Thế mạnh phát triển du lịch ở Bảo Lâm

Thế mạnh phát triển du lịch ở Bảo Lâm
5 giờ trướcBài gốc
Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ Lộc Thắng (quy mô 300 ha)
TÍN HIỆU MỚI
Có thể nhận thấy, trong thời gian qua, tại địa bàn huyện Bảo Lâm đã hình thành các điểm du lịch khá ấn tượng, thu hút nhiều du khách đến tham quan, check-in. Điển hình như điểm du lịch Linh Quy Pháp Ấn, thác Tà Ngào, chùa Di Đà, đồi trà Tâm Châu, không gian văn hóa truyền thống của người Mạ ở xã Lộc Tân, làng chè Tây Nguyên, Gia Đại Việt, Ô la la, làng Ôm... Theo đó, số lượng cơ sở lưu trú du lịch và homestay ở Bảo Lâm cũng tăng đáng kể, từ 21 cơ sở lưu trú du lịch năm 2022 tăng lên 41 cơ sở lưu trú du lịch vào năm 2024, tăng 14 cơ sở, bao gồm 5 homestay, 2 khách sạn và 34 nhà nghỉ, với 436 phòng, tăng 106 phòng so hai năm về trước.
Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Lâm, qua thống kê, công suất sử dụng phòng tại các cơ sở lưu trú du lịch hiện đạt trên 55%, số ngày lưu trú của du khách bình quân đạt tư 0,5 - 1 ngày, mức chi tiêu của khách nội địa 500.000 đồng và du khách quốc tế ở mức 800.000 đồng/ngày. Để đạt được những kết quả nêu trên, năm qua huyện đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao nổi bật thu hút 35.500 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Qua đó góp phần vào doanh thu dịch vụ và du lịch đạt 376 tỷ đồng, tăng 11,14% so với cùng kỳ. Tuy sức thu hút khách du lịch còn khiêm tốn so với một số địa phương trong tỉnh, nhưng đấy là tín hiệu tốt để huyện thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển du lịch trong thời gian tới.
DU LỊCH SINH THÁI GẮN VỚI BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA CỘNG ĐỒNG
Theo UBND huyện Bảo Lâm, trong thời gian tới, huyện sẽ chú trọng phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng lớn đó là du lịch sinh thái gắn với bản sắc văn hóa của cộng đồng, các buôn làng dân tộc đang duy trì các ngành nghề truyền thống, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đàn tính, hát then... Hay du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí tại những hồ chứa nước phục vụ cho thủy lợi và thủy điện trên địa bàn; du lịch tâm linh dựa vào thế mạnh về kiến trúc của hệ thống chùa chiền, nhà thờ. Và đó còn là sản phẩm du lịch thám hiểm rừng, núi; du lịch canh nông tại các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bảo Lâm giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo, Bảo Lâm hiện có 6 danh mục kêu gọi đầu tư gồm: Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ Lộc Thắng (quy mô 300 ha), Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ Tân Rai (quy mô 145 ha), Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ Tà Đùng (quy mô 5.000 ha), Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ Đắk Long Thượng (quy mô 1.450 ha), Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ Đắk Lé (quy mô 2.354 ha) và Dự án phức hợp Sân golf - khách sạn - thương mại - biệt thự nghỉ dưỡng ở khu đất hoàn nguyên bauxite (quy mô 300 ha).
Ngoài ra, Bảo Lâm còn kêu gọi đầu tư xây dựng 5 điểm du lịch bao gồm: Du lịch văn hóa Linh Quy Pháp Ấn (quy mô 25 ha), du lịch văn hóa chùa Di Đà (quy mô 5 ha), du lịch tham quan thác Tà Ngào (quy mô 50 ha), du lịch sinh thái núi Sapung (quy mô 100 ha) và du lịch tham quan làng chè Tây Nguyên (quy mô 11 ha). Đồng thời xây dựng 7 điểm du lịch nông nghiệp, nghiên cứu, xây dựng thí điểm Đề án mô hình Làng văn hóa du lịch cộng đồng; xây dựng, hình thành các mô hình du lịch nông nghiệp - nông thôn, gắn với cộng đồng như tham quan mô hình trồng trọt - sản xuất - thu hoạch - chế biến trà - cà phê và thưởng thức các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương... Bên cạnh đó, xây dựng các tour kết nối với Bảo Lộc như mở tour Linh Quy Pháp Ấn - thác Tà Ngào - núi Sapung, tour chùa Di Đà - đồi trà Tâm Châu - hồ Ngọc, tour thăm mô hình nông nghiệp ở xã Lộc Quảng - làng chè Tây Nguyên, tour nghỉ dưỡng homestay và khám phá xã Lộc Ngãi - xã Lộc Đức...
Ông Trịnh Văn Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Bảo Lâm có vị trí địa lý thuận lợi cùng với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, nhiều thắng cảnh đẹp, khí hậu quanh năm mát mẻ rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp. Mặt khác, việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa tuyền thống các dân tộc cũng góp phần làm giàu thêm nguồn tài nguyên du lịch và là nguồn lực để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ thế mạnh này, huyện Bảo Lâm đã và đang tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tập trung xúc tiến, kêu gọi phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về du lịch nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần đưa ngành Du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Qua đó đặt mục tiêu tạo doanh thu từ ngành Du lịch hàng năm tăng 12,5 - 13%/năm, số ngày lưu trú bình quân của du khách đạt 2,5 ngày, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người dân.
KHẢI NHIÊN
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/du-lich/202412/the-manh-phat-trien-du-lich-o-bao-lam-6ce27c1/