Sau khi khoan giếng, không cần máy móc, cũng chẳng cần dùng điện bơm, ấy vậy mà dòng nước trong vắt từ lòng đất vẫn không ngừng phun trào kỳ lạ. Hiện tượng này diễn ra tại xã Ea Mnang (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) hàng chục năm nay.
Ông Phạm Trường Sinh (trú tại thôn 1A, xã Ea Mnang) vẫn còn nhớ như in hiện tượng lạ lùng xảy ra với chiếc giếng khoan trong vườn nhà mình cách đây gần 10 năm. Ông cho biết, để đảm bảo nước sinh hoạt và tưới cho 7 sào đất vườn, vào năm 2015, gia đình ông mạnh dạn đầu tư 20 triệu đồng để khoan giếng sâu 46m. Vào mùa khô, dù nắng hạn kéo dài, mực nước giếng vẫn giữ ổn định trên 40m.
Nhiều giếng khoan của người dân tại xã Ea Mnang tự phun trào nước.
Thế nhưng, điều khiến gia đình ông ngỡ ngàng là vào mùa mưa năm đó, khi những cơn mưa đầu mùa vừa dứt, giếng nước bỗng dưng… tự phun trào lên mặt đất. "Nước cứ tự phun ào ạt không kể ngày đêm, trong khi gia đình tôi không hề dùng đến bất kỳ thiết bị bơm nào. Đặc biệt, dù mùa mưa hay mùa nắng thì nước giếng vẫn trong vắt quanh năm", ông Sinh cho hay.
Theo ông Sinh, hiện tượng giếng "tự phun" xảy ra mạnh nhất vào khoảng tháng 7 đến tháng 8 hằng năm. Đây là cao điểm mùa mưa, khi mạch nước ngầm dồi dào khiến áp lực đẩy nước vọt lên khỏi miệng giếng như một suối phun tự nhiên. Lo sợ nước phun liên tục gây xói lở đất, ông Sinh đã lắp hệ thống ống dẫn để chuyển nước ra con suối cách nhà khoảng 100m.
Câu chuyện kỳ lạ nói trên không chỉ dừng lại ở nhà ông Sinh. Tại thôn Bình Hòa (xã Ea Mnang), gia đình ông Triệu Văn Doanh (SN 1979) cũng sở hữu một giếng nước "không giống ai". Ông kể: "Năm 2002, gia đình tôi đào giếng để có nước sinh hoạt và tưới hoa màu. Nhưng đất toàn đá bàn, đá tổ ong, đào cực lắm, mà chỉ được hơn 4m thì dừng lại. Lượng nước giếng quá ít nên mùa khô gần như không đủ sinh hoạt".
Hơn 10 năm nay, giếng khoan của gia đình anh Đỗ Văn Thứ tự phun trào mà không cần bất kỳ loại máy móc nào tác động.
6 năm sau, ông Doanh quyết định khoan giếng ngay trên nền giếng cũ. Khi mũi khoan vừa chạm đến độ sâu khoảng 40m, thì nước bất ngờ phun trào lên mạnh mẽ. Mạch nước trong vắt, ổn định quanh năm. "Mùa khô, gia đình tôi cũng không lo vì mực nước giếng luôn giữ ở mức gần 40m. Nhờ vậy, mọi người trong gia đình sử dụng nước giếng để sinh hoạt thoải mái mà không phải tiết kiệm từng giọt nước như trước đây nữa", ông Doanh cho hay.
Hơn 10 năm nay, giếng khoan của gia đình ông Trần Đình Trọng (trú tại thôn Bình Hòa) cũng tự phun trào mà không cần bất kỳ loại máy móc nào tác động. Để tránh nước chảy tràn lan ra ngoài, ngoài việc phục vụ sinh hoạt, gia đình ông còn dùng ống dẫn nguồn nước này ra ao nuôi cá.
Tương tự, không cần tốn kém mua máy bơm hay chi trả tiền điện, gia đình anh Đỗ Văn Thứ (SN 1986, trú tại thôn Bình Hòa, xã Ea Mnang) chỉ dùng một ống dẫn nước từ miệng giếng vào bể chứa nhỏ bên hông nhà là có nước sử dụng quanh năm.
Nguồn nước tự nhiên từ các giếng khoan tự phun trào giúp nhiều hộ dân giải quyết “bài toán” thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.
Cứu cánh cho sản xuất nông nghiệp
Ngoài việc giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt hàng ngày, nhiều năm qua, giếng nước tự phun của ông Triệu Văn Doanh đã trở thành "nguồn sống" cho hơn 2 sào lúa gần nhà.
Ông lý giải: "Nhờ nước giếng tự phun trào đều đặn quanh năm, gia đình tôi có thể sản xuất lúa hai vụ mà không tốn một đồng tiền điện bơm nước. Không chỉ vậy, chúng tôi còn sẵn lòng chia sẻ nguồn nước quý giá ấy với một hộ dân khác trong vùng để tưới cho 7 sào lúa".
Cũng tại thôn Bình Hòa (xã Ea Mnang), giếng khoan sâu khoảng 40m của anh Hà Văn Niên (SN 1982) mang đến một điều kỳ diệu tương tự. Dù không dùng bất kỳ thiết bị bơm nào, giếng nước nhà anh vẫn phun trào liên tục không kể nắng hay mưa.
Dù đã xây miệng giếng cao thêm khoảng 1,5m, nhưng giếng khoan của gia đình anh Hà Văn Niên vẫn không ngừng tuôn trào.
Anh Niên chia sẻ: "Lúc đầu, khi thấy nước phun ào ạt, tràn cả ra sân nên tôi phải xây miệng giếng cao thêm khoảng 1,5m để ngăn tràn. Thế nhưng, nước vẫn không ngừng tuôn trào. Đến giờ, cả người dân địa phương lẫn người chuyên khoan giếng đều không thể lý giải vì sao lại có dòng nước giếng tự trào như vậy".
Nguồn nước dồi dào không chỉ giúp gia đình anh tiết kiệm đáng kể chi phí sinh hoạt, mà còn trở thành "cứu cánh" trong sản xuất nông nghiệp, nhất là vào mùa khô hạn. Vào mùa khô, gia đình anh tận dụng nguồn nước quý giá này để tưới tiêu cho 2 sào đất rẫy. Nhờ đó, cây cối luôn xanh tốt quanh năm, phát triển thuận lợi.
Không cần tốn kém mua máy bơm hay chi trả tiền điện, nhiều hộ dân chỉ dùng một ống dẫn nước từ miệng giếng vào bể chứa nhỏ là có nước sử dụng quanh năm.
Tuy nhiên, không phải ai ở địa phương này cũng may mắn sở hữu được giếng nước "trời cho" như vậy. Anh Niên kể: "Cách giếng nhà tôi khoảng 100m, một hộ dân từng đầu tư khoan giếng với hy vọng có nguồn nước tương tự để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi cá, nhưng kết quả chỉ đủ dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Từ đó đến nay, họ phải dẫn nước từ giếng của tôi về ao hồ để phục vụ chăn nuôi cá".
Đặc biệt hơn, những giếng nước tự phun còn giúp người dân địa phương... dự báo thời tiết. Ông Phan Văn Phú (SN 1977, trú tại xã Ea Mnang) cho hay: "Cuối mùa khô, khi nước giếng giảm, phun trào chậm lại chính là dấu hiệu giúp chúng tôi nhận biết mùa mưa đang đến gần".
Gia đình ông Triệu Văn Doanh dẫn nước từ giếng khoan từ phun trào ra ruộng để sản xuất lúa.
Nước giếng khoan từ phun trào được người dân dẫn ra ao để nuôi cá.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Châu Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Mnang, cho hay, xã Ea Mnang được bao quanh bởi dòng suối Ea Tul và được hưởng lợi nguồn nước từ đập Buôn Joong (xã Ea Kpam, huyện Cư Mgar).
Vào mùa mưa, nước ở các hồ, đập đổ về khiến cho lượng nước suối trên địa bàn dâng lên. Đồng thời, lượng mưa nhiều khiến cho mạch nước ngầm ở các giếng khoan không thẩm thấu hết vào lòng đất nên tự phun trào lên. Hiện tượng này kéo dài khoảng 3-4 tháng mùa mưa và kết thúc khoảng 1 tháng sau khi mùa khô bắt đầu.
Theo ông Khánh, hiện nay, trên địa bàn xã Ea Mnang có hàng chục giếng khoan tự phun trào nước vào mùa mưa. Trong đó, tại thôn 8 có khoảng 10-15 cái, thôn 2B có 4-5 cái, thôn 1A có 2-3 cái và thôn Bình Hòa có 4-5 cái. Nhờ vậy, nhiều hộ dân được đảm bảo nước sinh hoạt và thuận lợi cho việc sản xuất, chăn nuôi.
Khánh Ngọc
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/ky-la-gieng-khoan-tu-phun-nuoc-nhu-suoi-o-dak-lak-204250520163144586.htm