Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về sửa đổi các dự án Luật

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về sửa đổi các dự án Luật
một giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốchội.vn
Thảo luận tại hội trường, đa số các ý kiến bày tỏ nhất trí về sự cần thiết sửa đổi dự án Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập, ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc sửa đổi cũng nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xóa bỏ cơ chế xin-cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác.
Ngoài ra, các đại biểu tập trungtham gia ý kiến về phạm vi sửa đổi; nhấn mạnh sự cần thiết, cấp bách phải sửa đổi một số điều khoản trong dự thảo luật, tính thống nhất của các điều khoản sửa đổi so với các luật khác để đảm bảo tính khả thi của các quy định, không gây ra xung đột pháp lý, không phát sinh vướng mắc, bất cập mới gây khó khăn, bất lợi cho người dân, doanh nghiệp và gây lãng phí, thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 2012; 2018; 2022 và 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024). Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành, đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật là cần thiết nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như các Nghị quyết, hệ thống pháp luật khác.
Mai Lan
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu8-quoc-hoi-khoa-xv-thao-luan-ve-sua-doi-cac-du-an-792293.htm