KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP HUYỆN BẢO LÂM (1994-2024): Phát huy truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp

KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP HUYỆN BẢO LÂM (1994-2024): Phát huy truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp
3 giờ trướcBài gốc
Mô hình trồng rau khí canh
Huyện Bảo Lâm có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời của bà con các dân tộc gốc Tây Nguyên Mạ và K’Ho. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nhân dân các dân tộc nơi đây đã một lòng theo Đảng, đoàn kết, chiến đấu anh dũng để bảo vệ quê hương, buôn làng và góp phần vào thắng lợi chung của cả nước. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Nhân dân địa phương trong các cuộc kháng chiến, Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho 4 xã gồm: Lộc Bắc, Lộc Lâm, Lộc Nam và Lộc An.
Truyền thống cách mạng của những người con núi rừng Bảo Lâm được khẳng định như lời của chiến sĩ K’Kíu - người con xã Lộc Nam đã chửi thẳng vào mặt bọn thực dân trước khi bị bắt và xử bắn: “Tao không sợ chết, tao chết vì Nhân dân tao, vì núi rừng tao. Tao chết nhưng Nhân dân tao vẫn tiếp tục đánh mày…”.
Hòa bình, thống nhất đất nước; sau gần 40 năm đổi mới, cùng với sự phát triển của đất nước, huyện Bảo Lâm đã từng bước đổi mới và ngày càng phát triển. Đặc biệt là chặng đường 30 năm thành lập và phát triển (1994 - 2024), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Bảo Lâm đã chung sức, đồng lòng, cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất và đã xây dựng quê hương Bảo Lâm thành vùng đất giàu đẹp, trù phú, đầy sức sống của vùng đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ.
Từ sự quan tâm đầu tư của Trung ương và của tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Bảo Lâm, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có nhiều chuyển biến tích cực, khởi sắc. Là huyện có 31 DTTS anh em (chiếm khoảng 32,3% dân số toàn huyện) sinh sống thuận hòa ở 14 xã, thị trấn; đến nay, đồng bào ai ai cũng vui niềm vui chung khi không còn phải sống trong cảnh nghèo đói, lạc hậu, chạy ăn từng bữa.
Đáng chú ý trong đó có đồng bào Tày, Nùng... ở tỉnh Cao Bằng vào đất Bảo Lâm lập nghiệp từ khoảng những năm 1990 đang ra sức phấn đấu lao động sản xuất, làm giàu cho bản thân, gia đình, quê hương, đất nước. Hầu hết các dân tộc ở Bảo Lâm đều tuyệt đối chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Những ngày này, đồng bào Tày ở xã Lộc Ngãi cùng chung sức dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, cờ hoa tung bay để chào đón những sự kiện trọng đại của đất nước và địa phương. Thôn 12 có 212 hộ với 892 nhân khẩu, trong đó có hơn 80% dân số là đồng bào người Tày. Đến nay, thôn không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, đa số là khá giả và giàu có.
Hay, tại xã Lộc Tân với 1.900 hộ, 8.029 nhân khẩu, gồm 14 dân tộc anh em cùng chung sống, cư dân được phân bổ ở 7 thôn, trong đó đồng bào người Mạ, K’Ho chiếm khoảng 65% dân số; đời sống của người dân khởi sắc, nhà cửa xây dựng khang trang, tư duy làm ăn đổi mới. Cùng với cây chè, cà phê đã khẳng định vị thế cây trồng chủ lực thì với khoảng 300 ha dâu tằm, gần 500 hộ dân làm nghề nuôi tằm và đang là nghề mang lại thu nhập đáng kể cho người dân xã Lộc Tân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự điều hành hiệu quả của chính quyền các cấp, tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới được phát huy rộng rãi, từ đó khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Nhờ sự tranh thủ ủng hộ, giúp đỡ của tỉnh, huy động tối đa mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế, Bảo Lâm đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Đến nay, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng gần 70% nền kinh tế của huyện, nông nghiệp còn hơn 30%. Sản xuất nông nghiệp trong huyện đang hướng tới sản xuất chất lượng cao với nhiều mô hình mới mẻ, sáng tạo, hiệu quả, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
100% số xã trong huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là xã Lộc An, Lộc Quảng, Lộc Ngãi và huyện Bảo Lâm đang đẩy nhanh tiến độ để đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thường xuyên quan tâm củng cố, xây dựng và không ngừng phát triển vững mạnh.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức mạnh đoàn kết, các dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S nói chung, tỉnh Lâm Đồng, huyện Bảo Lâm nói riêng luôn xem nhau như anh em ruột thịt, gắn bó, keo sơn. Đồng bào mãi mãi ơn Đảng, ơn Bác Hồ; kiên quyết bảo vệ nền độc lập của dân tộc, quyết tâm xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển và giàu đẹp.
ĐỨC TÚ
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/xa-hoi/202412/ky-niem-30-nam-thanh-lap-huyen-bao-lam-1994-2024-phat-huy-truyen-thong-xay-dung-que-huong-ngay-cang-giau-dep-660301d/