Ngăn chặn lợi dụng chính sách 'song tịch' để trốn tránh nghĩa vụ công dân

Ngăn chặn lợi dụng chính sách 'song tịch' để trốn tránh nghĩa vụ công dân
6 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Quốc hội họp tại tổ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. (Ảnh: BÙI GIANG)
Chiều 17/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, đại biểu Quốc hội họp tại tổ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Không để lợi dụng chính sách “song tịch”
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Công an, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh sự cấp thiết của việc sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ cho biết, dự án luật sửa đổi được xây dựng trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục duy trì nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam. Đồng thời, cũng mở ra hướng giải quyết những vướng mắc đang tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về quốc tịch. Trong đó, tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến nhập, thôi, trở lại quốc tịch và những hệ lụy pháp lý phát sinh.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Công an, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại phiên thảo luận tổ. (Ảnh: BÙI GIANG)
Góp ý vào những nội dung cụ thể của dự thảo luật, đại biểu Trần Quốc Tỏ chỉ ra, nội dung quy định tại dự thảo luật này có thể gây khó khăn cho công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nếu người Việt Nam sử dụng hộ chiếu nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam.
Đại biểu dẫn chứng khi người Việt Nam nhập cảnh bằng hộ chiếu nước ngoài, thông tin nhập cảnh sẽ là thông tin của người nước ngoài. Do đó, họ phải thực hiện khai báo tạm trú theo quy định, thời gian lưu trú tại Việt Nam sẽ theo thời hạn chứng nhận tạm trú và các hoạt động phải tuân theo mục đích nhập cảnh.
Nếu những người này quá hạn tạm trú, cư trú kéo dài hoặc không thực hiện các trách nhiệm như khai báo tạm trú, hoạt động sai mục đích nhập cảnh..., thì việc xử lý vi phạm sẽ gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là trong trường hợp áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
Ngoài ra, trong các lĩnh vực đầu tư, ngân hàng, thuế... có thể xảy ra tình trạng tương tự nếu công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu nước ngoài để đăng ký thực hiện thủ tục.
Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật quy định về cơ chế giải quyết các vấn đề phát sinh, tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, quản lý công dân, các vấn đề xung đột pháp lý và xử lý vi phạm đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài.
Đồng thời, đại biểu đề xuất cần bảo đảm yêu cầu không để các đối tượng lợi dụng việc trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm mục đích đòi lại tài sản hoặc các quyền lợi khác, lợi dụng vấn đề "song tịch" để trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân Việt Nam cũng như nghĩa vụ ở nước sở tại.
Bên cạnh đó, cần ngăn chặn việc các quốc gia khác lợi dụng chủ trương cởi mở của Việt Nam để đẩy những đối tượng bị trục xuất, những người không xác định được quốc tịch hoặc những đối tượng có hoạt động chống phá trong cộng đồng người gốc Việt về Việt Nam, hoặc lợi dụng vấn đề bảo hộ công dân để tạo cớ can thiệp, gây sức ép với Việt Nam.
Đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân Việt Nam phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân Việt Nam cũng nhấn mạnh, cần bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm như làm giả giấy tờ quốc tịch, lợi dụng quốc tịch Việt Nam để chống phá đất nước nhằm tăng tính răn đe và đảm bảo hiệu lực thực thi.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn tuyển dụng người chỉ có một quốc tịch Việt Nam vào các cơ quan, tổ chức đặc biệt như lực lượng vũ trang, tránh cách hiểu mâu thuẫn và khó áp dụng trong thực tế.
Cần bổ sung chính sách riêng để thu hút, trọng dụng nhân tài
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn thành phố Hà Nội), việc sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam lần này là bước đi quan trọng để “cởi trói” về mặt pháp lý, để người Việt Nam dù đang ở trong nước hay đang an cư, lạc nghiệp ở nước ngoài đều có thể chung tay góp sức, đồng tâm, hiệp lực đưa quê hương, đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đề cập đến quy định xin nhập quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp đặc biệt, đại biểu nhận định, đây là một trong những nội dung lớn thu hút sự quan tâm trong dự thảo lần này.
Theo đại biểu Nhị Hà, thực tiễn đã cho thấy, chính sách nhập quốc tịch trong trường hợp đặc biệt - dành cho những cá nhân có công lao hoặc lợi ích đặc biệt đối với Nhà nước ta là cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cơ chế thực hiện quy định này vẫn còn nhiều bất cập. Việc quy định “có công lao đặc biệt” hay “có lợi cho Nhà nước” là những khái niệm có tính định tính cao. Nếu không được cụ thể hóa thành các tiêu chí định lượng rõ ràng thì sẽ rất khó để áp dụng thống nhất và công bằng.
Dẫn kinh nghiệm quốc tế tại Mỹ đã có các chương trình nhập quốc tịch rõ ràng cho nhà đầu tư và chuyên gia, Nhật Bản sử dụng hệ thống bảng điểm để xét duyệt lao động tay nghề cao, đại biểu cho rằng Việt Nam nên học hỏi các mô hình này để hoàn thiện chính sách thu hút và giữ chân nhân tài.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn thành phố Hà Nội). (Ảnh: Quochoi.vn)
Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị dự thảo luật cần bổ sung một điều khoản riêng về chính sách quốc tịch đối với các đối tượng như: nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, thể thao và nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, giao Chính phủ ban hành tiêu chí cụ thể, có thể theo hướng xây dựng bảng điểm như mô hình Nhật Bản để bảo đảm tính minh bạch, khách quan và khả thi
Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) nêu rõ, nhóm giải pháp thứ tư nêu trong Nghị quyết 57- NQ/TW yêu cầu có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các "tổng công trình sư" trong và ngoài nước có khả năng tổ chức, điều hành, chỉ huy, triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, tại dự thảo luật chưa thể hiện rõ nội dung này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể nhằm thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW, qua đó tạo cơ chế thu hút, trọng dụng hiệu quả các chuyên gia, nhà khoa học, “tổng công trình sư” trong và ngoài nước.
THU HẰNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/ngan-chan-loi-dung-chinh-sach-song-tich-de-tron-tranh-nghia-vu-cong-dan-post880454.html