoàn Bắc Ninh) nhấn mạnh sự cấp thiết của việc sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam. Trong đó, cần tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến nhập, thôi, trở lại quốc tịch và những hệ lụy pháp lý phát sinh.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ đề nghị cần bổ sung các đánh giá chi tiết về tính tương thích, sự đồng bộ của quy định về nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Mặt khác, cần quy định rõ các nội dung cơ bản liên quan đến việc xác định nghĩa vụ của công dân Việt Nam khi đồng thời mang quốc tịch nước ngoài.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế giải quyết các vấn đề phát sinh, tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, quản lý công dân, vấn đề xung đột pháp lý và xử lý vi phạm đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ. Ảnh: Như Ý
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội), việc sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam là bước đi quan trọng để “cởi trói” về mặt pháp lý, để người Việt Nam dù đang ở trong nước hay đang an cư, lạc nghiệp ở nước ngoài đều có thể chung tay góp sức, đồng tâm, hiệp lực đưa quê hương - đất nước mình bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Liên quan đến việc cho phép người xin nhập quốc tịch Việt Nam được giữ quốc tịch nước ngoài, đại biểu cho rằng, việc thừa nhận nguyên tắc đa quốc tịch là bước tiến phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và thông lệ pháp lý của nhiều quốc gia phát triển.
Tuy nhiên, dự thảo hiện còn thiếu một nội dung rất quan trọng quy định về bảo hộ công dân trong trường hợp đa quốc tịch. Thực tiễn quốc tế đã ghi nhận nhiều trường hợp xung đột ngoại giao phát sinh khi một công dân mang nhiều quốc tịch gặp vấn đề pháp lý ở nước thứ ba - lúc này có nhiều quốc gia cùng tuyên bố quyền bảo hộ, hoặc không quốc gia nào đứng ra bảo hộ vì không xác định được quốc tịch “hiệu lực” tại thời điểm đó.
“Dự thảo cần bổ sung nguyên tắc về xác định quốc tịch hiệu lực trong trường hợp đa quốc tịch, làm cơ sở để Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo hộ công dân khi họ sinh sống, làm việc hoặc gặp rủi ro pháp lý ở nước ngoài”, bà Trần Thị Nhị Hà kiến nghị.
Cơ chế để Hà Nội tạo thêm nhiều nguồn lực phát triển
Thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) quan tâm đến dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Đại biểu nhất trí với báo cáo thẩm tra với mong muốn tăng cường vai trò của địa phương trong việc tự chủ tạo ra nguồn lực của mình, không trông chờ vào ngân sách trung ương.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) thảo luận. Ảnh: Như Ý
Đối với thành phố Hà Nội, đã có Luật Thủ đô sửa đổi năm 2024 với nhiều cơ chế, chính sách để có thêm nhiều nguồn lực phát triển. Trong Luật Thủ đô sửa đổi ghi rõ, sau này những luật khác ban hành nếu có điều khoản nào trái thì sẽ căn cứ theo Luật Thủ đô. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) dự kiến sẽ bỏ Khoản 7, Điều 34 của Luật Thủ đô.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc bỏ Khoản 7 này phải cân nhắc kỹ vì những đặc thù về vị trí địa chính trị của Thủ đô. Theo đại biểu, việc giữ lại ngân sách trên để Hà Nội đầu tư cho nhiều công trình hạ tầng quan trọng, đặc biệt hỗ trợ cho việc di dời các cơ quan, đơn vị theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là cơ chế để Hà Nội tạo thêm nhiều nguồn lực phát triển.
Về các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (Khoản 2 Điều 35), đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) cho biết, so với quy định của luật hiện hành, dự thảo Luật thay đổi phương thức phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và địa phương. Trong đó, bỏ thời kỳ ổn định ngân sách, bao gồm thời kỳ ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách và số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới trong thời gian 5 năm, trùng với kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm hoặc theo quyết định của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung thống nhất với ý kiến của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội theo phương án 2, khi xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hằng năm sẽ trình Quốc hội xác định cụ thể tỷ lệ phân chia, số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới.
“Quy định như vậy đảm bảo với việc bỏ thời kỳ ổn định ngân sách như luật hiện hành, phù hợp với nguyên tắc tại Khoản 7 Điều 9, xác định được số bổ sung cân đối của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương căn cứ theo tình hình thực tế và thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương”, đại biểu Nguyễn Thành Trung bày tỏ.
Đình Hiệp
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/thua-nhan-nguyen-tac-da-quoc-tich-phu-hop-voi-xu-the-hoi-nhap-quoc-te-702602.html