Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân
Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV diễn ra trong hai đợt trong tháng 5 và tháng 6 với tổng cộng 35 ngày, là kỳ họp có khối lượng công tác lập pháp nhiều nhất trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, với hơn 50 nội dung quan trọng được xem xét, quyết định.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Quang Khánh
Đây là một trong những kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với khối lượng công việc đồ sộ, nhiều nội dung mang tính đột phá về thể chế, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của hệ thống chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, mở đường cho kỷ nguyên hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
Các luật và nghị quyết mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín có tác động sâu rộng, trực tiếp và đa chiều đến đời sống người dân và doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực.
Thực hiện đột phá về thể chế, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là sự kiện mang tầm vóc lịch sử, nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương.
Việc sửa đổi Hiến pháp lần này đã mở đường cho việc kiện toàn mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, hướng tới bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát thực tiễn. Điều này kỳ vọng sẽ giảm thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh giúp tiết kiệm nguồn lực, tăng hiệu quả đầu tư công, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận dịch vụ công và các nguồn lực phát triển. Bây giờ, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện hầu như tất cả dịch vụ công tại xã, phường, trên ứng dụng VNeID vô cùng nhanh chóng, tiện lợi, kể cả cấp “sổ đỏ”, giấy phép xây dựng… vì chính quyền xã, phường có quyền thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong luật. Nhiệm vụ, quyền hạn được phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền theo các nghị định của Chính phủ; và được phân cấp, ủy quyền từ các cơ quan nhà nước cấp trên.
An sinh xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm mạnh mẽ
Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi, góp phần giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình, thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Các chính sách mới về phát triển nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ trẻ em, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục cũng sẽ tác động tích cực đến phúc lợi xã hội, sức khỏe và tương lai của người dân.
Các chính sách này được thể hiện xuyên suốt quá trình Quốc hội thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước hàng năm với nhiều giải pháp căn cơ, khả thi để đạt mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kích cầu tiêu dùng nội địa, nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công… bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay không thấp hơn 8%, tạo đà cho các năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm 2026 - 2030 tăng trưởng 2 con số. Vì chỉ khi chúng ta thực hiện tốt, trọn vẹn các chỉ tiêu kế hoạch, dự toán ngân sách thì mới bảo đảm được nguồn lực tài chính để giải quyết bài toán an sinh, phúc lợi xã hội cho người dân.
Đột phá về kinh tế, tạo động lực tăng trưởng và việc làm
Tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 34 luật, bộ luật và 14 nghị quyết quy phạm pháp luật. Ngoài các luật, nghị quyết về tổ chức bộ máy nhà nước thì các luật, nghị quyết về các lĩnh vực trọng yếu như: kinh tế, tài chính, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh, quyền con người, quyền công dân, phát triển kinh tế tư nhân, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, bảo vệ dữ liệu cá nhân, tiêu chuẩn kỹ thuật, thuế, doanh nghiệp, nhà giáo, việc làm… đã cơ bản thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết của Bộ Chính trị “bộ tứ trụ cột”, tạo nền tảng, động lực mạnh mẽ đưa đất nước tiến lên trong kỷ nguyên mới.
Các đại biểu bấm nút biểu quyết tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng
Các chủ trương lớn được Quốc hội quyết định như giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 không thấp hơn 8%, tạo đà cho giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số, Nghị quyết về việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, một số đặc khu kinh tế, xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, phát triển năng lượng nguyên tử, công nghiệp công nghệ số, tiếp tục hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ cao tốc các trục dọc-ngang, tuyến vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh… đã mở ra nhiều cơ hội việc làm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, giảm chênh lệch vùng miền, là những động lực tăng trưởng mới của đất nước.
Bảo vệ quyền con người, chuyển đổi số, hiện đại hóa quản trị
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, các sửa đổi về tố tụng hình sự, công nhận giá trị pháp lý của dữ liệu điện tử, chứng cứ số trong xét xử giúp bảo vệ quyền riêng tư, tăng cường an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao, tạo nền tảng cho xã hội số, kinh tế số. Các cải cách tư pháp, đổi mới mô hình quản trị quốc gia, tăng cường dân chủ cơ sở sẽ góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân, nâng cao vai trò của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi công dân. Các luật về quốc phòng, an ninh, môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật… giúp tăng cường bảo vệ chủ quyền, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sống, ứng phó biến đổi khí hậu.
Minh bạch, dân chủ, gần dân hơn
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao quy trình lấy ý kiến Nhân dân về các dự thảo luật, nghị quyết được mở rộng, ứng dụng công nghệ số, tạo điều kiện cho hàng triệu người dân tham gia góp ý, thể hiện tinh thần dân chủ, minh bạch, đồng thuận xã hội cao; các chính sách mới đã hướng đến việc dễ thực hiện hơn, sát thực tiễn hơn, gần dân hơn, gần doanh nghiệp hơn, góp phần giảm phiền hà, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Cử tri và nhân dân tin tưởng, các luật và nghị quyết mới tại Kỳ họp thứ 9 không chỉ tạo nền tảng pháp lý vững chắc để đất nước phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, hội nhập sâu rộng và nâng cao vị thế quốc tế mà còn tác động trực tiếp, tích cực đến quyền lợi, nghĩa vụ, cơ hội phát triển của từng người dân, doanh nghiệp thông qua việc khơi thông nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này sẽ góp phần thực hiện hiệu quả cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, kiến tạo không gian phát triển mới cho các địa phương và cả nước, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững.
Ts. Trần Văn - ĐBQH khóa XII, XIII