Kỷ nguyên mới: Động lực từ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Kỷ nguyên mới: Động lực từ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
4 giờ trướcBài gốc
Sự thay đổi trong tư duy phát triển hạ tầng
Theo chủ trương đầu tư được Chính phủ trình Quốc hội, Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dài 1.541 km, đi qua 20 tỉnh thành, là tuyến giao thông trọng điểm kết nối hai cực tăng trưởng của đất nước. Với tốc độ thiết kế lên đến 350 km/h tương đương với hệ thống đường sắt hiện đại ở các nước, dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách mà còn mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu đô thị, thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa quốc gia.
Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là minh chứng rõ ràng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia. Không tiếp cận đơn lẻ, cục bộ, dự án này được hoạch định trên góc nhìn tổng thể, kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên mới và cũng là mong muốn của hàng triệu người dân Việt Nam hai miền Bắc - Nam. Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng khát vọng của tinh thần đổi mới và hành động quyết liệt, sẵn sàng vượt qua thách thức để mở ra cơ hội lớn.
Hành trình này chắc chắn sẽ không dễ dàng, nhưng với ý chí, quyết tâm và tinh thần đoàn kết, Việt Nam sẽ thành công với công trình này và để lại dấu ấn sâu sắc cho các thế hệ mai sau.
Thuận lợi trong triển khai dự án
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhận được sự quan tâm, thống nhất chủ trương từ Bộ Chính trị và sự đồng thuận cao của Quốc hội, thể hiện qua việc thống nhất chủ trương đầu tư ngay từ giai đoạn đầu. Điều này minh chứng cho tầm nhìn chiến lược và sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc tạo đột phá hạ tầng giao thông, một trong những trụ cột để phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Bên cạnh đó, dự án được Chính phủ tập trung chỉ đạo và người dân nhiệt tình hưởng ứng, vậy là "ý Đảng, lòng dân," đã gặp nhau, tạo nên nền tảng vững chắc để triển khai thành công dự án.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang)
Hơn cả việc là một tuyến giao thông hiện đại, dự án còn là động lực quan trọng để phát triển các ngành kinh tế khác. Việc đầu tư vào dự án này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp đường sắt, công nghiệp dịch vụ hỗ trợ, đồng thời mở ra cơ hội áp dụng và phát triển công nghệ số trong quy trình xây dựng và vận hành. Đây là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn chiến lược về một nền kinh tế hiện đại, bền vững và dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến.
Tuyến đường sắt tốc độ cao được kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều vấn đề lớn của đất nước. Trước hết, nó giúp giảm thời gian vận chuyển tuyến Bắc - Nam, một tuyến giao thông huyết mạch của đất nươics; giúp giảm tải áp lực giao thông cho hệ thống đường bộ vốn đang quá tải, từ đó hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông. Hơn nữa, việc chuyển đổi sang phương thức vận tải hiện đại này sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và cam kết quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam tại COP 26.
Những thuận lợi này không chỉ tạo tiền đề cho dự án được triển khai thuận lợi mà còn khẳng định giá trị to lớn mà tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mang lại trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
Thách thức trong thực hiện dự án
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 67,34 tỷ USD trở thành dự án lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Con số này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân sách nhà nước và các nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, việc huy động và quản lý nguồn lực tài chính ở quy mô lớn như vậy đặt ra bài toán phức tạp về tính minh bạch, hiệu quả và đặc biệt là làm thế nào để tránh thất thoát, lãng phí ngân sách. Đây chính là thách thức lớn đối với Chính phủ và các bên liên quan trong việc triển khai dự án một cách bền vững và có trách nhiệm.
Đường sắt tốc độ cao là lĩnh vực hoàn toàn mới tại Việt Nam, đòi hỏi phải tiếp cận các công nghệ hiện đại và tiên tiến trên thế giới. Việc chuyển giao công nghệ từ các quốc gia đi trước không chỉ đơn thuần là mua sắm thiết bị mà còn bao gồm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành và bảo trì hệ thống. Bên cạnh đó, việc xây dựng các dịch vụ phụ trợ đồng bộ cũng đòi hỏi thời gian và nguồn lực đáng kể. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về một lộ trình cụ thể, bài bản nhằm đảm bảo khả năng tiếp nhận và làm chủ công nghệ của Việt Nam trong tương lai.
Dự án sẽ yêu cầu giải phóng mặt bằng trên diện tích lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 120.836 người dân tại các khu vực tuyến đường đi qua. Việc tái định cư cho số lượng lớn người dân như vậy đòi hỏi sự hài hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế và quyền lợi của người dân. Chính phủ cần xây dựng các chính sách hỗ trợ thỏa đáng, người dân được bảo đảm sinh kế, không bị thiệt thòi trong quá trình chuyển đổi.
Không gian phát triển cho kỷ nguyên mới
Dự án đường sắt tốc độ cao không chỉ là một công trình hạ tầng mà còn là "mạch máu" của nền kinh tế, kết nối vùng miền, tái cấu trúc các đô thị và thúc đẩy sự phát triển đồng đều. Tôi cho rằng dự án này là cơ hội để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và là biểu tượng cho các thế hệ sau này tiếp tục phấn đấu.
Hành trình này có thể dài và nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của toàn dân tộc, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai phát triển bền vững, hiện đại và thịnh vượng.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sẽ tạo không gian phát triển cho Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Vai trò của phụ nữ trong thực hiện dự án
Phụ nữ chiếm một nửa dân số và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong mọi lĩnh vực của xã hội chắc chắn sẽ góp phần đáng kể vào việc thực hiện thành công khi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được thông qua. Trước hết, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sự đồng thuận trong cộng đồng. Họ có thể là cầu nối giữa chính quyền và người dân trong việc truyền tải các thông tin về dự án, giải thích các lợi ích cũng như giải quyết các mối quan tâm của cộng đồng bị ảnh hưởng. Sự tinh tế và nhạy bén của phụ nữ trong gia đình và xã hội sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng lòng tin, giảm thiểu các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Sau khi dự án hoàn thành, phụ nữ sẽ tiếp tục khẳng định vai trò trong vận hành hệ thống và cung cấp các dịch vụ phụ trợ cũng như không gian phát triển, giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc các vùng miền, những khu vực có đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đi qua. Với sự chu đáo và trách nhiệm, họ có thể làm tốt các công việc liên quan đến quản lý hành khách, vận hành hệ thống thông minh, hoặc phát triển các dịch vụ bổ sung như du lịch, logistics và các tiện ích khác, góp phần tối ưu hóa giá trị mà dự án mang lại.
Nguyễn Thanh Cầm - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/ky-nguyen-moi-dong-luc-tu-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-20241124230427449.htm