Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, phóng viên Báo Hànôịmới đã tìm, gặp được những chiến sĩ trực tiếp tham gia giải phóng miền Nam, nghe họ kể về những kỷ niệm của một thời hào hùng. Chúng tôi cũng gặp được thế hệ con cháu của những người anh hùng năm xưa, ghi nhận quyết tâm tiếp nối truyền thống ông cha, chung tay góp sức xây dựng Tổ quốc ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Báo Hànôịmới trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài "Tự hào những thời khắc lịch sử".
Bài 1: Vẹn nguyên ký ức hào hùng
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với những người lính tham gia giải phóng miền Nam năm nào, những ký ức hào hùng của một thời hoa lửa vẫn vẹn nguyên, mang đầy cảm xúc.
Đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi gặp được Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. 50 năm trước, ông đã cùng đồng đội vượt hơn 1.700km, tiến vào giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định...
Trong hồi ức của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, cuộc gặp gỡ định mệnh với "Bà má tham mưu" và trận đánh quyết định tại cửa ngõ Sài Gòn đã khắc họa đậm nét tình quân dân và khí thế hào hùng của Đại thắng mùa Xuân 1975.
Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu cùng thế hệ trẻ hôm nay. Ảnh nhân vật cung cấp
Má Sáu và tấm bản đồ đặc biệt
50 năm đã trôi qua, nhưng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (sinh năm 1947, quê ở tỉnh Nam Định, hiện sống ở Hà Nội) vẫn nhớ từng chi tiết về cuộc hành quân của ông và đồng đội trên quãng đường 1.700km từ tỉnh Ninh Bình vào tháng 3-1975, tiến về giải phóng Sài Gòn tháng 4-1975.
“Tháng 3-1975, tôi đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1. Ngày 18-3, chúng tôi nhận lệnh đưa toàn bộ Trung đoàn từ Tam Điệp (Ninh Bình) hành quân bằng cơ giới vào tập kết ở Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) với tổng cộng 3.000 chiến sĩ (kể cả tăng cường) để tiến vào giải phóng thành phố Huế và Đà Nẵng; sau đó quay lại ra Đông Hà củng cố lực lượng. Triển khai phương án tác chiến của Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn hành quân thần tốc tiến vào Nam. Sau 12 ngày đêm hành quân với khí thế hừng hực, tối 29-4, chúng tôi chỉ còn cách Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương ngày nay) chừng 10km. Đây là thời điểm tôi được gặp má Sáu, người đã cho tôi một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời binh nghiệp”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu hồi tưởng.
Má Sáu Ngẫu (tên thật Huỳnh Thị Sáu) là cơ sở cách mạng nằm vùng của ta dưới vỏ bọc cô giáo dạy Pháp ngữ. Nơi má Sáu ở là một ngôi nhà lá đơn sơ, đèn dầu leo lét nằm sâu trong bìa rừng gần nơi đơn vị dừng chân. Sau tin báo của tổ trinh sát, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và Chính ủy Trịnh Văn Thư cùng trinh sát tiếp cận, hô mật khẩu nhận diện (hô “Hồ Chí Minh”, đáp lại “muôn năm”). Bên trong trả lời đúng, xác nhận người của ta.
Khi biết đây là quân giải phóng chuẩn bị tấn công Lái Thiêu, đánh chiếm cầu Vĩnh Bình và Bộ Tư lệnh Thiết giáp ngụy, má Sáu đã không ngần ngại hỗ trợ. Má lấy ra tấm bản đồ đô thành Sài Gòn cũ từ năm 1961 của người chồng đã hy sinh, trên đó có những ghi chú chi tiết do chính tay má cập nhật về hệ thống phòng thủ của địch từ Lái Thiêu vào nội đô. Thông tin này, theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, là vô cùng quý giá. Má Sáu còn cung cấp tin tức về trại lính ngụy Huỳnh Văn Lương gần đó với 2.000 tên, khuyên nên kêu gọi họ đầu hàng, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải chiếm bằng được cầu Vĩnh Bình, chốt chặn cuối cùng được phòng thủ kiên cố.
Từ chỉ dẫn cụ thể của má Sáu, rạng sáng 30-4-1975, Trung đoàn 27 xuất kích, kêu gọi 2.000 tên địch trong trại Huỳnh Văn Lương ra đầu hàng thành công. Sau đó, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy điều động Tiểu đoàn 5 vào Lái Thiêu, nhanh chóng triển khai đội hình tiến công, bắn cháy 3 xe tăng địch và thu giữ một pháo tự hành “Vua chiến trường” 175mm ở ngã ba Lái Thiêu.
Đến khoảng 9h, đơn vị đánh chiếm được cầu Vĩnh Bình. Đến khoảng 10h, Bộ Tư lệnh Thiết giáp ngụy quyền Sài Gòn (ở Gò Vấp) và 13 căn cứ lục quân công xưởng cùng với Tổng y viện Cộng hòa (nay là Bệnh viện Quân y 175) đã nằm dưới sự kiểm soát và tiếp quản của Trung đoàn 27. Chuẩn tướng Phạm Hà Thanh, Cục trưởng Cục Quân y ngụy quyền Sài Gòn bị bắt. Sau đó, lực lượng quân giải phóng tiến vào tiếp quản Tổng Y viện Cộng Hòa, hoàn thành một phần nhiệm vụ trong chiến thắng lịch sử 30-4-1975.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định, sự giúp đỡ kịp thời và chính xác của má Sáu đã góp phần quan trọng giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp vào thắng lợi chung của dân tộc.
Bồi hồi nhớ lại giờ phút chiến thắng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ niềm tự hào: "Chúng tôi đã thực hiện trọn vẹn lời Bác Hồ căn dặn trước lúc Người đi xa: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/Tiến lên chiến sĩ đồng bào/Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn".
Uống nước nhớ nguồn
Giữa những ngày tháng Tư lịch sử này, trong chuyến vào thành phố Hồ Chí Minh tham dự các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã cùng gia đình, đồng đội quay lại Lái Thiêu, thăm lại chiến trường xưa, nơi đã khắc ghi trong tâm trí ông những khoảnh khắc không thể nào quên.
“Dịp này, tôi và đồng đội vừa về Lái Thiêu viếng mộ và dâng hoa tượng má Sáu. Ngày đó, ngay sau ngày đất nước thống nhất, tôi cũng đã cùng đơn vị quay ngay về Lái Thiêu để gặp gỡ, cảm ơn, tri ân người má miền Nam, người đã đưa cho chúng tôi tấm bản đồ quý giá, góp phần để đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh người dân đứng đông nghịt hai bên đường vẫy cờ hoa chào đón và tặng quân giải phóng 3 xe đầy ắp trái cây đặc sản địa phương. Những người như má Sáu đã âm thầm đóng góp công sức để cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta viết nên trang sử hào hùng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước, thống nhất non sông và xây dựng Tổ quốc ngày một phát triển như ngày nay”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu xúc động chia sẻ.
Đứng giữa thành phố Hồ Chí Minh sau 50 năm tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định, vị tướng năm nay đã 78 tuổi vẫn nhớ hình ảnh người đồng đội là Đại đội trưởng xe tăng Hoàng Thọ Mạc trong lúc đánh chiếm cầu Vĩnh Bình. Khi xe tăng của mình trúng đạn, ông không lùi bước mà rời xe, trực tiếp chỉ huy các tổ B40, B41 tiếp tục chiến đấu, bắn cháy 3 xe thiết giáp của địch. Tổn thất đau xót khi đồng chí Hoàng Thọ Mạc bị trọng thương và anh dũng hy sinh.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu xúc động: “Chúng tôi đã quyết định đưa thi thể của người đồng đội quả cảm lên xe, tiếp tục cùng đơn vị tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm thành công Bộ Tư lệnh Thiết giáp ngụy quyền Sài Gòn. Anh Mạc và nhiều người khác đã hy sinh ngay trước giờ chiến thắng, ngay trước thời khắc đất nước thống nhất, hòa bình. Họ chính là những người xứng đáng nhất được tôn vinh trong những ngày này” - Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu xúc động nói.
Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu cũng bày tỏ niềm tự hào khi sau 50 năm, thành phố Hồ Chí Minh đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội, là động lực tăng trưởng có vai trò trụ cột để đưa nước ta trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 theo mục tiêu của Trung ương, đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước. “Sự kỳ vọng của Trung ương cũng như nhân dân cả nước mong muốn thành phố Hồ Chí Minh luôn xứng đáng là thành phố mang tên Bác”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh.
Nhắn nhủ tới thế hệ trẻ hôm nay, Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu bày tỏ mong muốn, thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống của dân tộc, phát huy tinh thần, ý chí, nghị lực vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ; đồng thời gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa để xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(Còn nữa)
Nguyễn Lê