Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 64 nội dung, nhóm nội dung quan trọng

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 64 nội dung, nhóm nội dung quan trọng
3 giờ trướcBài gốc
Sau 9 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, chiều 28/4, Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn với 48 nhóm nội dung. Trong, đó có nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; 24 dự án luật; 11 dự thảo nghị quyết, nhiều nội dung khác. Đây là phiên họp có số lượng nội dung nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Chính phủ trong việc chuẩn bị tài liệu, nội dung để bảo đảm trình qua Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Quang cảnh phiên bế mạc.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau phiên họp này, Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan làm việc một cách khẩn trương, liên tục để chuẩn bị các nội dung còn lại, nhất là các dự án luật còn ý kiến khác nhau, bảo đảm đầy đủ tài liệu.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Quốc hội đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số khi cải tiến, bổ sung nhiều tính năng mới cho App Quốc hội 2.0 và sử dụng trợ lý ảo; tin tưởng, Kỳ họp thứ 9 đánh dấu bước đầu của Quốc hội số và đổi mới trong nội dung của App 2.0.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên họp.
Nhấn mạnh Kỳ họp thứ 9 tới đây là một kỳ họp đặc biệt, không chỉ về quy mô thời gian, nội dung, mà còn mang ý nghĩa chính trị - pháp lý rất lớn, đánh dấu một giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy, thể chế và tư duy phát triển quốc gia, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, bảo đảm chất lượng các nội dung trình tại Kỳ họp nhằm đạt được sự đồng thuận cao nhất, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Các đại biểu dự phiên bế mạc.
Trước đó, cũng trong chiều 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Trình bày Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 37 ngày và có bố trí làm việc một số ngày cuối tuần; khai mạc vào sáng 5/5/2025, dự kiến bế mạc chiều 28/6/2025 và được tổ chức thành 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 5 - 29/5/2025 và đợt 2 từ ngày 11 - 28/6/2025.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, bổ sung 10 nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, bao gồm: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật; Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Đồng thời, bổ sung 1 nội dung đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình và giải pháp ứng phó với quyết định áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ; bổ sung báo cáo của Chính phủ về tình hình phân bổ, giao dự toán chi đối với các khoản chưa phân bổ chi tiết để thực hiện quy định tại khoản 5a Điều 19 của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14 và Luật số 56/2024/QH15 và lồng ghép thể hiện trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024 và những tháng đầu năm 2025. Cùng với đó, bổ sung báo cáo của Chính phủ về cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng và lồng ghép thể hiện trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; đưa nội dung này vào nghị quyết chung Kỳ họp thứ 9.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên họp.
Tổng Thư ký đề nghị rút khỏi chương trình Kỳ họp 4 nội dung, gồm: Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) (trên cơ sở ý kiến của cấp có thẩm quyền); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT (dự kiến thể hiện nội dung này trong nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư); Xem xét, quyết định việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định sau khi đã hoàn thành việc sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính); Xem xét, quyết định chủ trương hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam từ nguồn ngân sách Nhà nước (Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và nhận thấy nội dung này không thuộc thẩm quyền của Quốc hội).
Như vậy, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 64 nội dung, nhóm nội dung (3 nghị quyết về công tác lập hiến; 49 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước); đồng thời, có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thống nhất bổ sung 13 nội dung và rút 4 nội dung ra khỏi dự kiến Chương trình; đề nghị Chính phủ đôn đốc các bộ trưởng chủ động rà soát các luật trình Quốc hội; trong đó cần tuân quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. Theo đó, các Bộ trưởng có trách nhiệm trong khâu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội. Đối với Báo cáo thẩm tra, các cơ quan cần nghiên cứu đảm bảo ngắn gọn, đúng trọng tâm, trọng điểm.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian từ nay đến khai mạc Kỳ họp thứ 9 không nhiều, đây là giai đoạn nước rút, do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát từng điều, từng chương của từng luật. Nếu có khó khăn, vướng mắc, Quốc hội sẵn sàng làm việc ngoài giờ để tháo gỡ vướng mắc mà cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chưa có sự đồng thuận, còn ý kiến khác nhau.
Nguyễn Hường
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-se-xem-xet-quyet-dinh-64-noi-dung-nhom-noi-dung-quan-trong-10288738.html