Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ Đại đoàn Quân Tiên phong tại Đền Hùng. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đang có một trưng bày chuyên đề rất thú vị: “Dòng cảm xúc từ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch” trích dẫn nội dung trong những cuốn sổ lưu niệm tại Khu Di tích, nơi mà từ các nguyên thủ Việt Nam, thế giới cho đến những người dân bình thường lưu lại những xúc cảm của mình về vị Chủ tịch kính yêu khi có dịp đến thăm Khu Di tích - nơi Bác đã sống và làm việc suốt 15 năm (1954 - 1969) và cũng là nơi trái tim Người cộng sản vĩ đại ngừng đập để về với tổ tiên.
“Tôi kính cẩn cúi đầu trước con người vĩ đại Hồ Chí Minh”
Ngày 3/11/1989, năm Việt Nam kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cựu chiến binh Mỹ John Fabricate đã có dịp đến Việt Nam và thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Rưng rưng xúc động, cựu chiến binh Mỹ John Fabricate đã ghi lại: “Tôi xin bày tỏ kính trọng sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã từng nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam trước kia. Tuy cũng bị ném vào cuộc chiến nhưng tôi chưa từng làm điều gì ác. Tôi kính cẩn cúi đầu trước con người vĩ đại Hồ Chí Minh. Người thật giản dị nhưng đã chặn đứng tên khổng lồ chiến tranh. Tôi ước gì có thể giúp Nhân dân Việt Nam trong khó khăn để trút bỏ được nỗi ám ảnh đã từng là một cựu chiến binh. Xin chúc mừng sinh nhật lần thứ 100 của Bác Hồ”.
Lời ước của người cựu chiến binh Mỹ John Fabricate đã thành hiện thực khi ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cùng ngày (sáng 12/7/1995 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam - Mỹ.
Ngày 31/3/2015, trong chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã ghi vào cuốn sổ lưu niệm tại Khu Di tích: “Chúng tôi rất cảm kích vì có cơ hội thăm ngôi nhà sàn của Hồ Chí Minh để tìm hiểu thêm về lãnh tụ, tính kỷ luật, tính triết lý sống và quyết tâm của Người dành cho Nhân dân Việt Nam. Khoảng đầu những năm 1950, Hồ Chí Minh đã đề xuất với Tổng thống chúng tôi về việc thiết lập quan hệ Việt - Mỹ. Tầm nhìn của Người đang trở thành hiện thực”...
Đến ngày 10/9/2023, sau gần 30 năm kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, xác lập quan hệ đối tác toàn diện,Việt Nam và Mỹ đã chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
“Miền Nam luôn trong trái tim tôi”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền Nam. Bác từng nhiều lần nói rằng: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Đồng bào miền Nam cũng luôn dành những tình cảm yêu quý nhất, kính trọng nhất đối với Người như những câu thơ đầy xúc động của nhà thơ Tố Hữu: “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”.
Trong những cuốn sổ lưu niệm tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có những bút tích của các đoàn khách đến từ miền Nam mà bất cứ ai đọc cũng thấy rưng rưng cảm động.
“Kính thưa Bác! Con là người con miền Nam, lần đầu ra thăm Bác. Thật xúc động và hồi hộp khi con được lắng nghe những điều thiêng liêng về Bác. Chúng con, lớp thanh niên trẻ của thế kỷ 21 xin hứa với Bác, sẽ cố gắng là thanh niên năng động, sáng tạo và làm sao góp phần cho đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, tươi đẹp. Chúng con luôn thương nhớ và biết ơn Bác mãi mãi. Cháu của Bác!” (Ngày 17/06/2007, Phan Minh Trí - Giáo viên Trường THPT Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang).
“Đoàn cán bộ, giáo viên trường Trung học cơ sở Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là những thầy, cô giáo từ mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc đến thăm Bác. Chúng con thấy được tình cảm lớn nhất của Bác dành cho đồng bào miền Nam. Là những người con từ Cà Mau xa xôi đến đây, chúng con vô cùng xúc động và nguyện làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ!” (Tháng 10/2008, Trưởng đoàn: Nguyễn Xuân Linh)…
“Hơn nửa thế kỷ, cháu chưa bao giờ quên lời dạy đó”
Bác Hồ luôn hiện diện trong trái tim của những người lính Cụ Hồ và các cựu tù cách mạng như một biểu tượng thiêng liêng của niềm tin, lý tưởng và lòng yêu nước sắt son.
Đến thăm Khu Di tích ngày 16/6/2007, ông Bùi Xuân Thanh - cựu chiến binh phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã xúc động hồi tưởng: “Kính thưa Bác Hồ kính yêu! Là một cựu chiến binh đã được gặp Bác ngày Người đến thăm bộ đội duyệt binh thử tại sân bay Bạch Mai, đêm 28/2/1958 chính thức ra Quảng trường. Cháu nhớ Bác hỏi: “Các chú có khỏe không?”. Chúng cháu đồng thanh trả lời: “Vì Nhân dân phục vụ”. Bác cười rất vui vẻ rồi dặn dò chiến sĩ luôn luôn ghi nhớ điều này. Hơn nửa thế kỷ, cháu chưa bao giờ quên lời dạy đó, nó đã là hiện sinh mạnh mẽ của lực lượng vũ trang. Hôm nay, cháu vô cùng xúc động đến thăm nơi Bác từng sống và làm việc. Cháu xin kính cẩn tưởng nhớ Bác Hồ mãi mãi”.
Ngày 19/5/1992, đoàn chiến sĩ tử hình thời kỳ chống Mỹ ở miền Nam bao gồm Phạm Ngọc Châu, Lê Minh Châu, Lê Hồng Tư, Phạm Thị Út, Phạm Văn Kỳ, Trần Văn Khiêm… ra thăm Bác đã viết: “Là một cựu tù Côn Đảo, đến thăm nơi ở và làm việc của Bác, cũng là nơi Bác ra đi mãi mãi... Lòng chúng con như bừng dậy một nỗi đau vô biên mà một năm nào đó đã xảy ra vào lúc chúng con còn trong nhà tù Côn Đảo với án tử hình của kẻ thù. Ngày nay, Tổ quốc ta độc lập, tự do nhưng Bác không còn nữa! Chúng con biết nói gì! Chỉ biết rằng chúng con phải xứng đáng với Bác!”.
Trong những tên cựu tù đề cập đến ở trên có đôi vợ chồng ấy là Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu nổi tiếng với mối tình thủy chung, son sắt. Ông Lê Hồng Tư là tử tù bị đày ra Côn Đảo từ năm 1961, bà Nguyễn Thị Châu là nữ sinh, nữ Cộng sản nổi tiếng trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định cũng rất nhiều năm lao tù.
Năm 2017, vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh nhiều người xem đứng tần ngần trước hiện vật món quà là chiếc khăn tay, quạt và lá thư của một đôi vợ chồng cán bộ cách mạng miền Nam gửi tặng Bác Hồ nhân sinh nhật lần thứ 78 của Người. Chiếc quạt giấy in hình đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc; chiếc khăn vuông lụa trắng phau, thêu hình hai đứa trẻ chơi đùa ở góc khăn. Kèm theo đó là lá thư viết ngày 17/5/1968: “Kính gửi Bác của hai cháu. Chúng cháu rất nhớ Bác và mong có ngày được đón Bác vào Nam. Anh Lê Hồng Tư của cháu vẫn ao ước ngày nước nhà độc lập, hai chúng cháu sẽ được dẫn nhau đi đón Bác. Những lúc gặp khó khăn nhất, chúng cháu đều nhớ đến Bác. Hôm nay chúng cháu gửi tặng Bác hai món quà kỷ niệm trong tù, có nhiều hình ảnh sâu đậm về Bác. Chúng cháu nhớ Bác nhiều lắm. Cả miền Nam đều mong nhớ Bác và mong gặp Bác. Kính nhớ Bác. Hai cháu Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu”.
Hồng Minh