Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần 'chữa bệnh' đấu thầu

Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần 'chữa bệnh' đấu thầu
6 giờ trướcBài gốc
Chiều 17/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Luật pháp không phục vụ lợi ích cho một nhóm nào cả
Phát biểu tại tổ 1, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết thể chế đang là một “điểm nghẽn”, kìm hãm sự phát triển; song thể chế, pháp luật cũng được xác định là động lực, nền tảng cho phát triển đất nước. Do đó, trong các kỳ họp gần đây, kể cả thường kỳ và bất thường, Quốc hội đều tập trung vào công tác lập pháp, nhất là Kỳ họp thứ 9 có khối lượng công việc rất lớn.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên họp tổ 1 (Tổ ĐBQH TP Hà Nội), chiều 17/5. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN
Tổng Bí thư cho rằng chúng ta mới bước đầu mới nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định có vướng mắc trên thực tế; về lâu dài sẽ nghiên cứu hoàn thiện, sửa đổi căn bản, toàn diện.
Theo Tổng bí thư, Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới ra đời với mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch, tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế và loại bỏ triệt để các rào cản do pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn gây ra.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cho rằng không thể sửa hết các luật trong bối cảnh “vừa chạy, vừa xếp hàng”. “Hàng ngũ chưa được thẳng nhưng vẫn phải chạy, vì để thẳng mới chạy thì người ta xa mình nhiều rồi,” Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư, trước hết phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, kiến tạo cho phát triển.
"Chúng ta phải hình dung ra trước sự phát triển, quy định đều phải phục vụ cho kiến tạo. Đây là tư duy rất mới. Nếu không có được tư duy đó rất khó để đồng bộ, thống nhất, thông qua,” Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc dựng pháp luật phải đi trước một bước, đảm bảo tính dự báo cao, phù hợp thực tiễn và yêu cầu sự vận dụng nhanh chóng, phục vụ yêu cầu phát triển. Cùng với đó là thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng và thực chất, gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Luật pháp không phục vụ lợi ích cho một nhóm nào cả mà cho toàn dân, cho mọi đối tượng.
Đồng thời, các quy định phải phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin – cho, triệt tiêu lợi ích cục bộ, đặc quyền và lợi ích nhóm.
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 1. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN
Đấu thầu 'tội nặng lắm', chậm tiến độ phát triển, chậm công trình, mất cán bộ
Góp ý vào việc sửa đổi một số điều của các luật liên quan đến đấu thầu, ngân sách, đầu tư công, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra rằng việc thực hiện các quy định hiện hành còn quá khó khăn, là điểm trũng cần tháo gỡ.
"Nhiều năm rồi chúng ta có tiền không tiêu được, trong khi nhu cầu phát triển đất nước là rất lớn, phải đi vay ở nước ngoài. Tại sao? Vì đấu thầu, riêng quy trình đã mất cả năm rồi. Mấy tháng chọn thầu, mở thầu, mấy tháng chấm thầu. Thế thì làm gì còn thời gian thực thi, trong khi tiền ngân sách phải phân bổ trong năm, không được để tiền năm nay tiêu sang năm khác, nên rất khó,” Tổng Bí thư nêu bất cập.
Theo Tổng Bí thư, muốn sửa Luật Đấu thầu thì phải tổng kết lại xem đấu thầu “có những tội gì”. “Tội nặng lắm. Tội chậm tiến độ phát triển, chậm công trình, chất lượng kém đi, tội hư hỏng, mất cán bộ, mà lại không tiết kiệm được. Vậy mục tiêu đấu thầu để làm cái gì Mục tiêu của đấu thầu để hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ và có những công trình tốt, nhưng không làm được. Vậy làm sao phải chữa được những bệnh này?,” Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư nêu dẫn chứng từ việc đấu thầu trong lĩnh vực y tế, khi “đấu thầu thuốc như đấu giá” thì người bệnh Việt Nam không có điều kiện tiếp cận với các tiến bộ thế giới. Từ đó sẽ nảy sinh ra hiện tượng “phải xách tay, ngoài luồng”, tạo cơ hội cho buôn lậu, hàng giả. Trong khi bệnh viện vẫn phải cấp thuốc nhưng không ai uống, rất lãng phí.
“Máy móc tiến bộ nhất, công nghệ hiện đại nhất người bệnh có tiếp cận được không? Đây là tội của ai? Tội của các quy định, của việc thực thi các quy định này,” Tổng Bí thư nói, đồng thời cho rằng phải tìm cách “chữa được vấn đề này”.
Người đứng đầu Đảng cũng đặt vấn đề rằng đấu thầu để chặn tiêu cực, nhưng thực chất có chặn được không hay thông thầu, bán thầu rồi che đậy cho nhau. “Cứ nói là làm đường có máy nọ máy kia, nhưng thực tế bán thầu đến F9, F10, công nhân vẫn phải ngồi gánh đá, đập đá, có thấy máy móc nào đâu. Những trường hợp như thế tại sao không lên án, tố cáo, chỉ ra? Như mình làm nhà, chọn ông kiến trúc sư giỏi, ông xây dựng giỏi rồi hết bao tiền thì trả. Công trình Nhà nước cũng phải trách nhiệm như nhà mình,” Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, với các dự án thuộc loại hình hợp tác công - tư hay hợp tác công – công hiện nay cũng gặp khó khăn tương tự. Dự án hợp tác công - công, ngân sách Nhà nước thiếu tiền, địa phương có muốn góp tiền vào để làm cho nhanh nhưng cũng không được làm vì vướng quy định. Thậm chí địa phương này, địa phương kia cũng không phối hợp được với nhau. Do vậy, việc sửa đổi các luật phải làm sao để khắc phục được bất cập, tháo gỡ vướng mắc để huy động, khơi thông được nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đỗ Thảo
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/tong-bi-thu-to-lam-can-chua-benh-dau-thau-41611.html