Chính sách thuế quan mới của ông Trump có thể chấm dứt kỷ nguyên hàng hóa giá rẻ tại Mỹ. Ảnh: Reuters.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng sau khi ban hành loạt thuế quan mới, đe dọa làm tăng giá hàng loạt mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như quần áo, điện thoại di động, đồ nội thất...
Viễn cảnh này có thể chính thức khép lại thời kỳ hơn 25 năm người Mỹ được hưởng lợi từ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ - một xu thế từng giúp kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, AP nhận định.
Trong khi đó, Nhà Trắng hy vọng chính sách đánh thuế nhập khẩu sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm sản xuất có thu nhập cao tại Mỹ bằng cách đưa chuỗi cung ứng quay trở lại trong nước. Tuy nhiên, đây là một canh bạc chính trị đầy rủi ro, cần nhiều năm để hiện thực hóa và phải vượt qua hàng loạt rào cản, đặc biệt là tự động hóa trong sản xuất hiện đại.
Dù chiều 9/4 (giờ Mỹ), ông Trump bất ngờ tạm hoãn áp thuế bổ sung trong vòng 90 ngày với hơn 60 quốc gia, mức thuế trung bình hiện nay của Mỹ vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm chỉ vài tháng trước.
Tất cả hàng nhập khẩu đều đang chịu thuế 10%, trong khi hàng hóa từ Trung Quốc - đối tác thương mại lớn thứ ba của Mỹ - gánh mức thuế lên tới 145%. Ngoài ra, còn có các mức thuế 25% với thép, nhôm, ôtô và gần một nửa hàng hóa từ Canada và Mexico.
Hàng loạt mặt hàng đối mặt nguy cơ đội giá
Theo các nhà kinh tế, mức thuế trung bình hiện tại của Mỹ đã tăng từ dưới 3% (trước khi ông Trump nhậm chức) lên khoảng 20% - mức cao nhất kể từ những năm 1940.
Nếu các mức thuế này tiếp tục duy trì, chúng có thể đảo ngược hàng thập kỷ toàn cầu hóa - quá trình đã góp phần giảm chi phí sản xuất và làm hàng hóa tại Mỹ trở nên phải chăng hơn.
Tự động hóa và đổi mới công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử như TV, cũng góp phần làm giá cả ổn định. Tuy nhiên, nhập khẩu vẫn đóng vai trò then chốt trong việc giữ giá thấp nhờ chi phí lao động thấp ở nước ngoài và sự cạnh tranh buộc các công ty Mỹ phải nâng cao hiệu quả.
“Thương mại tự do đã giúp kiềm chế lạm phát dài hạn. Nếu chúng ta bước vào thời kỳ hạn chế nguồn cung, giá hàng hóa chắc chắn sẽ đắt đỏ hơn”, chuyên gia thương mại Scott Lincicome từ Viện Cato nhận định.
Ngân hàng Bank of America ước tính giá xe ôtô có thể tăng trung bình khoảng 4.500 USD, ngay cả khi các hãng sản xuất cố gắng gánh một phần chi phí thuế. Điều này xảy ra sau khi giá xe mới đã liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây, đẩy mức giá trung bình lên tới con số kỷ lục là 48.000 USD.
Ôtô được đánh giá là một trong những mặt hàng tăng giá nhiều nhất sau các chính sách thuế mới của ông Trump. Ảnh: Reuters.
Dữ liệu từ ShipHero - công ty phần mềm quản lý vận chuyển - cho thấy nhiều nhà bán lẻ đã bắt đầu điều chỉnh giá để đón đầu làn sóng thuế mới. CEO ShipHero, ông Aaron Rubin, cho biết giá hàng hóa đã tăng trung bình 3,9% trong 2 ngày sau khi ông Trump công bố các mức thuế mới.
Với chuỗi cung ứng phụ thuộc nặng vào Trung Quốc, Apple được dự đoán sẽ tăng giá iPhone và nhiều sản phẩm khác. Theo ước tính của UBS, giá khởi điểm của iPhone 16 Pro Max có thể tăng tới 29%, từ 1.200 USD lên 1.550 USD.
Từ “giấc mơ hàng rẻ” đến rủi ro chính trị
Từ giữa những năm 1990 đến trước đại dịch, lạm phát tại Mỹ trung bình chưa đến 2,2% - một phần nhờ toàn cầu hóa và chính sách thương mại cởi mở. Trong giai đoạn 1995-2020, giá quần áo tại Mỹ giảm 8%, giá nội thất gần như không đổi, giá giày dép chỉ tăng 10%, trong khi mức tăng chung của giá tiêu dùng là 74%.
Dù vậy, chính quyền Trump tỏ ra sẵn sàng hy sinh hàng hóa giá rẻ. Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nói: “Tiếp cận hàng rẻ không phải là cốt lõi của giấc mơ Mỹ”.
Tuy nhiên, lựa chọn này rất rủi ro trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn chưa “hồi phục” sau đợt lạm phát tồi tệ nhất suốt bốn thập kỷ từ 2021 đến 2023. Theo khảo sát VoteCast của AP, khoảng 50% cử tri ủng hộ ông Trump nói rằng giá xăng, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cao là yếu tố quyết định trong lá phiếu của họ.
Dẫu vậy, vẫn có một số người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho hàng hóa Mỹ. Alisha Sholtis - cựu y tá kiêm influencer tại Michigan - từng mua sắm nhiều trên Temu, nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc. Nhưng nay, cô chuyển sang lựa chọn các sản phẩm chất lượng cao hơn vì chán nản với đồ rẻ tiền “một lần giặt là hỏng”.
“Tôi sẵn sàng mua ít đi, nhưng mua đồ chất lượng hơn”, cô nói và bày tỏ ủng hộ nỗ lực đưa sản xuất trở lại Mỹ của ông Trump.
Cơ hội việc làm xa vời?
Dù chính quyền kỳ vọng tái công nghiệp hóa sẽ tạo thêm việc làm, các chuyên gia tỏ ra hoài nghi. Cố vấn kinh tế Kevin Hassett thừa nhận: “Chúng ta đã đổi lấy hàng rẻ ở siêu thị bằng việc mất dần việc làm trong sản xuất”.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick thì lạc quan hơn, cho rằng chính sách thuế sẽ thúc đẩy chuyển dịch sản xuất: “Đội quân hàng triệu người vặn từng con ốc để lắp ráp iPhone, kiểu lao động đó sẽ trở lại nước Mỹ”.
Tuy nhiên, giới phân tích không đồng tình. “Sản xuất iPhone tại Mỹ là điều bất khả thi”, chuyên gia Dan Ives từ Wedbush Securities khẳng định.
Nếu chuyển toàn bộ dây chuyền từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ về Mỹ, giá iPhone có thể vọt lên hơn 3.000 USD - gấp 3 hiện nay.
Nhiều nguồn tin cho biết Apple đã vận chuyển khoảng 1,5 triệu chiếc iPhone từ Ấn Độ về Mỹ để tránh thuế quan của ông Trump. Ảnh: Reuters.
Shannon Williams - Giám đốc Hiệp hội Nội thất Mỹ - nhận định việc thiết lập nhà máy mới mất nhiều năm và Mỹ đang thiếu lao động do tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 4,2%. Nhiều doanh nghiệp nội thất tiên tiến đang tìm cách tự động hóa dây chuyền để giảm lệ thuộc nhân công.
Hiện nay, phần lớn hàng nội thất được nhập khẩu từ các quốc gia châu Á khác như Việt Nam hay Malaysia - xu hướng giúp kìm hãm giá cả.
“Toàn cầu hóa rõ ràng đã giúp tiết giảm chi phí. Không phải ngẫu nhiên mà bạn có thể mua một chiếc sofa giá 699 USD vào năm 1985 - và cũng là 699 USD vào hôm nay”, bà Williams nói.
Phương Linh